Thursday, Aug 23, 05:08 PM

Nâng cao năng lực chuyển đổi số, xúc tiến tiêu thụ nông sản địa phương

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội Thương mại điện tử và TikTok cùng MCN DC MEDIA thúc đẩy hợp tác chiến lược trong việc nâng cao năng lực chuyển đổi số của các chủ thể qua chương trình “Mỗi xã Một sản phẩm” (OCOP) trên sà

Nâng cao năng lực chuyển đổi số, xúc tiến tiêu thụ nông sản địa phương
Nâng cao năng lực chuyển đổi số, xúc tiến tiêu thụ nông sản địa phương

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt, tạo ra nhiều loại nông sản đặc sản như rau củ quả, hoa cao cấp, cà phê Arabica chất lượng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức chương trình “Chợ Phiên OCOP - Nông sản trong mây” tại tỉnh với sự hỗ trợ của TikTok cùng MCN DC MEDIA nhằm trau dồi kiến thức kinh doanh trên nền tảng số, tư vấn và giải quyết vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thiết lập, vận hành kênh bán hàng trên nền tảng TikTok Shop.

Buổi livestream của chương trình đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, trên 535.000 lượt click vào xem phiên live, minh chứng cho sức hút của các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đến từ 13 chủ thể tiêu biểu, gồm có: Nông sản Langbiang, Dalahuf, Cà phê nguyên chất Thái Châu, Hoa Linh Coffee, Cà phê rang xay Phu Đoan, Hoàng Anh Macca, ENNY, Tinh Dầu Kava Việt Nam, Berryland Việt Nam, Sống Lành, ICHIFOODS, Trà Ngọc Duy, Seed Coffee với gần 50 sản phẩm nông đặc sản các loại; thông qua sự hỗ trợ quảng bá đến từ các nhà sáng tạo nội dung nổi bật trên nền tảng TikTok như Hải Đăng Review, Hiếu Shyn, Giao Heo, Tú Mai, Huyền Phi, Hy và Ni, Thơ nông sản, Thiện Nhân, An đen, Chi Ăn Giang, Ba Thức, Gia đình Zô Zô, Bếp Rừng Tây Nguyên, Thịnh Bigdog Phan Rang.

Theo thống kê, tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 215 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, 4 sao và 5 sao. Từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển ít nhất 240 sản phẩm OCOP, trong đó, gồm 228 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 12 sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Trước sự phát triển tích cực, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng kết hợp với Agritrade và TikTok thí điểm số hóa các làng nghề, sản phẩm truyền thống trên nhằm thúc đẩy việc quảng bá và kinh doanh nông sản tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết:

“Thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành nhằm xây dựng tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực số hóa của các doanh nghiệp và cải thiện thu nhập cho bà con địa phương. Cùng với sự hỗ trợ về tập huấn chuyển đổi số, giải pháp công nghệ tiên tiến và hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện của TikTok Shop, chúng tôi tự tin về những chuyển biến tích cực của kinh tế địa phương trong thời gian sắp tới và mong chờ được quảng bá đặc sản quê hương đến mọi miền đất nước, thậm chí là quốc tế”.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam, chia sẻ:

“Cùng sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử và nền kinh tế số trong nước, nông sản Việt ngày càng lớn mạnh trên thị trường quốc tế, khẳng định tiềm năng và chất lượng của sản phẩm nội địa. Tiếp nối chương trình dài hạn OCOP phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đội ngũ TikTok tự hào quảng bá đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống và các loại hình thủ công mỹ nghệ Việt Nam, góp phần xúc tiến giao thương trong khu vực và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc đến bạn bè năm châu”.

Tháng 8/2023, TikTok chính thức cùng Sở NN&PTNT Lâm Đồng, ký kết hợp tác nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận chương trình “Mỗi xã Một sản phẩm” (OCOP) trên sàn thương mại điện tử, đồng thời kết nối tạo ra lợi thế, điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tiêu thụ nông sản ở Việt Nam.

Trong khuôn khổ hợp tác này, TikTok tiếp tục triển khai sự kiện Chợ phiên OCOP. Được phát sóng trực tiếp (livestream) trên TikTok Shop hàng tuần, sự kiện sẽ là cơ hội quảng bá và bán hàng trực tuyến các sản phẩm - đặc sản vùng miền do chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương sản xuất. Thông qua dự án này, TikTok đặt mục tiêu cải thiện sinh kế của 20.000 nông dân địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ trải dài trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương và thúc đẩy du lịch trên các vùng miền.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương quảng bá sản phẩm OCOP, TikTok cũng đã mở đăng ký cho doanh nghiệp tham gia các lớp đào tạo chuyên môn về tạo video ngắn trên nền tảng, giới thiệu bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business và bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện TikTok Shop. Từ đó, các nhà bán hàng dễ dàng tiếp cận với chương trình, hiểu và nâng cấp các giá trị đặc sắc của sản phẩm OCOP.

Minh Anh
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/nang-cao-nang-luc-chuyen-doi-so-xuc-tien-tieu-thu-nong-san-dia-phuong-a198553.html Copylink