Nga triển khai vòm sắt 'bất khả xuyên thủng', có thể bắn hạ cả vũ khí siêu thanh?
Nga đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng không tối tân S-300PM2 'Favorit', vòm sắt bất khả xuyên thủng, để bảo vệ khu vực phía Đông.
Trong bối cảnh Mỹ đang phát triển vũ khí siêu thanh, Bộ Quốc phòng Nga lên kế hoạch đến cuối năm nay sẽ hoàn thành triển khai hệ thống phòng không tối tân S-300PM2 'Favorit' để bảo vệ khu vực phía Đông.
Nhiệm vụ của hệ thống S-300PM2 là bảo vệ toàn bộ khu vực từ Novosibirsk đến Irkutck trước các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác cao và tên lửa siêu thanh của đối phương. Việc đảm bảo an ninh cho các công trình xã hội và các mục tiêu chiến lược khác được giao cho hệ thống Pantsir thuộc Trung đoàn phòng không cơ động.
Sư đoàn phòng không 41 sẽ bảo vệ bầu trời Siberia. Bộ tham mưu sư đoàn đặt tại Novosibirsk, đây cũng là nơi đồn trú của Trung đoàn S-400. Các đơn vị khác của sư đoàn này đóng quân ở Irkutsk, Krasnoyarsk và được trang bị tổ hợp S-300PM2.
Tổ hợp S-300PM2 là hệ thống vũ khí đặc biệt, về tính năng kỹ-chiến thuật không thua kém tổ hợp S-400, một số tính năng thậm chí còn vượt trội.
S-300PM2 là phiên bản nâng cấp sâu của tổ hợp S-300. Phiên bản mới được trang bị radar giám sát hiện đại, radar dẫn đường và sở chỉ huy di động.
Tổ hợp này có thể hoạt động hiệu quả trong điều kiện bị đối phương gây nhiễu sóng vô tuyến tích cực. Ở cự ly 250 km, tổ hợp S-300PM2 có thể bắn hạ tất cả các loại mục tiêu như máy bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và cả thiết bị bay siêu thanh.
Chuyên gia quân sự Vasily Kashin nhận định: “Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng, Nga tăng cường bảo vệ các mục tiêu chiến lược ở Siberia, những tổ hợp phòng không cũ sẽ được thay thế bằng những tổ hợp hiện đại mới. Trong thời gian sắp tới, hoạt động phòng không trên tất cả các hướng sẽ được đặc biệt quan tâm”.
Trong khi đó, nguyên Phó Tổng Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Aitech Bizhev cho biết: Nga hiện vẫn đang tiến hành hiện đại hóa các tổ hợp phòng không của mình.
S-300MP2 là một tổ hợp phòng không hiệu quả và đáng tin cậy, mọi vũ khí hiện có của đối phương đều nằm trong danh sách các mục tiêu của tổ hợp này.
"Các chuyên gia thiết kế Nga đã tính toán ngay từ đầu, để khả năng phòng thủ của các tổ hợp phòng không của mình có thể vượt xa khả năng tấn công của lực lượng không quân – vũ trụ khoảng 10-15 năm. Nga chủ động tích hợp năng lực tác chiến dự trữ cho những tổ hợp phòng không ngay cả khi đối thủ vẫn chưa sở hữu vũ khí siêu thanh”, Trung tướng Aitech Bizhev nhấn mạnh.
Ngoài tổ hợp S-300PM2, Nga cũng triển khai hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir tới Siberia. Một trung đoàn Pantsir cơ động được biên chế tại vùng Krasnoyarsk. Với khả năng cơ động cao cao, các xạ thủ có thể triển khai hệ thống vũ khí này tới bất kỳ điểm nào trong khu vực trong khoảng thời gian rất ngắn.
Pantsir-SM là tổ hợp phòng không tầm ngắn, được trang bị radar mảng pha điện tử chủ động, nhờ vậy mà cự ly phát hiện mục tiêu có thể lên tới 75km, tầm bắn tối đa đạt 40km.
Ngoài cơ số đạn mang theo của tổ hợp là 12 tên lửa, đội xe tải tháp tùng có thể tiếp viện bổ sung, mỗi xe tải đi cùng có thể mang theo 24 tên lửa.
Trung tướng Không quân Aitech Bizhev chỉ ra rằng Pantsir là vũ khí tăng cường phòng thủ tầm thấp, bổ sung vào sơ hở của tổ hợp S-300PM2 và S-400. Tất cả những tổ hợp này phối hợp đồng bộ với nhau sẽ tạo thành một mạng lưới thống nhất.
Kể từ khi Liên Xô tan rã, hệ thống phòng không quốc gia chung cũng tan vỡ theo. Nhiều năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đã khắc phục tình trạng này. Hiện nay, toàn bộ lãnh thổ Nga đều được bảo vệ, không một sự xâm nhập lạ nào là không bị phát hiện và đánh trả.