Ra mắt dịch vụ bảo vệ an toàn thông tin cho doanh nghiệp và tổ chức
Ngày 19/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức ra mắt Nền tảng quản lý an toàn thông tin - VNPT MSS. Đây là bộ dịch vụ mới nhất được VNPT xây dựng nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho các doanh nghiệp và tổ chức.
Năm 2020, Covid-19 bùng phát, hàng loạt doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chuyển sang làm việc từ xa, các phần mềm làm việc trực tuyến được tìm kiếm và download rầm rộ. Nhiều đơn vị buộc phải mở hệ thống ra Internet để nhân viên có thể truy cập và làm việc tại nhà… Điều này tạo môi trường cho kẻ xấu khai thác lỗ hổng, tấn công, đánh cắp thông tin.
Các cuộc tấn công chiếm đoạt dữ liệu đã tăng từ 34% số vụ gian lận năm 2019 lên 54% vào cuối tháng 12/2020. Hàng loạt vụ tấn công mạng quy mô lớn diễn ra trên toàn cầu, điển hình như vụ việc nhà máy của Foxconn bị tin tặc tấn công, đòi 34 triệu USD tiền chuộc dữ liệu hay 267 triệu thông tin người dùng Facebook được rao bán năm 2020.
Tại Việt Nam, tấn công giao dịch ngân hàng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến 6/2020, có 805 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 788 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 296 cuộc tấn công cài mã độc (Malware) cùng nhiều cuộc tấn công mạng khác tại Việt Nam chưa được theo dõi và phát hiện.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số đang trở thành nhu cầu tất yếu của doanh nghiệp và tổ chức, quá trình này cũng đi kèm với những rủi ro lớn liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu. Nhận thấy nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực này, VNPT phối hợp IBM để nghiên cứu và xây dựng VNPT MSS - hệ miễn dịch trên không gian số.
VNPT MSS (VNPT Managed Security Service) là nền tảng giám sát, quản lý an toàn thông tin hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tổ chức nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, ứng cứu các rủi ro gây mất an toàn thông tin trước các cuộc tấn công từ cả bên trong và bên ngoài. Sự xuất hiện của VNPT MSS sẽ giúp bảo vệ tài sản, trí tuệ, lợi nhuận cũng như giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp, tổ chức một cách đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Hiện tại, VNPT MSS cung cấp 4 dịch vụ cho doanh nghiệp gồm: Giám sát an toàn thông tin (Security Monitoring); Ứng cứu sự cố (Incident Response); Điều tra truy vết (Forensic) và Săn tìm mối nguy (Threats Hunting).
Đây được xem là dịch vụ bảo vệ toàn diện cho các doanh nghiệp, tổ chức trên không gian số. Công nghệ lõi của VNPT MSS giúp nền tảng này kịp thời phát hiện, theo dõi các cuộc tấn công mạng ngay từ giai đoạn đầu. Đội ngũ kỹ sư với trình độ quốc tế luôn sẵn sàng ứng cứu, xử lý sự cố 24/7. Đặc biệt, hệ thống săn tìm các nguy cơ mất an toàn được triển khai trên mạng băng rộng cố định lớn nhất Việt Nam cùng mạng lưới hỗ trợ dịch vụ trải rộng 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
Bà Phạm Thị Thu Diệp - Tổng giám đốc IBM Việt Nam - chia sẻ: Các cuộc tấn công mạng là một trong những rủi ro tiềm tàng nhưng để lại những hậu quả khôn lường cho doanh nghiệp và tổ chức. Theo các báo cáo bảo mật của IBM, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những rủi ro này lại càng gia tăng nhanh chóng. Theo đó, việc giám sát an toàn thông tin, phát hiện sớm và ứng phó sự cố hiệu quả, cũng như đầu tư vào các công nghệ giúp tăng thời gian phản hồi, điều tra truy vết và săn tìm mối nguy là chìa khóa để giảm tác động từ các sự cố an ninh mạng và hạn chế các chi phí do tổn thất kinh doanh gây ra.
“IBM rất vui mừng được hợp tác với VNPT để mang đến công nghệ và dịch vụ bảo mật đẳng cấp thế giới của chúng tôi, nhằm giúp tăng cường khả năng phục hồi không gian mạng và bảo vệ các doanh nghiệp, tổ chức tốt hơn trong các điều kiện bình thường mới” - bà Phạm Thị Thu Diệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Quân - Giám đốc Trung tâm An toàn thông tin, VNPT - cho biết: VNPT MSS là một dịch vụ được xây dựng đúng với tinh thần “Make in Vietnam”, khi đội ngũ kỹ sư của tập đoàn hoàn toàn làm chủ công nghệ lõi, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cả tiêu chuẩn quốc tế. Dịch vụ này sẽ là một nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp và tổ chức khi bước vào quá trình chuyển đổi số.