Monday, Apr 23, 08:04 PM

Thanh Hóa: Có hơn 20 sản phẩm hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP

Thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, tính đến quý I/2023 trên địa bàn tỉnh có 22 sản phẩm hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP.

Thanh Hóa: Có hơn 20 sản phẩm hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP
Thanh Hóa: Có hơn 20 sản phẩm hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP
Dưa chuột baby của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, huyện Quảng Xương là một trong 22 sản phẩm hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP.
Dưa chuột baby của Công ty CP Xây dựng và thương mại Phong Cách Mới, huyện Quảng Xương là một trong 22 sản phẩm hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP

Theo quy định, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP sẽ được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, được sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm") và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm, được hỗ trợ phát triển sản phẩm theo Chương trình OCOP. Chứng nhận xếp hạng sao sản phẩm của Chương trình OCOP, có giá trị trong 3 năm.

Tuy nhiên, các chủ thể sẽ không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) để in, dán trên bao bì, nhãn mác đối với các sản phẩm của mình khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, kể từ ngày hết hiệu lực.

Tại Thanh Hoá, theo Quyết định số 5445/QĐ-UBND ngày 23/12/2019 của UBND tỉnh, có 13 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận cho các chủ thể - đã hết hiệu lực kể từ ngày 24/12/2022 và giấy chứng nhận 17 sản phẩm OCOP đợt 1/2020 được cấp theo Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 19/2/2020 của UBND tỉnh, hết hiệu lực từ ngày 20/2/2023.

Song, đến nay, ngoài 1 sản phẩm mắm tôm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia - đã được chứng nhận 5 sao quốc gia, không thuộc diện đánh giá xếp hạng lại ở cấp tỉnh, thì mới chỉ có 7/12 sản phẩm tại Quyết định số 5445/QĐ-UBND, ngày 23/12/2019 tham gia đánh giá xếp hạng lại ở đợt 1/2023.

Và một số sản phẩm tại Quyết định số 590/QĐ-UBND có hồ sơ đăng ký đánh giá, xếp hạng lại, trong số đó, có một số thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa như mắm tôm Hòa Hải, rượu Chi Nê (Hậu Lộc), dưa chuột Baby, dưa lưới Taki (Quảng Xương), kẹo lạc Đức Giang (Thọ Xuân)…

Trong trường hợp, các chủ thể vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu OCOP trên sản phẩm đã hết thời hạn chứng nhận, sẽ bị xử lý theo quy định tại Quyết định số 1162/QĐ-VPĐP-OCOP, ngày 17/9/2020 của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới Trung ương và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Hoài Thu
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-co-hon-20-san-pham-het-thoi-han-su-dung-nhan-hieu-ocop-a191566.html Copylink