Tuesday, Dec 22, 08:12 PM

Thanh Hóa đề xuất Trung ương công nhận thêm 3 sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia

Hiện, tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản đề nghị Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và các bộ, ngành liên quan xét công nhận thêm 3 sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia đối với 3 sản phẩm Bình cói Nga Sơn, Đĩa cói Nga Sơn và Rổ cói Nga Sơn.

Thanh Hóa đề xuất Trung ương công nhận thêm 3 sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia
Thanh Hóa đề xuất Trung ương công nhận thêm 3 sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia
Thu hoạch cói ở huyện Nga Sơn, Thanh Hoá
Thu hoạch cói ở huyện Nga Sơn, Thanh Hoá.

Thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, sau khi hoàn thiện các khâu hồ sơ thủ tục, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và các bộ, ngành liên quan xét công nhận thêm 3 sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia. 

3 sản phẩm được đề xuất gồm: Bình cói Nga Sơn, Đĩa cói Nga Sơn và Rổ cói Nga Sơn của xã Nga An (Nga Sơn). Đây là những sản phẩm được một doanh nghiệp địa phương xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hoa Kỳ nhiều năm qua, hiện đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị nước bạn.

Các sản phẩm từ cói
Các sản phẩm từ cói được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Được biết sau 04 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) , tỉnh Thanh Hóa đã có 236 sản phẩm OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm xếp hạng 5 sao quốc gia, 51 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, 184 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao của 158 chủ thể thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, mặc dù sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành phố trên cả nước phát triển nhanh về số lượng nhưng sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4,5 sao còn rất khiêm tốn.

Đây chính là một thách thức rất lớn trong thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cả nước có từ 400 - 500 sản phẩm OCOP 5 sao như Quyết định 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.

Với những quy định hiện hành thì việc nâng cấp sản phẩm OCOP 4 sao, lên 5 sao không hề đơn giản. Những khó khăn của các chủ thể sản phẩm OCOP đang gặp phải hiện nay là chi phí để nâng cấp dây chuyền, quy mô sản xuất, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn là rất lớn.

Bên cạnh đó việc đạt được khung điểm cao nhất 90-100 điểm theo các tiêu chí đòi hỏi các chủ thể phải là đơn vị sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, có hệ thống phân phối sản phẩm rộng và có sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận.

Tính đến ngày 31/08/2022, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1,0% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao. Trong hơn 4.351 chủ thể OCOP, thì hợp tác xã chiếm 38,3%, doanh nghiệp chiếm 26,1%, cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh chiếm 33,3%, còn lại là tổ hợp tác sản xuất.

Trong tổng số 20 sản phẩm được Hội đồng thẩm định Trung ương chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao thì TP. Hà Nội có đến 4 sản phẩm. Tiếp đến là tỉnh Quảng Ninh có số lượng sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao nhiều thứ hai của cả nước với 3 sản phẩm đều làm từ ngọc trai.

Các tỉnh: Hà Giang, Lâm Đồng, An Giang, Thái Nguyên - mỗi địa phương có 2 sản phẩm OCOP 5 sao. Các tỉnh: Thanh Hóa, Sơn La, Kon Tum và Sóc Trăng mỗi địa phương có 1 sản phẩm đạt chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao.

Sản phẩm đạt OCOP 5 sao được Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận, được sử dụng biểu trưng và tem OCOP quốc gia trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm theo quy định. Kết quả phân hạng có giá trị 36 tháng, kể từ ngày công nhận.

Hoài Thu
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-de-xuat-trung-uong-cong-nhan-them-3-san-pham-ocop-5-sao-quoc-gia-a185713.html Copylink