Thursday, Aug 21, 10:08 AM

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch Covid-19

Thành phố Hồ Chí Minh vừa triển khai nhiều tiện ích công nghệ số vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, bao gồm bản đồ quản lý, phân tích vùng dịch ứng dụng công nghệ GIS và đưa robot AI vào tiếp nhận, xử lý cuộc gọi yêu cầu trợ giúp của ng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch Covid-19
Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch Covid-19
Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch Covid-19
Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ số để lập bản đồ quản lý ca nhiễm Covid-19

Bản đồ số GIS hỗ trợ quản lý số ca nhiễm

Theo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, sau khi triển khai thành công tại thành phố Thủ Đức, việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa được Sở triển khai tại 11 quận, huyện khác của thành phố.

Ứng dụng có các công cụ phân tích và thống kê báo cáo cho phép phân tích các ca dương tính, ca nghi nhiễm, ca bệnh cùng nhà, phân tích diễn tiến Covid, vùng cách ly, điểm phong tỏa, cơ sở cách ly tập trung, chốt kiểm soát; thống kê số ca dương tính phát sinh trong ngày, thống kê điểm phong tỏa...

Đáng chú ý, ứng dụng có các lớp dữ liệu hỗ trợ công tác phòng, chống Covid-19, như: Ranh giới khu phố, ranh giới phường, bản đồ quản lý các cơ sở cách ly tập trung, điều trị y tế, xét nghiệm; bản đồ, số liệu, biểu đồ để đánh giá tình hình dịch bệnh theo từng ngày, xem thông tin diễn tiến ca bệnh F0-F1-F2 theo từng ngày, đánh giá khả năng lây lan, đánh giá nguồn lây Covid-19, biểu đồ địa phương có số ca nhiễm cao…

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch Covid-19
Các lớp bản đồ trong ứng dụng “Thủ Đức Covid"

Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho biết, ứng dụng GIS còn giúp thiết lập bản đồ hỗ trợ người dân mua sắm trực tuyến trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Ngoài ra, ứng dụng này có thể mở rộng cập nhật các điểm phát hàng cứu trợ, từ thiện, kết nối người cho và nhận.

Trước đó, hệ thống GIS với 2 phần mềm ứng dụng là “Thủ Đức Covid” và “Thủ Đức mua sắm” đã được triển khai. Hệ thống do Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (HCMGIS) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng và triển khai theo đặt hàng của thành phố Thủ Đức. Đáng chú ý, ứng dụng Thủ Đức Covid hỗ trợ công tác quản lý, cho phép đánh giá tình dịch bệnh với các thống kê rất chi tiết về các ca nhiễm, nơi làm việc của ca nhiễm, các thống kê về vùng phong tỏa, cách ly…

Tổng đài viên robot AI giúp tăng tiếp nhận 1,5 lần số cuộc gọi

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng Tổng đài 1022, nhánh số 2 để tiếp nhận các cuộc gọi phản ánh của người dân. Tuy nhiên, thời gian đầu vận hành, do cuộc gọi tới tổng đài quá nhiều nên đã xảy ra nghẽn mạng. Sở đã khắc phục bằng cách ứng dụng 30 robot trí tuệ nhân tạo (AI) kể từ ngày 30-7.

Qua 5 ngày triển khai, tình hình đã được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, tổng đài đã nhận được 19.767 cuộc gọi, trong đó, robot AI xử lý hơn 12.000 cuộc, chiếm tỷ lệ 60%. Bằng ứng dụng công nghệ AI, số lượng cuộc gọi được tiếp nhận gấp 1,5 lần so với trước, xử lý được triệt để tình trạng nghẽn mạng.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho biết: “Thời gian tới, Sở có kế hoạch tăng số lượng robot AI lên đến 300, tăng số lượng tổng đài viên lên 40-45 người trực trong giờ cao điểm. Toàn bộ cuộc gọi của người dân tới Tổng đài 1022 nhánh 2, 3 đã được các công ty viễn thông trong nước hỗ trợ miễn phí cước cuộc gọi”.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch Covid-19
Nhờ robot AI, Tổng đài 1022, nhánh số 2 đã tăng công suất nhận và xử lý cuộc gọi yêu cầu trợ giúp của người dân

Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, trong 30.000 thông tin cuộc gọi được Sở chuyển về cho địa phương, khoảng 65-75% thông tin đã được xác minh và đáp ứng nhu cầu của người dân, 6-35% thông tin cuộc gọi không đủ điều kiện xử lý, số còn lại đang chờ tiếp nhận để xử lý.

Cùng với đó, Sở đã nâng cấp công nghệ để Tổng đài vận chuyển cấp cứu 115 tiếp nhận và xử lý thành công 89% cuộc gọi, đáp ứng nhu cầu của người dân. Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở Y tế tăng năng lực tiếp nhận cuộc gọi, phấn đấu đạt 100% cuộc gọi đều được tiếp nhận và đáp ứng.

Cùng với nhánh 2, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố triển khai nhánh 3 của Tổng đài 1022 kết nối y, bác sĩ tư vấn sức khỏe cho người dân. Thời gian qua, kênh này đã tiếp nhận và tư vấn thành công 5.728 cuộc gọi. Trung bình một ngày, các y, bác sĩ tư vấn cho 636 người.

Theo Công Thương https://congthuong.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-tang-cuong-ung-dung-cong-nghe-vao-phong-chong-dich-covid-19-161816.html Copylink