Thủ tướng: Cần chú trọng đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt
Trong chương trình công tác tại tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần chú trọng đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu lâu dài; có thương hiệu rồi thì phải quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, dành quỹ đất hợp lý, hài hòa hiệu quả để
Chiều 13/8, tại thành phố Cao Lãnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Cuộc làm việc nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh thời gian qua; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Trước đó, trong buổi sáng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương, viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Cao Lãnh; thăm nhà máy chế biến gạo của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VINARICE) tại Cụm công nghiệp Trường Xuân, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười; thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa và làm việc với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười); kiểm tra dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 và dự án nâng cấp quốc lộ 30 đoạn thành phố Cao Lãnh (tuyến tránh thành phố Cao Lãnh).
Đến thăm nhà máy VinaRice (Tập đoàn PAN) tại tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hiện Việt Nam đang trong quá trình tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điểm qua tình hình giá cả lương thực thế giới trong thời gian gần đây, Thủ tướng cho biết Việt Nam phải tham gia vào vấn đề an ninh lương thực quốc tế.
"Với cương vị là một thành viên của cộng đồng quốc tế, chúng ta cũng phải có trách nhiệm về vấn đề lương thực của thế giới, tuyệt đối không được ghim hàng chờ lên giá. Những thời điểm như thế này, chúng ta phải thể hiện được trách nhiệm và thể hiện đạo đức kinh doanh, đó mới là sự hài hòa trong hợp tác", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, dễ dàng truy xuất nguồn gốc qua mã QR, phải chú trọng về quy trình sản xuất và sản xuất theo hướng xanh. Bên cạnh đó, ngân hàng phải vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp trong vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, chế biến.
Riêng vấn đề liên kết, Thủ tướng đề nghị công ty xuất khẩu gạo phải liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, hộ dân, có hợp đồng rõ ràng nhằm ổn định sản xuất cho nông dân.
Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo cần tập trung xây dựng thương hiệu.
Thủ tướng cho rằng, khi đã có thương hiệu rồi thì cần phải quy hoạch nguồn nguyên liệu, dành quỹ đất để phát triển thương hiệu và phải tính đến hiệu quả trên đất, nếu không đủ nguyên liệu lại đánh mất thương hiệu. Thủ tướng yêu cầu Công ty tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản; liên kết chặt chẽ hơn giữa người dân - doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng khoa học, công nghệ tiến tiến vào sản xuất sạch, năng suất, chất lượng cao; vừa phục vụ xuất khẩu, vừa đảm bảo an ninh lương thực.