Tôn vinh 73 doanh nghiệp “Thương hiệu xuất sắc toàn cầu 2023”
Chương trình tôn vinh 73 danh hiệu “Thương hiệu xuất sắc toàn cầu 2023” tạo hiệu ứng tích cực nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của các thương hiệu; động viên, khích lệ các doanh nghiệp phấn đấu hết mình nhằm tìm ra những giải pháp kinh doanh hiệu quả hơn.
Ngày 23.7, Diễn đàn Kinh tế toàn cầu và công bố “Thương hiệu xuất sắc toàn cầu 2023” diễn ra tại Hà Nội. Chương trình do Trung tâm Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp Châu Á, Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương phối hợp các tổ chức quốc tế uy tín toàn cầu tổ chức.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã cùng trao đổi về tiềm năng, triển vọng ngành công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) Việt Nam trong mối quan hệ hợp tác với cộng đồng Hồi giáo toàn thế giới nói chung và Malaysia nói riêng.
Với Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” và thực tế thời gian qua, Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường Halal toàn cầu, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu chủ yếu được chế biến từ thủy sản, nông sản (thực vật), chưa có điều kiện để chứng nhận cho các sản phẩm nông sản chế biến từ động vật. Nhiều lĩnh vực như dược, mỹ phẩm, du lịch... Halal còn chưa được quan tâm khai thác.
Theo các đại biểu, khó khăn đối với sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm Halal của Việt Nam là sự thiếu thông tin về thị trường, tiêu chuẩn Halal; đồng thời chi phí trong đầu tư dây chuyền, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal hiện tương đối cao.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa hợp tác và các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu; thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương về phát triển ngành Halal giữa Việt Nam với các đối tác, nhất là các nước Hồi giáo và các nước ASEAN. Đồng thời, cần ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...
Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Malaysia (NCCIM) Hambali Mukhlas cho biết, kế hoạch tổng thể ngành công nghiệp Halal đã được xây dựng cẩn thận để khai thác thế mạnh của Malaysia, đưa Halal lên một tầm cao mới. Malaysia hướng tới trở thành quốc gia dẫn đầu nổi bật và toàn cầu hóa trong thị trường Halal, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
“Bằng cách định vị mình là một trung tâm Halal, Malaysia trở thành một cánh cổng dẫn vào thị trường Trung Đông và Bắc Phi đầy hứa hẹn. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác hệ sinh thái này của chúng tôi để khám phá cơ hội kinh doanh mới và mở rộng tầm vóc, quy mô của mình. Bằng cách thích nghi với những quy định của thị trường, các doanh nghiệp Việt có thể khai thác các phân khúc thị trường cụ thể và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các sản phẩm Halal”, ông Hambali Mukhlas nhấn mạnh.
Điểm nhấn của chương trình là hoạt động tôn vinh 73 doanh nghiệp với danh hiệu “Thương hiệu xuất sắc toàn cầu 2023”, đồng thời vinh danh các “Nhà lãnh đạo xuất sắc toàn cầu 2023” cho 8 doanh nhân tiêu biểu.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Malaysia Ngô Sách Thực nhấn mạnh: Trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức, sự kiện này chính là một trong những hoạt động nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp, giúp nâng cao vị thế cạnh tranh của các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng được người tiêu dùng tin cậy lựa chọn. Qua đó, động viên, khích lệ các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam không ngừng đổi mới, chủ động tìm kiếm các giải pháp kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần thiết thực vào quá trình phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế đất nước.