Sunday, Apr 25, 10:04 AM

Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2025: "Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo"

Theo các chuyên gia kinh tế, việc không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng mô hình kinh doanh sáng tạo giúp doanh nghiệp Việt gia tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường quốc tế.

Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2025: "Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo"
Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2025: "Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo"

Với chủ đề "Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo", Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2025 nhấn mạnh vai trò của đổi mới trong chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Qua khảo sát định kỳ hàng năm của Brand Finance cho thấy, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về vai trò của thương hiệu đã tăng lên đáng kể, phần lớn các doanh nghiệp đều xác định rõ, việc xây dựng thương hiệu là một yêu cầu thiết thực và cần được triển khai một cách bài bản.

PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Thương mại, thành viên Ban Chuyên gia của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết, doanh nghiệp cần đầu tư vào quá trình đổi mới toàn diện, từ nghiên cứu phát triển đến quản trị, vận hành và chăm sóc khách hàng nhằm tạo ra giá trị khác biệt và phát triển bền vững.

“Chúng ta phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa sự cần thiết của xây dựng, phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Thứ hai, phải hiểu rằng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì cạnh tranh rất khốc liệt và sản xuất cung ứng những hàng hóa, dịch vụ gì thì phải do nhu cầu của thị trường. Muốn làm việc đó thì các doanh nghiệp cần phải có nghiên cứu rất sâu về nhu cầu về thị hiếu của thị trường, của khách hàng... Bên cạnh đó, các hàng hóa sản xuất ra phải cạnh tranh và dịch vụ hậu mãi phải tốt. Văn hóa của kinh doanh, chăm sóc khách hàng phải thể hiện đạo đức kinh doanh, đạo đức của các doanh nghiệp”, PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh nêu quan điểm.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phân tích: “Một sản phẩm sản xuất ra, cung ứng, chất lượng như truyền thống nhưng hiện nay, đòi hỏi thêm tương tác tức thời tới thị trường, tới khách hàng, công nghệ số hoàn toàn có thể cho phép chúng ta làm. Thứ hai, gắn với xu thế xanh, tức là những giải pháp kèm theo sản phẩm, những đặc tính, những giải pháp cho người tiêu dùng tin rằng, cảm nhận được và khi người ta dùng thì đúng như thế. Tất cả xu hướng mới, người ta hay nói một chữ xanh nhưng nói đầy đủ là xanh, an toàn, nhân văn. Các tầng lớp trung lưu, lớp trẻ, người ta lại còn đòi hỏi một chút là cá tính hóa”.

Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp.

Trong TOP 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024, có sự góp mặt của 23 thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tăng 15% so với năm 2023. Đáng chú ý, trong TOP 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, số lượng thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chiếm tới 8 vị trí dẫn đầu, giá trị chiếm tới 88,8%.

Với các giá trị cốt lõi, chất lượng - đổi mới sáng tạo - năng lực tiên phong, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao uy tín hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo Brand Finance – tổ chức định giá thương hiệu có trụ sở tại Anh, năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới, tăng một bậc so với năm 2023. Đây là kết quả đáng tự hào, khẳng định hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng mà Việt Nam đã kiên định theo đuổi.

 

Theo thcl https://thuonghieucongluan.com.vn/tuan-le-thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam-2025-but-pha-tu-doi-moi-sang-tao-a260142.html Copylink