Ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19: Tiết kiệm thời gian, nhân lực
Vấn đề lớn nhất và ngay lập tức của đất nước hiện nay là đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc. Với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu chúng ta muốn chống dịch hiệu quả.
Giảm 50% thời gian lấy mẫu xét nghiệm
Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 3/8, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Trước đây, thời gian lấy mẫu xét nghiệm thường lâu, công tác nhập liệu thủ công (nhiều gian đoạn), dẫn đến việc xét nghiệm và trả kết quả mất thời gian chờ đợi.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội nghị |
Cụ thể, 1 cán bộ xét nghiệm viết tay thông tin người dân lấy mẫu, thời gian trung bình khoảng 1 phút/1 người, trong khi thời gian lấy mẫu cho 1 người chỉ 10 giây. Sau khi hoàn thành đợt lấy mẫu, danh sách viết tay này phải nhập lại 1 lần nữa vào excel, rồi mới gửi được thông tin cho CDC. Việc tổng hợp số liệu báo cáo khi lấy mẫu tại các địa bàn lệch nhau, dẫn đến việc báo cáo có thể chưa trùng khớp số liệu…
Tuy nhiên, sau khi tỉnh áp dụng nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm đã giúp tiết kiệm 50% thời gian lấy mẫu xét nghiệm, tiết kiệm nhân lực. Cụ thể, các cơ quan y tế liên quan không phải làm thủ công nhập liệu, báo cáo, khi lấy mẫu xét nghiệm; giảm thời gian lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả; theo dõi được số lượng mẫu lấy, chủ động công việc, tiết kiệm nhiều thời gian ở các khâu; truy vết, khoanh vùng dịch nhanh chóng.
“Về phía người dân cũng giảm 50% thời gian chờ đợi so với trước kia; khai báo thông tin nhanh chóng dễ dàng trên điện thoại; sẽ nhận kết quả trực tuyến qua các ứng dụng” - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay.
Chia sẻ về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh thông tin: Thành phố đã triển khai hệ thống đăng ký tiêm trực tuyến dành cho tổ chức thuộc nhóm đối tượng ưu tiên đợt 5 (bắt đầu từ ngày 3/7/2021) với số tài khoản đã cấp: 9.970 và số người đăng ký là 1.843.924.
Đồng thời, chuyển dữ liệu đăng ký của thành phố vào hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia; phối hợp với đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất các phương án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý các tình huống phát sinh từ thực tiễn của TP. Hồ Chí Minh; cử nhân sự hỗ trợ TP. Thủ Đức, 21 quận, huyện, chuẩn hóa dữ liệu đăng ký tiêm, sử dụng phần mềm, nhập kết quả tiêm hàng ngày...
Nhờ đó, đến ngày 2/8/2021, đã có 930.239 người trên địa bàn thành phố đã được tiêm. Hướng đến mục tiêu 70% người dân trên địa bàn được tiêm chủng, TP. Hồ Chí Minh đã lập danh sách tiêm trên Cổng tiêm chủng quốc gia và ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế; sử dụng dữ liệu dịch bệnh để tham mưu cho thành phố các điểm “nóng”, đối tượng cần phải triển khai tiêm chủng nhanh.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Y tế hoàn thiện, đơn giản hóa các chức năng, quy trình ứng dụng hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia để phù hợp cho chiến dịch tiêm chủng” - bà Võ Thị Trung Trinh nói.
Quyết liệt hơn trong việc ứng dụng công nghệ
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Công nghệ là để phục vụ cuộc sống, giải quyết các vấn đề của xã hội. Vấn đề lớn nhất và ngay lập tức của đất nước hiện nay là đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc. Với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu chúng ta muốn chống dịch hiệu quả.
Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất, đồng lòng, cùng triển khai Trung tâm công nghệ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, ở địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông nhanh chóng tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh nhanh chóng phân công một đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai công nghệ, thành lập Tổ công nghệ do Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì.
“Đặc biệt, nếu chúng ta có thể thành lập được các Tổ công nghệ cộng đồng đến tận phường, xã để hỗ trợ triển khai với sự tham gia của lực lượng thanh niên, của các doanh nghiệp thì sẽ rất hiệu quả” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói, đồng thời lưu ý, tự thân công nghệ không thể giải quyết vấn đề. Công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn.
Từ một số kết quả tốt về triển khai nền tảng tiêm chủng, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm và nền tảng hỗ trợ truy vết, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho rằng, công nghệ phải có sự bắt buộc, triển khai thống nhất trên toàn quốc. Trung tâm Công nghệ quốc gia đã phát triển một bộ công cụ để phục vụ phòng, chống dịch, đồng thời, biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết, đã gửi đến tất cả các đầu mối.
“Những nỗ lực triển khai công nghệ của chúng ta sẽ không bao giờ là uổng phí. Chúng ta hãy mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc dùng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ vẫn còn đó, để chúng ta thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).