Sunday, Oct 23, 07:10 AM

Vì sao Quảng Nam không xác định được sâm Ngọc Linh thật, giả?

Thượng tá Hà Thế Xuyên - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện chưa có quy chuẩn xác định sâm Ngọc Linh, cho nên không biết sâm thật, giả hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài.

Vì sao Quảng Nam không xác định được sâm Ngọc Linh thật, giả?
Vì sao Quảng Nam không xác định được sâm Ngọc Linh thật, giả?
Chiều 7/10, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa tổ chức họp báo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác trọng tâm quý 4/2023.

Một trong những vấn đề được phóng viên quan tâm là việc kiểm soát chất lượng sâm Ngọc Linh, Thượng tá Hà Thế Xuyên, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong 9 tháng vừa qua, công an đã khởi tố 1 vụ với 1 bị can về tội trốn thuế liên quan đến sâm Ngọc Linh; khởi tố 1 vụ với 2 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan lừa đảo bán hạt sâm Ngọc Linh; xử phạt hành chính 2 vụ bán sâm không rõ nguồn gốc, xử phạt liên quan trốn thuế tại 3 công ty tại huyện Nam Trà My.

Thượng tá Hà Thế Xuyên cho biết hiện chưa có quy chuẩn xác định sâm Ngọc Linh
Thượng tá Hà Thế Xuyên cho biết hiện chưa có quy chuẩn xác định sâm Ngọc Linh

Trước đó, ngày 2/10, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký công văn gửi các sở ngành, địa phương về việc tăng cường quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, qua phản ảnh của các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay việc quảng cáo, mua bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh giả, không rõ nguồn gốc trên các nền tảng mạng xã hội đang diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sản xuất chân chính, đặc biệt làm cho người tiêu dùng bị nhiễu thông tin về chất lượng và giá trị của sâm Ngọc Linh do không phân biệt được sâm thật và sâm giả.

Sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh

Để chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 18/9/2017 của UBND tỉnh.

Trước mắt, cần tập trung ngăn ngừa các hành vi quảng cáo, mua bán sản phẩm sâm Ngọc Linh giả trên các mạng xã hội và tăng cường hoạt động kiểm tra nguồn gốc xuất xứ Sâm Ngọc Linh củ.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xử lý, đề nghị xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng tên miền "samngoclinh" để rao bán các sản phẩm sâm củ và các sản phẩm khác từ sâm gắn với thương hiệu sâm Ngọc Linh theo đúng các quy định về sở hữu trí tuệ.

Củ cây tam thất Vũ Điệp
Củ cây tam thất Vũ Điệp

Cùng họ với cây sâm Ngọc Linh, cây tam thất Vũ Điệp có hình thức bên ngoài chi tiết rất giống cây sâm Ngọc Linh. Thế nhưng, do đặc tính sinh trưởng nhanh hơn nên 1 năm cây tam thất Vũ Điệp có thể ra từ 7 - 9 mắc đốt. Trong khi đó, cây sâm Ngọc Linh, chỉ ra được 1 mắc, các mắc đốt của cây tam thất Vũ Điệp cũng lớn hơn và mọc thành hàng dài, không nhỏ và so le như sâm thật, lớn nhanh, giá trị dược liệu không cao như sâm Ngọc Linh nên giá của tam thất Vũ Điệp cũng rất rẻ.

Không chỉ xuất hiện ở nơi có thể trồng được sâm Ngọc Linh như Kon Tum hay Quảng Nam, những củ tam thất được tân trang, phù phép thành sâm Ngọc Linh cũng được bày bán công khai ở nhiều thành phố lớn trên cả nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Dù được bày bán tràn lan, nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng đối với mặt hàng này vẫn chưa mạnh tay, thiếu quyết liệt, đồng thời gặp vô vàn khó khăn.

Cuộc chiến bảo vệ sâm Ngọc Linh vẫn là bài toán khó…?

Hoàng Gia Bảo
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/vi-sao-quang-nam-khong-xac-dinh-duo-c-sam-ngoc-linh-that-gia-a202821.html Copylink