Thursday, Apr 21, 03:04 PM

VIMLUKI: Hiện đại hóa công nghệ trong ngành khai khoáng

Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng là một trong những mục tiêu lớn trong hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) của ngành Công Thương nhằm hiện đại hóa công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp, giúp nâng cao năng suất la

VIMLUKI: Hiện đại hóa công nghệ trong ngành khai khoáng
VIMLUKI: Hiện đại hóa công nghệ trong ngành khai khoáng

Thuận lợi nhờ cơ chế, chính sách

Nhằm đảm bảo hiệu quả trong khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản, đồng thời hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tới môi trường, ngày 04/12/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 159/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, tiếp đó, ngày 22/02/2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025” (Đề án).

VIMLUKI: Hiện đại hóa công nghệ trong ngành khai khoáng

Nhà máy sản xuất pigment công suất 80 ngàn tấn/năm do Vimluki thiết kế xây dựng tại tỉnh Bình Thuận

Thành lập từ năm 1967 trên cơ sở tách ra từ Viện Thiết kế tổng hợp, hiện nay Viện KHCN Mỏ - Luyện kim (Vimluki) trực thuộc Bộ Công Thương là một trong những đơn vị nghiên cứu, triển khai KHCN và hoạt động chế biến khoáng sản hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực khoáng sản nói chung và khoáng sản kim loại nói riêng. Ngay khi Đề án triển khai, dưới sự chỉ đạo sát sao của Vụ KHCN (Bộ Công Thương) Viện đã tích cực xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ KHCN để tham gia và luôn bám sát các tiêu chí của Đề án.

Trong quá trình tham gia Đề án, xuyên suốt từ giai đoạn 2008-2015, 2017-2020 và hiện nay là 2021-2025, các nhiệm vụ KHCN được Viện thực hiện tập trung giải quyết bao gồm: Nghiên cứu đưa ra công nghệ khai thác, chế biến tận thu khoáng sản chính và khoáng sản có ích đi kèm trong quặng nhằm tận thu tối đa tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế quá trình khai thác, chế biến khoáng sản và giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu khai thác, tuyển thu hồi các loại khoáng sản quý hiếm, khó tuyển; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công nghệ, đưa ra các thiết bị tuyển nâng cao hiệu quả quá trình khai thác, chế biến cho các doanh nghiệp mỏ...

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, Vimluki đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, sử dụng nguồn vốn từ các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trong cả nước để nghiên cứu, giải quyết các vấn đề gặp phải trong hoạt động sản xuất, đưa ra các giải pháp, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu thu được từ các nhiệm vụ KHCN đã chuyển hóa phần lớn vào việc thúc đẩy quá trình đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.

VIMLUKI: Hiện đại hóa công nghệ trong ngành khai khoáng

Nhà máy luyện xỉ titan Bình Định, Vimluki tư vấn cải tạo đổi mới công nghệ

Chỉ tính riêng những năm gần đây, Vimluki đã thực hiện nhiều hàng trăm công trình/nhiệm vụ nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị, tư vấn lập và phát triển các dự án khai thác, chế biến khoáng sản; Công trình tư vấn KHCN về lập, phát triển dự án mới, cải tạo thiết bị, chuyển giao, đào tạo công nghệ cho các nhà máy đang hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp, giảm tổn thất tài nguyên và hạn chế nguồn chất thải gây nguy cơ tác động tiêu cực tới môi trường.

Lớn mạnh cùng ngành Công Thương

Với sự trưởng thành nhanh chóng cả về lực và chất, trong 55 năm qua, Vimluki đã tham gia nhiều công trình khai thác, chế biến khoáng sản lớn của Việt Nam, góp phần không nhỏ vào sự đổi mới và hiện đại hóa công nghệ của ngành khai khoáng nói riêng và ngành Công Thương nói chung. Cụ thể, Viện đã thực hiện thiết kế công nghệ, thiết kế xây dựng Nhà máy tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa (Lào Cai) của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung công suất 1 triệu tấn/năm, sản xuất ổn định đạt 100% công suất thiết kế từ năm 2014. Đồng thời, Viện đã tư vấn cho công ty sử dụng thiết bị máy đập trục răng của Hãng MMD, Vương Quốc Anh, đã giải quyết được hiện tượng ách tắc khi sử dụng các loại máy đập khác do quặng sắt mỏ Quý Xa là loại quặng limonit có độ ẩm tự nhiên cao. Tiếp đến là dự án Nhà máy tuyển nổi quặng đồng Sin Quyền số 2 công suất lớn nhất Việt Nam 1,4 triệu tấn/năm, dự án này Viện thực hiện vai trò tổng thầu thiết kế xây dựng nhà máy, cung cấp thiết bị và chuyển giao công nghệ đến sản phẩm cuối cùng, nhà máy đã hoạt động ổn định, đạt 100% công suất thiết kế với các chỉ tiêu công nghệ đạt và vượt so với Hợp đồng đã ký từ cuối năm 2018, được chủ đầu tư đánh giá là một trong các dự án mẫu mực về tiến độ và chất lượng.

VIMLUKI: Hiện đại hóa công nghệ trong ngành khai khoáng

Nhà máy tuyển quặng sắt Quý Xa - Lào Cai

Còn tại dự án Nhà máy nghiền zircon siêu mịn công suất 36 ngàn tấn/năm của Tập đoàn Rạng Đông ở Bình Thuận do Viện thiết kế xây dựng đã đưa vào hoạt động sản xuất thương mại từ năm 2019, hiện sản phẩm của nhà máy được các khách hàng từ Nhật Bản, Anh, EU… đánh giá cao và bao tiêu sản phẩm. Từ thành công trên, Tập đoàn Rạng Đông tiếp tục giao cho Viện thực hiện Dự án thiết kế xây dựng tổ hợp sản xuất pigment (TiO2) công suất 80 ngàn tấn/năm từ quặng chứa titan, đây là tổ hợp chế biến sâu quặng titan ở quy mô công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và đội ngũ cán bộ KHCN trong nước đảm nhiệm việc thiết kế xây dựng, nhà máy sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến của châu Âu, đảm bảo cho ra sản phẩm chất lượng cao, ổn định và hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Song song với đó, Viện còn trực tiếp ứng dụng thử nghiệm các kết quả nghiên cứu để sản xuất một số sản phẩm kim loại, hợp kim phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu như các sản phẩm hợp kim sắt, đồng, nhôm phục vụ công nghiệp chế tạo máy và chi tiết máy, sản phẩm thiếc (Sn) 99,99% Sn…

Những hoạt động KHCN của các Viện nói chung, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim nói riêng trong khuôn khổ Đề án đã từng bước thay đổi nhận thức của các nhà quản lý, của các doanh nghiệp trong ngành. Trong những năm tới, với mục tiêu đã định, Đề án sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động KHCN hướng tới thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam theo hướng

khai thác, chế biến khoáng sản hiệu quả, tận thu tối đa các khoáng sản có ích trong mỏ, khai thác tiết kiệm tài nguyên, nghiên cứu sử dụng tổng hợp từ khoáng sản có ích đến các chất thải phát sinh trong quá trình khai thác, chế biến để hướng hoạt động khai khoáng theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn, phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ.

ths-tr8358n-vi8358t-h8358a-ts-8358o-duy-anh
Theo Công Thương https://congthuong.vn/vimluki-hien-dai-hoa-cong-nghe-trong-nganh-khai-khoang-155687.html Copylink