Xoài tròn Yên Châu: Hương vị đậm đà
Trong những năm qua, huyện Yên Châu (Sơn La) đã tập trung chỉ đạo phát triển một số cây ăn quả chủ lực theo lợi thế về điều kiện khí hậu của vùng. Theo đó, địa phương đã tập trung phát triển cây xoài tại các xã vùng thấp, dọc tuyến Quốc lộ 6, theo hư
Vùng đất của “xoài tròn”
Huyện Yên Châu ở phía đông nam tỉnh Sơn La, phía bắc giáp huyện Bắc Yên, phía tây giáp huyện Mai Sơn, phía đông giáp huyện Mộc Châu và phía nam giáp Lào.
Nhờ đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, huyện Yên Châu xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm nên đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, coi đây là một trong những khâu đột phá để nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.
Yên Châu hiện có 11.340 ha trồng cây ăn quả, trong đó diện tích trồng xoài 3.200 ha, sản lượng xoài năm 2023, ước đạt 19.500 tấn. Diện tích trồng xoài, tập trung chủ yếu tại các xã Chiềng Hặc, Tú Nang, Chiềng Pằn, Sặp Vạt, Chiềng Sàng; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP diện tích 207,8 ha; cấp, quản lý đối với 24 mã số vùng trồng xoài phục vụ nhu cầu xuất khẩu với diện tích 384,3 ha, đủ điều kiện vào các thị trường Australia, Anh, Trung Quốc…
Theo những người dân trồng xoài lâu năm ở Yên Châu, cây xoài đã xuất hiện từ rất lâu với 2 loại chính là xoài tròn (muồng kẻo) và xoài hôi (muồng khăm).
Trong đó, giống xoài tròn trồng nhiều nhất, được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Xoài tròn Yên Châu là giống bản địa, được người dân trong vùng trồng từ nhiều năm trước với đặc điểm quả nhỏ, tròn, vỏ có màu xanh thường nhám, có các vệt đốm nâu đen, chứ không láng bóng, nhưng khi chín cùi dầy, hạt vừa phải, thịt mịn có màu đỏ hoặc vàng cam, vị ngọt đậm, mùi thơm lâu, có thể giữ được tới 1 tháng.
Vì vậy, người dân còn đặt tên quả xoài tròn Yên Châu là “xoài trứng” để người tiêu dùng dễ phân biệt với các giống xoài của các địa phương khác.
Đặc biệt, cuối năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài tròn Yên Châu, tỉnh Sơn La. Đây là loài xoài thứ 2 trong cả nước, sau xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) được cấp chỉ dẫn địa lý. Theo đó, xoài phải được trồng tại các xã Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sập Vạt... thuộc huyện Yên Châu, thì mới được lấy tên là Yên Châu. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Để nâng cao giá trị của xoài tròn, thời gian qua, huyện Yên Châu đã triển khai các biện pháp thâm canh, sản xuất xoài theo quy trình VietGAP, tạo ra những quả xoài to, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại thu nhập cao cho người trồng.
Ngoài ra, Yên Châu còn có xoài tượng da xanh, thơm ngon, tươi lâu, đã được cấp 24 mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích hơn 380 ha. Nhờ chăm sóc tốt và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên trái xoài tượng da xanh quả to, được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu đánh giá chất lượng cao.
Cây xoài khi ra quả, thường bị côn trùng gây hại, trong đó phải kể đến ruồi vàng. Loài côn trùng này khiến người trồng xoài ở Yên Châu “mất ăn, mất ngủ”. Chỉ một thời gian ngắn, sau khi bị ruồi vàng chích, quả xoài thối dần, rồi rụng, làm giảm năng suất, sản lượng vườn xoài, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.
Nhằm ngăn chặn sự phá hoại của ruồi vàng đối với diện tích xoài của gia đình, cách đây chừng vài năm, nhiều hộ dân ở Yên Châu đã thử mua túi vải về bọc quả xoài. Việc bao trái xoài đã phát huy hiệu quả rõ rệt, ruồi vàng không thể gây hại, nhiều hộ dân khác thấy cách làm hay cũng học theo.
Với sự tích cực, chủ động của người nông dân và hỗ trợ của chính quyền, cùng các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các quy trình, kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn; xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, huyện Yên Châu sẽ có thêm những sản phẩm cây ăn quả chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.
Gia tăng giá trị sản phẩm
Cây xoài đã và đang trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Yên Châu.
Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, huyện Yên Châu đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, quy trình sản xuất, thu hoạch, quản lý chất lượng nông sản; xây dựng, phát triển và hoàn thiện các chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ.
Đồng thời, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về bao bì, quảng bá và giới thiệu sản phẩm ra thị trường; truy xuất nguồn gốc; xây dựng điểm thu mua; ứng dụng công nghệ sơ chế sau thu hoạch; liên kết, ký hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua nông sản..., qua đó, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Việc trái xoài Yên Châu được quảng bá và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm - khẳng định quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm xoài Sơn La đã đáp ứng tiêu chuẩn và quy định của các thị trường khó tính nhất trên thế giới. Đồng thời, đây là cơ hội để sản phẩm xoài, các loại quả và nông sản Sơn La tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường trong khu vực và trên thế giới.
Với việc đa dạng các loại cây ăn quả có tiếng, huyện Yên Châu đã chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, gắn với thế mạnh của địa phương. Trong đó, sản phẩm xoài sấy dẻo, chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo, rượu chuối, tỏi đen Yên Châu và tinh bột nghệ được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 và 4 sao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Yên Châu, đã khẳng định được vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Để đảm bảo đầu ra và mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân, hằng năm, huyện Yên Châu đã lên kế hoạch tiêu thụ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm nông sản trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Yên Châu tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiêp, nông thôn theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi khép kín với các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh.
Huyện cũng tích cực trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh; làm việc với các cục, vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nâng cao chất lượng quả xoài và thực hiện trồng chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hướng dẫn người dân trồng hữu cơ; liên kết các chuỗi giá trị… Các hợp tác xã liên kết với nhau, trồng đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP để đưa trái xoài, cũng như các sản phẩm nông sản khác vào được các siêu thị lớn trên toàn quốc và xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới.
Nhờ sự quan tâm, đầu tư xây dựng thương hiệu và tăng cường công tác quản lý, phát triển thương hiệu cho sản phẩm xoài Yên Châu - đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như lợi nhuận cho người sản xuất.
Đây cũng là cơ sở, động lực để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng tiếp tục mở rộng quy mô, liên kết sản xuất, từng bước đưa thương hiệu xoài Yên Châu đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước và tiếp tục vươn xa…