Friday, Aug 22, 11:08 AM

'Bội thực hoa hậu' và 'loạn danh xưng'

Trả lời báo chí, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) cho rằng các cuộc thi hoa hậu được diễn ra như hiện nay thì “không phải là quá nhiều”. Theo ông Dương, trung bình mỗi năm có khoảng 14 cuộc thi. Trong đó, quy mô toàn quốc có 2 cuộc thi người đẹp; đấu trường nhan sắc quốc tế có 2 cuộc thi được cấp phép; còn lại là 3 cuộc thi người đẹp của các đoàn thể, ngành nghề, 3 cuộc thi người mẫu và 4 cuộc thi người đẹp tại các địa phương.

'Bội thực hoa hậu' và 'loạn danh xưng'
'Bội thực hoa hậu' và 'loạn danh xưng'
39boi-thuc-hoa-hau39-v224-39loan-danh-xung39_1.jpg
Hình ảnh đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu 2022.

Ông Dương cũng cho biết thêm, những số liệu thống kê trên đều được cấp phép tổ chức theo đúng quy định của pháp luật về quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu. N

goài ra, còn chưa kể đến các cuộc thi không được cấp phép, “thi chui” và cả các cuộc thi được ban tổ chức đưa ra nước ngoài thực hiện, nhằm mục đích lách pháp luật Việt Nam. Một số trường hợp “lén lút” thực hiện tại các trung tâm tiệc cưới, trung tâm tổ chức hội nghị đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Trung bình mỗi năm phát hiện khoảng trên dưới 7 cuộc thi như vậy.

“Như vậy, thời gian trước đây tổng số 1 năm có khoảng trung bình 21 cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức” - ông Dương nói.

Năm nay cả nước có khoảng 25 cuộc thi hoa hậu

Sau khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực, các cuộc thi được đưa vào khuôn khổ quản lý nhà nước; không còn tình trạng hạn chế số lượng, độc quyền trong hoạt động tổ chức thi người đẹp; gián tiếp hạn chế được tình trạng tổ chức “thi chui”, thi trái phép.

Vẫn theo ông Dương, sau giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, các hoạt động văn hóa giải trí đang dần thích nghi với điều kiện mới để đáp ứng nhịp phát triển của nền kinh tế - xã hội. Hoạt động tổ chức thi người đẹp, người mẫu cũng được các tổ chức, doanh nghiệp khởi động, tổ chức với nhiều quy mô, loại hình khác nhau.

Được biết, năm 2022, cả nước sẽ có khoảng 25 cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức. Địa phương có nhiều cuộc thi nhất (12/25 cuộc thi, chiếm 48%) là Đà Nẵng, trong đó, có 8 cuộc thi được điều chỉnh thời gian từ năm 2021 do tình hình dịch bệnh. “Như vậy, nếu tính riêng trong năm nay, chỉ có 13 cuộc thi được đăng ký mới”.

Với những số liệu được đưa ra, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định “các cuộc thi tổ chức như vậy không phải là nhiều”.

Tuy nhiên, dư luận chung cho rằng đã và đang có quá nhiều cuộc thi hoa hậu, khiến “bội thực” và “loạn người đẹp”. Tất cả các cuộc thi, dù được phép hay “thi chui” thì cũng đều được tổ chức rình rang, hào nhoáng với nhiều chiêu thức PR, khiến cho người ta không còn nhớ đâu là hoa hậu tầm cỡ nào, mà người đẹp nào đứng đầu cuộc thi thì cũng đều là hoa hậu cả.

Thi hoa hậu không có gì sai trái, nhưng nó nhiều đến mức tính trung bình trên phạm vi cả nước mỗi tháng gần 2 cuộc thì không nên. Người đẹp đâu mà nhiều đến thế. Đó là chưa kể một thành phố như Đà Nẵng 1 năm có tới 12 cuộc thi hoa hậu thì quả là khó hiểu.

Cách đây chưa lâu, “người đẹp” Đ.T.H (35 tuổi, Vũng Tàu) - Á hậu 3 Hoa hậu quý bà của một cuộc thi đã tố cáo ban tổ chức mua bán giải. “Người đẹp tuổi 35” nói rằng mình đã bỏ 800 triệu đồng để mua giải Á hậu 3. Chưa rõ thực hư vụ mua bán giải, nhưng sau vụ việc, ban tổ chức cuộc thi đã bị phạt 20 triệu đồng.

39boi-thuc-hoa-hau39-v224-39loan-danh-xung39_2.jpg
“Thần tượng âm nhạc nhí” trong một buổi giao lưu.

Loạn danh xưng đến khó hiểu

Cùng với những cuộc thi nhan sắc thì thời gian gần đây, việc ai cũng có thể trở thành “thần tượng” nhờ các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok, Instagram... khiến nhiều người lo ngại. “Cứ cầm mic lên là thành ca sĩ” - một ca sĩ trẻ phát biểu như vậy khi bắt đầu con đường ca hát. Có nghĩa là họ không cần học hành, đào tạo, cứ hát theo cách của mình không cần kĩ thuật lẫn nhạc cảm, miễn cứ lạ, cứ “độc” là được.

Đáng ngại hơn, thông qua các nền tảng mạng xã hội, không ít những “hiện tượng mạng” trở thành thần tượng của giới trẻ nhưng lại từ những điều nhảm nhí đến khó hiểu. Có thể kể như: nói lắp, diện mạo ngớ ngẩn, ăn tục nói phét, chửi thề, ở bẩn, bán hàng giả…, nhưng vẫn được theo dõi một cách “nhiệt tình”. “Văn hóa thần tượng” của một bộ phận giới trẻ đã trở nên đáng lo, khi mà bênh vực thần tượng “bất cứ giá nào”, kể cả khi “thần tượng” lộ nguyên hình là kẻ lười nhác, lừa đảo, bê tha…

Từ đó, rất nhiều danh xưng “ông hoàng”, “nữ hoàng”, “công chúa”, “hoàng tử”… xuất hiện, từ đó có những người từ chỗ vô danh, thiếu tài đã vụt trở thành tên tuổi, nhanh chóng tiến thân trong giới showbiz. Thực chất đó là những danh xưng lệch lạc, thổi phồng, khiến cho lẫn lộn trắng đen.

Cũng không thể không kể đến nạn loạn danh xưng rất kỳ cục, lai căng như “hoa hậu làng hài”, “người đẹp thủy thần”; “nhan sắc nghiêm trang”... có nghĩa là người ta có thể nghĩ ra bất cứ tên gọi gì để gán cho “thần tượng”, không chỉ để vui vẻ mà còn để kinh doanh.

Cũng không ai cấm việc tự nhận mình là thế này thế nọ, cũng không cản việc ai đó “phong danh” cho người mình ái mộ, nhưng việc loạn danh xưng như hiện nay là điều rất không hay. Đó chủ yếu là những danh xưng “sớm nở tối tàn”, không giúp ích gì cho xã hội mà có chăng lại đưa ra những chỉ dẫn lầm lạc, đặc biệt là với giới trẻ.

Về việc này, nói như PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) thì các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm vào cuộc chấn chỉnh tình trạng loạn danh xưng, danh hiệu tự xưng, nếu không sẽ dẫn đến những lệch lạc trong phát triển văn hóa - xã hội, gây ra những hệ lụy tai hại cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nước nhà.

Trước thực tế bùng phát hoa hậu và những vấn đề đi kèm, dư luận lại tranh luận việc siết chặt hay để tự đào thải. Có người nói Việt Nam chỉ cần vài ba cuộc thi hoa hậu chất lượng mỗi năm là đủ. Người lại cho rằng không cần siết chặt số lượng, vì các cuộc thi được tổ chức theo kiểu chộp giật trước sau rồi cũng sẽ bị đào thải theo quy luật. Khi có nhiều “sàn đấu”, cơ hội tham gia đọ sắc đẹp cũng nhiều hơn với những ai muốn chạm tay vào danh hiệu hoa hậu/á hậu. Một số người coi danh hiệu hoa hậu là một cách để đổi đời, một cách để vươn tới thế giới giàu sang, lấp lánh. Nếu không vướng bê bối hậu đăng quang, sau vương miện hoa hậu thường là rất nhiều sự kiện, hoạt động, hợp đồng quảng cáo và lợi ích khác chào đón họ. Mới đây, truyền thông đưa tin rằng sau 3 tháng trở thành hoa hậu, một nhan sắc đã có thu nhập lên đến 70 tỷ đồng. Vì thế cũng dễ hiểu khi không ít người theo đuổi chiếc vương miện hoa hậu hết cuộc thi này tới cuộc thi khác, hết năm này tới năm khác.

Ngọc Mai
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/boi-thuc-hoa-hau-va-loan-danh-xung-5693175.html Copylink