Bình Liêu, mùa hoa đào nở muộn
Nghe tôi giới thiệu là đã có 10 năm làm lính giữ chốt ở Bình Liêu nên cả đoàn mừng lắm: “Có người “quê gốc” kiêm hướng dẫn viên du lịch xịn đây rồi. Khỏi lo đường sá với ăn ngủ các bác ơi”.
1. Hơn 30 năm trước, từ Hà Nội lên Bình Liêu nếu suôn sẻ thì cũng phải sắp bốn ngày mới tới được thị trấn huyện lỵ. Đằng này thì khác, xe xuất phát từ Hà Nội lúc 6 giờ sáng, đánh vèo một cái, đúng 1 giờ chiều, cả đoàn xuống xe giục nhau nhận phòng ở khách sạn Bình Sơn.
Tôi đứng tần ngần giữa phố. Hôm nay trời đẹp, chút nắng xuân đủ để vén lớp mây mù thường nhật. Dưới vòm trời xanh cao khoáng đạt, núi Cao Xiêm, ngọn núi được ví như là nóc nhà của tỉnh Quảng Ninh, sừng sững vươn cao tựa như bức tường thành che chở cho thị trấn Bình Liêu.
Lại nhớ, xe qua thị trấn Tiên Yên thì theo đường 18C để lên Bình Liêu, con đường ngày trước rải đá cấp phối bụi mù mịt và xóc nẩy người giờ được nắn cua, mở rộng lòng đường, hạ dốc và thảm bê tông asphalt êm mượt như nhung. Tôi hồ hởi gần như thò hẳn đầu qua ô cửa. Hai bên đường chốc chốc lại xuất hiện những ngôi nhà xây, cái thấp thì một tầng, cái cao thì hai tầng. Đã xa rồi hình ảnh những ngôi nhà tường chình đất, lợp ngói âm dương, thấp tè nằm buồn thiu bên đường.
Đã cuối Giêng nhưng hình như sắc xuân ở nơi đây còn lưu luyến. Nếu như ngày trước bên những ngôi nhà là những mảnh vườn lèo tèo dăm vạt cải cuối vụ lá táp vàng thì nay rực đỏ màu hoa đào. Hoa đào Bình Liêu xưa nay vốn nở muộn, cái chính là vào dịp cuối năm cũng là thời điểm sương mù giăng kín, thiếu ánh nắng trời. Thường là phải đợi tới giêng khi đó mới bắt đầu loãng lớp sương mù, ánh nắng bừng lên gọi những nụ đào e ấp hôm nao đua nhau đỏ rực.
Tôi lại nhoài đầu ra cửa xe, gió thổi dàn dạt nhưng bù lại tôi có thể ngắm được nhiều hơn, được thỏa thích hơn những vườn đào bung nở. Sao mà đào nhiều thế. Tôi có cảm tưởng như vườn nhà nào cũng phơi phới hoa đào. Ít thì 2-3 gốc mà nhiều thì cả vườn đỏ tươi một màu đào hoa khoe sắc.
Nét xuân vương vấn dọc đường lên Bình Liêu làm cả đoàn hớn hở. Tôi “được dịp” nói to: “Đoàn ta lên dịp này thể nào cũng được đón tết muộn cùng bà con người Tày, người Sán Chỉ”.
Chẳng ngờ câu nói cho ra cái vẻ “người đã từng sống nhiều năm ở Bình Liêu” lại là thật mới chết chứ. Khi cả đoàn vừa nhận phòng xong đang nhớn nhác hỏi nhau thì từ ngoài cửa tiến vào một cậu thanh niên. Nhìn cung cách bước đi rồi cất tiếng chào của cậu ta là tôi đoán ngay đây là một hướng dẫn viên do khách sạn giới thiệu “Cháu chào các cô các chú. Cháu là Hoàng Văn Xuân, 23 tuổi, người Tày, nhà ở xã Tình Húc cũ nay thuộc thị trấn Bình Liêu. Chiều nay đoàn mình “ăn tết” ở thác Khe Vằn”. Tôi mừng như bắt được của, câu nói “phét” cho oai đâu ngờ lại đúng.
2. Bữa chiều, bữa “ăn tết” như Hoàng Văn Xuân đã nói, ở thác Khe Vằn được triển khai ngay trên những khối đá mồ côi dưới chân thác. Mùa này chưa có mưa nên dòng thác nổi tiếng Bình Liêu dường như “dịu dàng”. Những làn nước trong mát lạnh đổ xuống chỉ đủ cho mọi người nhận ra đây là một dòng thác có độ cao 330 mét với 3 tầng thác. Hoàng Văn Xuân thật thạo việc. Chả hiểu cậu ới lúc nào mà chưa đầy nửa tiếng “bếp núc” đã được triển khai.
“Tối nay các cô chác chú “ăn tết” đồng bào nên chuyên chỉ món thịt nướng cuộn với rau bắp cải nương”. Xuân nói chưa xong đã thấy mấy cô đưa mắt nhìn nhau dò hỏi, hình như họ có ý nghi ngại, thấy vậy Hoàng Văn Xuân nói luôn “Các cô các chú yên tâm đi. Rau cải nương ngọt, giòn và đặc biệt sạch. Hà Nội của các cô các chú không có thứ rau này đâu”.
Bản Khe Vằn thuộc xã Húc Động hồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước tôi đã nhiều lần vào ra. Trên địa bàn xã có núi Cao Ly với độ cao trên 1.000 mét sững sững uy nghi. Dạo đó tiểu đoàn pháo 100 ly của trung đoàn tôi lập trận địa ở lưng chừng núi đó. Là cán bộ tác chiến trung đoàn nên tôi thường hàng tháng đi bộ vào đây nắm tình hình. Hồi đó con đường đất đỏ dẫn vào xã ngợp trong màu trắng của hoa trẩu, thứ hoa cùng với hoa sở tạo nên một Bình Liêu “Thiên đường hoa sở trắng” như mọi người gọi thế.
Theo chân Hoàng Văn Xuân tôi vừa đi vừa thở mạnh theo lối mòn ngược từ chân thác lên đầu dốc. Ngước mắt trông lên đã chạm ngay những ngôi nhà tường xây, mái đổ bê tông. “Nhà của người Tày đây hả Xuân?”- tôi thoáng ngờ hỏi trong tiếng thở. Hoàng Văn Xuân nói ngay: “Vâng chú. Giờ nhà tường chình đất như hồi chú đóng quân hiếm lắm. Toàn nhà xây mới thôi”.
Dọc lối nhỏ dẫn tới ngôi nhà của ông Chu A Chóng là những cành đào la đà ngang tầm với. Đào được trồng hai bên bờ rào đá xếp nên cảm tưởng như đang được bước đi giữa khu vườn cổ tích vậy. Tôi nhắm mắt lại để tưởng tượng ra hình ảnh những cô tiên nữ bước xuống từ nụ hoa đào, các cô nở những nụ cười khoe vành môi phơn phớt màu hồng đào mê hoặc.
Có tiếng hỏi chào vọng ra rất to, may quá ông Chu A Chóng có nhà, Hoàng Văn Xuân cười tươi ý nhắc tôi cùng vào nhà. Một người đàn ông tuổi lục tuần sau tiếng chào to thì thân mật mời tôi rửa tay bằng nước ấm. Bà con người dân tộc nơi đây có thói quen trên bếp bao giờ cũng đặt sẵn một chảo nước to, đó là cách để bà con chống chịu mùa đông giá lạnh.
Tôi nhìn vào bếp, nước trong chảo đang tỏa hơi ấm áp, căn nhà thấy thân thấy gần như đã quen lâu lắm rồi. Ngồi chưa xong chầu nước chè thì ông Chu A Chóng đứng dậy, ông chẳng nói năng gì chỉ cầm chiếc cưa tay bước nhanh ra vườn. Nhoáng một cái là chúng tôi đã có một cành đào, ông Chu A Chóng bảo: “Cho mấy anh em cành đào này đem xuống thác chơi để có không khí tết”.
Đào Bình Liêu vốn là thứ đào rừng mọc tự nhiên trên những sườn núi. Từ khi cuộc sống khấm khá lên, khi tất cả những con đường từ thị trấn huyện lỵ dẫn về các thôn bản được bê tông hóa nên bà con cũng thấy phấn khởi. Những cây đào được bứng từ rừng về trồng trong vườn nhà. Một nhà làm rồi nhiều nhà làm theo. Đến nay cái thú trồng đào trong vườn nhà ở các thôn bản trong huyện đã thành nếp đẹp, thành phong trào. Nhà nhà trồng đào. Vườn vườn trồng đào. Núi rừng Bình Liêu cứ tươi lên tươi mãi trong màu hoa xuân.
3. Sáng sớm hôm sau Hoàng Văn Xuân đã đến khách sạn giục giã mọi người đi sớm để “chơi” được lâu hơn. Tôi hỏi: “Mình đi đâu Xuân?”. Cậu cho biết: “Hôm nay đoàn mình đi phượt đường biên, phượt cột mốc. Hay lắm chú ạ”.
Quả là lời giới thiệu đầy hấp dẫn và mới mẻ. Chúng tôi nhằm hướng cửa khẩu Hoành Mô để tới. Còn nhớ, nhiều chục năm trước thị tứ cửa khẩu Hoành Mô chỉ là một dãy phố nhỏ với hơn hai chục nóc nhà mái ngói âm dương ám khói thâm sì. Vậy mà sự đổi thay khiến tôi sững sờ. Đang có dịch Covid-19 nên Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoành Mô có vẻ vắng đi những chiếc xe container xếp hàng chờ làm thủ tục. Vắng những chuyến xe ba gác với những người đàn ông nhễ nhại mồ hôi kéo qua cửa khẩu.
Một khu đô thị mới với những khách sạn, nhà hàng và những con đường rộn rã bước chân những cô những cậu thoạt nhìn cứ tưởng là dân Hà Nội về đây “đi phượt”. Cho tới khi Hoàng Văn Xuân vẫy tay rồi lại gần trò chuyện với một nhóm các cô gái tóc nhuộm hung vàng, áo măng tô đỏ rói, váy ngắn thời trang rồi nói với nhau bằng tiếng Tày thì tôi mới ớ ra. “Trai bản đấy, gái bản đấy mà có khác người Hà thành đâu. Sành điệu và bắt mắt lắm”.
Cột mốc 1327 sáng lên dưới nắng. Lên tới đây, đứng ở đây rồi quay nhìn về hướng Tổ quốc tôi mới thấy thấm thía. Trong nắng xuân đồi núi chập chùng, ngợp một màu xanh bất tận. Đỉnh Cao Ba Lanh nổi tiếng những năm chiến trận sừng sững vững bền.
Tôi chợt cay cay sống mũi, ký ức những tháng ngày “Chân dầm bùn máu tóc dầm sương” trở về. Đỉnh núi mà chúng tôi đã sống đã chiến đấu năm xưa đang ngời lên dưới nắng xuân. Chừng như biết được tâm trạng của tôi nên Hoàng Văn Xuân nói “Giờ đường lên đỉnh Cao Ba Lanh đã trải bê tông chú ạ”.
Tôi nắm tay Hoàng Văn Xuân thật chặt: “Được về lại Bình Liêu chú vui lắm”. Tôi nói thêm như một câu nói với tất cả mọi người đang hồ hởi đứng bên “Sẽ cho những ai đến Bình Liêu được hưởng khí xuân trong sắc đào nở thắm để cùng cảm nhận về một Tổ quốc ta vẹn toàn và đẹp đẽ”.