Bà tiên của trẻ bất hạnh
Những phận đời buồn của các em kém may mắn ở miền biển Thọ Quang sẽ có nguy cơ bị mù chữ nếu không gặp được “bà tiên” ban cho phép màu để những ước mong của các em trở thành sự thật.
Đó chính là cô Lê Thị Châu (65 tuổi, khu dân cư Lộc Phước 3, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) - người mẹ hiền của lớp học miễn phí tại nhà gần 10 năm nay.
Vừa cất tiếng khóc chào đời, bé Thảo đã phải xa mẹ. Sinh ra với một cơ thể không lành lặn, lại thiếu đi tình thương, Thảo sống thu mình trước thế giới vốn sôi động, nghịch ngợm của tuổi thơ. Lên ba, lên năm, nhìn những bạn nhỏ đủ đầy tình thương của cả cha lẫn mẹ, hằng ngày được mẹ đưa rước đến trường mà Thảo ước ao. Em bơ vơ một mình trong căn nhà nhỏ, gió biển thổi vào căn nhà rỗng tuếch mà buồn vì cha phải “đầu tắt mặt tối” theo những chuyến biển dài ngày lo miếng ăn cho 3 anh em.
Ngày tết, nhiều trẻ em ước mong được cha mẹ sắm cho bộ quần áo mới, thì với hai chị em bé Tâm và Trí chỉ mong được gặp mẹ, được ngủ với mẹ và được chở đi chơi. Cha dính vào tệ nạn xã hội, cứ nhậu say là đánh đập khiến mẹ phải bỏ đi. Tuổi thơ của Tâm và Trí là những chuỗi ngày sống trong nước mắt khi chứng kiến nhiều trận đòn roi chí tử của cha trút lên thân thể nhỏ bé, đáng thương của mẹ. Từ ngày mẹ đi làm ở xa, hai chị em sống với ông bà nội già yếu, ước mơ đến trường khép lại vì gánh nặng học phí, cùng thiếu nguồn động viên của bậc sinh thành.
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồngCâu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021). Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép. Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi: 1 giải nhất: 30.000.000 đồng. 2 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng. 3 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng. 5 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng. 1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng. 5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp. Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep@thanhnien.vn, Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết SỐNG ĐẸP). Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep |
Rồi Thảo, Tâm, Trí và nhiều em nhỏ bất hạnh khác gắn bó với cuộc đời cô Châu như một cơ duyên, định mệnh. Cô như “bà tiên hiện ra giữa cuộc sống đời thường” mà các em cứ luôn ngỡ rằng bà tiên thì chỉ bước ra từ trong câu chuyện cổ tích.
Hoàng hôn buông xuống, căn nhà của cô Châu lại rộn rã tiếng cười nói, tiếng đọc bài ê a của những thiên thần nhỏ. Với những gia đình bình thường, chiều tàn là lúc được vui vầy sum họp bên mâm cơm cuối ngày thì với cô Châu, lớp học tình thương là niềm vui không gì bằng. Sau hơn 40 năm công tác ở Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, năm 2011 cô Châu nghỉ hưu. Hằng ngày, xuống các khu dân cư nơi miền biển, thấy các em nhỏ nheo nhóc trong những căn nhà tồi tàn, trong khi cha mẹ của các em bận việc mưu sinh, thậm chí nhiều em mồ côi cha mẹ, không được đến trường, lòng cô lại đau đáu về một lớp học cho trẻ em nghèo. Được sự động viên của chồng, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, lớp học tình thương của cô Châu đã ra đời.
Ban đầu chỉ có khoảng 10 em trong độ tuổi từ mẫu giáo đến tiểu học nhưng với mong muốn giúp được nhiều hoàn cảnh nghèo khó, cô Châu đã đến “gõ cửa” từng nhà có hoàn cảnh khó khăn, vận động các bậc phụ huynh cho con em đến lớp. Từ đó, học sinh của cô lúc nào cũng đảm bảo sĩ số trên 20 em. Nhiều hôm, cha mẹ đi biển về quá muộn hay vợ chồng xích mích nhau thì đứa trẻ ngủ qua đêm luôn tại nhà cô Châu. Mỗi em một hoàn cảnh thì cô Châu lại có cách dạy dỗ khác nhau. “Nhiều lúc rơi vào thế bí, như có em bị tăng động, khi nào thích thì mới chịu học, hoặc có em bị khiếm khuyết mặc cảm với bạn bè, thì cô phải hết sức nhẹ nhàng, bảo ban các em. Biết là rất vất vả nhưng ngày nào không có các em thì chắc cuộc sống của cô sẽ buồn lắm”, cô Châu cười hiền lành.
Kể từ khi lớp học của cô Châu được mở, nhiều trẻ em làng biển Thọ Quang kéo nhau đến học hành, vui chơi. Không chỉ giúp các em bồi đắp kiến thức trên trường, mà chính cô đã uốn nắn, rèn giũa các em những bài học làm người. Các em không chỉ được học toán và tiếng Việt mà cô Châu còn tìm đến Tổ chức Tầm nhìn thế giới để nhờ các thầy cô giáo trẻ ở tổ chức này về dạy tiếng Anh. Lúc mới mở lớp, cô Châu gặp khó khăn vì thiếu đồ dùng học tập nên để có được nguồn kinh phí mua sắm thiết bị dạy học, ngoài việc dành dụm tiền từ những đồng lương hưu ít ỏi của mình, cô Châu đã kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm giúp sách vở, bút...
Hiện nhà của cô Châu cũng chính là nơi được Hội Liên hiệp phụ nữ Q.Sơn Trà thực hiện mô hình Tủ sách cộng đồng. Địa chỉ tràn ngập tiếng cười trẻ thơ này còn là nơi để bà con lối xóm, học sinh trong vùng tìm hiểu kiến thức qua những cuốn sách, báo được cô thường xuyên sưu tầm, làm mới. “Từ ngày cho bé học ở nhà cô Châu, lực học của bé có tiến triển hẳn, nhất là khả năng nói tiếng Anh. Có những lúc đi dạo ở bờ biển, gặp người nước ngoài, bé giao tiếp rất tự nhiên. Có những hôm đi làm về khuya, gửi con cho cô Châu, chị thấy rất yên tâm. Con xem cô như người bác gái, là người thân thuộc trong gia đình”, chị Nguyễn Thị Xuyến, người mẹ đơn thân có con học ở lớp cô Châu, trải lòng.
Không chỉ là cô giáo của những trẻ em nghèo mà cô Châu còn gánh những công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khác: Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Lộc Phước 1, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học Lộc Phước 1, Chủ tịch Hội Từ thiện P.Thọ Quang… Năm nào cũng vậy, cô Châu trực tiếp đứng ra kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm gây quỹ khuyến học, tìm kiếm nguồn học bổng, xây dựng nhà tình thương cho các em nghèo miền biển, tặng sổ tiết kiệm cho những phụ nữ đơn thân… Với những đóng góp không mệt mỏi cho cộng đồng, cô đã vinh dự nhận được nhiều giấy khen và bằng khen của TP.Đà Nẵng, và đặc biệt là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đã 10 năm nay, không khi nào căn nhà nơi cuối miền biển của cô Châu vắng bóng tiếng cười giòn tan, tiếng đọc bài của trẻ nhỏ. Lớp học miễn phí của cô Châu hằng ngày như thắp lên ước mơ xanh cho những mầm non tương lai đất nước.
|
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/song-dep/ba-tien-cua-tre-bat-hanh-1363378.html Copylink