Bình Ca - từ ''Quân khu Nam Đồng" đến ''Đi trốn"
Qua 4 năm kể từ khi ''Quân khu Nam Đồng’’ ra đời với sức hút đặc biệt cùng với sự tò mò của giới sáng tác và bạn đọc về bút danh Bình Ca, đến nay, tác phẩm này đã được tái bản 15 lần. Mới đây, tác giả Bình Ca đã ra mắt cuốn sách thứ 2 mang tên ''Đi trốn’’ với đề tài mới lạ, lại thêm một lần gây ngỡ ngàng cho bạn đọc, dù ông đã ''lộ diện’’ trong xã hội và được nhiều người trong làng văn mến mộ.
Qua 4 năm kể từ khi ''Quân khu Nam Đồng’’ ra đời với sức hút đặc biệt cùng với sự tò mò của giới sáng tác và bạn đọc về bút danh Bình Ca, đến nay, tác phẩm này đã được tái bản 15 lần. Mới đây, tác giả Bình Ca đã ra mắt cuốn sách thứ 2 mang tên ''Đi trốn’’ với đề tài mới lạ, lại thêm một lần gây ngỡ ngàng cho bạn đọc, dù ông đã ''lộ diện’’ trong xã hội và được nhiều người trong làng văn mến mộ.
Ai đó lần đầu gặp Bình Ca - một người có dáng vẻ bình dị, thậm chí có đôi nét khắc khổ - hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên về cây bút không chuyên này lại dấn thân với việc viết sách, bởi sự nghiệp bấy lâu của ông chẳng hề liên quan gì đến văn chương. Và nay, khi đã có 2 ''đứa con tinh thần’’ (''Quân khu Nam Đồng’’ và ''Đi trốn’’), Bình Ca vẫn nhất mực tưng tửng cho rằng ''tôi không phải là nhà văn, viết như là cái duyên và cũng như là một ''nghề phụ’’. Đồng thời, ông tâm sự rất thật rằng: "Để tiêu tiền một cách nhanh nhất thì tốt nhất là viết sách. Cứ trông thấy ông nào viết sách, nên xếp vào hộ nghèo”.
Trong ''Quân khu Nam Đồng’’ (NXB Trẻ ấn hành năm 2015), tác giả Bình Ca đã tái hiện hình ảnh cuộc sống vô cùng sinh động của những đứa trẻ trong khu gia binh lớn nhất Hà Nội những năm 1970, luôn mang trong mình niềm tự hào là ''con nhà lính’’, cùng đủ những chuyện vui buồn, nghịch ngợm, học hành, yêu đương. Mới đây, trong buổi ra mắt ''Đi trốn’’, tác giả Bình Ca cũng đã chia sẻ về sự lo ngại của biên tập viên trong quá trình ấn hành ''Quân khu Nam Đồng’’ trước đây, bởi trong đó có nhiều chi tiết ''bạo lực’’ của nhóm tuổi học trò: “Trong cuốn sách này, tôi đã đưa ra thông điệp: Nếu các bạn trẻ ở những bước đi đầu đời đã chọn đánh nhau để giải quyết xung đột thì sẽ trượt ngã. Bạo lực không thể giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống được...”.
Thực tế ở Hà Nội khi xưa với bối cảnh được miêu tả trong ''Quân khu Nam Đồng’’, mà nhiều người cùng lứa tuổi với tác giả đều biết, các xung đột thường xuyên xảy ra giữa ''những đứa trẻ yêng hùng’’ của những khu gia binh như ''quân khu Nam Đồng’’ (trên địa bàn quận Đống Đa), ''quân khu Lý Nam Đế’’ (trên địa bàn quận Hoàn Kiếm), khiến cụm từ ''quân khu’’ trở nên phổ biến trong xã hội thời đó. Nên ở nhiều địa bàn khác (dù chẳng phải là khu gia binh), lớp trẻ choai choai cũng thích thú tự khoác chiếc ''áo’’ ''quân khu’’ như ''quân khu Bách Khoa’’, ''quân khu Đống Mác’’...
Ngoài đời, Bình Ca có lối nói chuyện hài hước, tưng tửng. Trong tác phẩm, cách dẫn chuyện của ông cũng khá nhẩn nha. Vốn là cư dân sinh sống trong khu gia binh Nam Đồng nổi tiếng ở Hà Nội, nên Bình Ca có cả một kho tư liệu sinh động về đời sống và những nguyên mẫu ngoài đời nơi đây. Dù vậy, theo tác giả Bình Ca, khi viết sách, ông không quá nệ vào ký ức và không quá tham các tình tiết. Còn các nhân vật, có nhân vật thật như ngoài đời và có nhân vật được tổng hợp từ nhiều nguyên mẫu, hoặc hư cấu... Vậy nên, dù chuyện kể chan hòa sự hư hư, thực thực, nhưng luôn cuốn hút bạn đọc.
Nguyên tắc này cũng được tác giả Bình Ca áp dụng khi viết tiểu thuyết ''Đi trốn’’ (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2020), với đôi dòng nhắn gửi bạn đọc ngay phần đầu sách: ''Cuốn sách này kể về một câu chuyện diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Tất cả nhân vật chính đều được xây dựng bởi sự tưởng tượng của tác giả. Vì vậy, nếu tình cờ có những chi tiết trùng với sự thật đã xảy ra ở một nơi nào đó, tác giả xin được miễn trách’’. Thực rõ sự cẩn trọng khôn khéo của cây viết Bình Ca - người trước khi nghỉ hưu (2018) từng trải qua các chức trách: Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương...
Tại buổi ra mắt sách ''Đi trốn’’, tác giả Bình Ca đã chia sẻ, sau ''Quân khu Nam Đồng’’, ông cũng chẳng có ý định không viết sách nữa. Tuy nhiên, việc ông viết tiếp cuốn thứ 2 cũng bởi thời gian rảnh quá, mà dịch COVID-19 là một nguyên do. Lấy bối cảnh vào khoảng năm 1965-1966, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ''Đi trốn’’ kể về cuộc phiêu lưu của nhóm 5 bạn nhỏ - là con em cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao, từ Thủ đô về nơi sơ tán gồm: Tự Thắng, Thảo, Linh, Việt Bắc, Hoài Nam, ở tuổi 12, 13 - độ tuổi sôi nổi, bồng bột, ham khám phá, được đưa ra Hà Nội sinh sống và học tập theo diện con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh trường kỳ. Giữa chốn núi non hang động và sông nước hoang sơ đầy nguy hiểm đó, nhóm trẻ này vừa dũng cảm, vừa vụng về, vừa chân thành, vừa nông nổi, nhưng rồi, đã dần trưởng thành, không chỉ tìm lối ra cho cuộc đi trốn, mà đã tìm lối ra cho cuộc đời mình, trong một thời đoạn vô cùng nghiệt ngã của đất nước.
Cốt truyện kể rằng, khi ấy, lối về đã bị bịt kín do nước dâng cao, nhóm trẻ đóng bè trôi lênh đênh trên dòng sông ngầm trong lòng núi, trôi qua những hang động huyền ảo kỳ bí, những thung lũng xanh rờn không dấu chân người, mà đường về vẫn vô tăm tích. Cuộc phiêu lưu ly kỳ đến nghẹt thở, nhóm trẻ liên tục phải chiến đấu với thú dữ, với những tình thế sinh tử ghê gớm để tồn tại. Trong hành trình ấy, nhóm trẻ dần trở nên tự lập, thông minh, gan dạ, trách nhiệm, nhưng vẫn hồn nhiên, trong trẻo. Bối cảnh thiên nhiên kỳ thú ấy phảng phất cảnh quan khu di sản Tràng An (Ninh Bình) với những cảnh núi non xanh biếc, hang động kỳ ảo, cảnh bồng bềnh trên thuyền ở địa bàn Tam Cốc - Bích Động (nơi địa phương tác giả từng công tác).
Đây là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi có nhân vật là con em của các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève 1954. Nhóm trẻ đó được nuôi dạy tập trung trong các trại trẻ như Trại Nhi đồng Khe Khao, Trại Nhi đồng miền Nam và Trường học sinh miền Nam, nên ít nhiều đều có nét chung thiếu vắng hơi ấm gia đình. Bởi lẽ, có đứa ở trong trại nhi đồng ngay giữa Hà Nội, nhưng đến khi ra trại cũng chưa từng được bố mẹ đón ra lần nào. Có đứa, ba đi công tác từ khi nhỏ xíu, đến khi gặp lại nhất định không chịu nhận ba...
Theo nhà văn Bảo Ninh, nhóm 5 bạn trẻ trong tiểu thuyết ''Đi trốn’’ chính là hình ảnh thời niên thiếu của cánh lính trẻ gốc gác học trò thành thị những năm chống Mỹ. Nhờ vào truyền thống gia đình và do hoàn cảnh đất nước bị tai ương trong chiến tranh, phải rời Hà Nội đi sơ tán, sớm chạm trán với khó khăn thử thách, các nhân vật thiếu niên hồn nhiên vô tư đã trưởng thành hẳn lên và họ đã là những nhân vật điển hình cho một thế hệ thanh niên còn ghi dấu mãi trong lịch sử đất nước: Thế hệ đã trải qua thời niên thiếu gian khổ, nhưng gắn bó sâu nặng với nhân dân và thiên nhiên. Thế hệ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thế hệ đã đưa đất nước vượt qua gian khó thời hậu chiến bao cấp. Thế hệ đã đã mở màn công cuộc Đổi mới... Nhà văn Bình Ca gắn bó với thế hệ ấy. “Quân khu Nam Đồng’’ và ''Đi trốn’’ đều kể về thời thanh, thiếu niên của họ...
Tác giả Bình Ca tên thật là Trần Hữu Bình, sinh trưởng trong một gia đình có bố là nhà văn quân đội Trần Hữu Mai, có em là nhà văn/nhà báo Trần Hữu Việt (vừa trúng cử vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 10). Khu gia binh Nam Đồng - nơi gia đình ông sống - cũng có nhiều cây bút văn chương nổi tiếng. Thế mà, Bình Ca quyết không theo nghiệp viết lách, chắc cũng bởi nhiều nguyên do, nhưng có lẽ, cái duyên văn chương cứ chực chờ với ông. Trước khi cho ''Quân khu Nam Đồng’’ chào đời, Bình Ca cũng đã viết về những kỷ niệm ở nơi đây, dự tính đưa lên Facebook cho vui, vì ''những cái mình kể ra cũng nhiều người biết, chả có gì đáng gọi là giá trị văn chương cả’’. Và rồi, được người em tếu táo ''xúi’’ in thành sách, tiếp nữa, với sức hút của ''Quân khu Nam Đồng’’, Bình Ca cũng tếu táo cho rằng, thành công đầu tay đấy là “chó ngáp phải ruồi”.
Cũng có người tò mò về bút danh Bình Ca của nhà văn Trần Hữu Bình - một cái tên địa danh quen quen. Số là, cha mẹ ông đã tình cờ gặp nhau, phải lòng nhau trên một chuyến đò từ bến Bình Ca (Tuyên Quang) xuôi về Phú Thọ. Sau khi họ kết hôn, sinh con đầu lòng, lấy tên là Bình - mang dấu ấn kỷ niệm nơi bến nước Bình Ca. Khi viết sách, Trần Hữu Bình lấy bút danh như vậy, âu cũng là hợp lý, hợp tình...