Công viên mở, tại sao không?
Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ tiến hành nâng cấp, cải tạo 45/63 công viên, vườn hoa, trong đó xây mới 6 công viên. Đáng chú ý, công viên Thống Nhất sẽ được nâng cấp theo hướng mở, bỏ hệ thống hàng rào xung quanh và không thu vé. Điều này đã khiến...
Lâu nay, Hà Nội thiếu công viên, khu vui chơi công cộng đã được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đề cập. Người dân cũng đã nhiều dịp tỏ bày qua các “kênh” khác nhau, nhưng chuyện thiếu vẫn thiếu, và sự bất cập ở một số công viên, vườn hoa vẫn thường xuyên diễn ra, được báo chí phản ánh. Vì thế, việc mới đây, UBND TP Hà Nội có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 được người dân quan tâm, bày tỏ sự đồng tình.
Trong đó, mối quan tâm khá lớn tập trung vào công viên Thống Nhất, khi thành phố quyết định bỏ phương án thu vé vào cửa như lâu nay, để xây dựng công viên này theo hướng mở.
Công viên Thống Nhất được khánh thành năm 1961, là công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 50 ha, nằm giữa các phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu. Công viên có rất nhiều lối vào, trong đó cổng chính nằm bên đường Trần Nhân Tông. Trước đây, nhiều ý kiến cũng đã kiến nghị điều này, nhằm tạo điều kiện cho người dân. Tuy nhiên, trải qua rất nhiều “nghiên cứu”, đến nay mới chuẩn bị được triển khai áp dụng.
Việc này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân lẫn giới chuyên gia. Theo TS Nguyễn Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, công viên Thống Nhất là di sản của Thủ đô, mang dấu ấn của văn hóa, của quá trình phát triển nên ngoài việc là không gian xanh công cộng còn là nơi cộng đồng dân cư nâng cao chất lượng sống. Việc xây dựng thành công viên mở là cần thiết và rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, ông Nghiên cho rằng, công viên mở không có nghĩa là phá hàng rào mà là không thu vé và mọi người có nhu cầu đều được tiếp cận.
Trong khi đó, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, bản chất công viên là không gian công cộng để mọi người đều có thể tiếp cận. Tại các nước trên thế giới, công viên không có tường rào, chỉ những công viên nuôi thú mới cần tường rào. Cũng theo ông Tùng, cải tạo công viên Thống Nhất không chỉ là việc bỏ hệ thống tường rào mà còn cần phải tính toán làm sao để công viên trở nên thân thiện hơn, điểm đến an toàn, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như một ngôi nhà chung. Vậy nên phải hướng công viên thành không gian sáng tạo.
Cũng có ý kiến tỏ sự lo ngại về việc khi thành công viên mở sẽ dễ phát sinh tệ nạn, hoặc cho rằng ý thức của người dân chưa cao dễ làm hỏng hệ thống tượng vốn có trong công viên hoặc ảnh hưởng tới một số loại cây quý. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đó là điều “lo xa” không cần thiết. Bởi trong thời gian qua, hình ảnh một công viên Thống Nhất dù thu vé 4.000 đ/lượt, và có tới hàng trăm cán bộ, nhân viên thực hiện duy tu, bảo vệ, hạ tầng kỹ thuật, chăm sóc hoa, cảnh quan, cây cỏ… song cũng chưa thực sự là điểm đến thân thiện. Vì thế, việc chuyển công viên Thống Nhất sang hình thức công viên mở là cần thiết, và cần đưa công nghệ số vào áp dụng để quản lý…