Thursday, Apr 22, 07:04 AM

Chàng trai trẻ lưu giữ nghề đóng sách thủ công truyền thống

Với mong muốn gìn giữ nghề đóng sách truyền thống, Trần Trung Hiếu (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tự mày mò, học hỏi để sáng tạo ra những cuốn sách mang đậm dấu ấn riêng khiến nhiều người thích thú.

Chàng trai trẻ lưu giữ nghề đóng sách thủ công truyền thống
Chàng trai trẻ lưu giữ nghề đóng sách thủ công truyền thống

Trong thời đại công nghệ 4.0, một số nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam đang dần bị lãng quên, mai một. Nghề đóng sách (Bookbinding) là một nghề đã xuất hiện ở nước ta cách đây hơn 1.500 năm nhưng chưa được nhiều người biết đến và duy trì. Nhận thấy sự thú vị đến từ ngành nghề mới, chàng trai trẻ Trần Trung Hiếu đã tự học hỏi và tạo ra những tác phẩm hút mắt người xem.

ch224ng-trai-tre-luu-giu-nghe-d243ng-s225ch-thu-c244ng-truyen-thong_1.jpg
Chân dung người thợ trẻ đóng sách thủ công Trần Trung Hiếu.

“Thực chất nghề đóng sách không phải là nghề truyền thống có nguồn gốc từ Việt Nam mà là từ các nước châu Âu và Trung Đông nên những tài liệu hay người dạy nghề tại nước ta rất hiếm. Tuy nhiên, chính những khó khăn đó càng thôi thúc tính tò mò của mình và mình rất muốn đưa nghề đóng sách đến gần hơn với mọi người.” – anh Hiếu chia sẻ.

Những ngày đầu khi mới tiếp cận ngành nghề mới, bản thân anh Hiếu gặp không ít khó khăn. Chàng trai trẻ cho biết những kinh nghiệm về nghề đóng sách là do tự anh tích lũy và tự luyện mà có.

“Mình đã từng mất tới 2 năm để hoàn thành một cuốn sổ tay như ý muốn. Lúc mới bắt đầu, mình không có tài liệu, người dạy hay bất kì loại dụng cụ nào, rất may vốn ngoại ngữ của mình cũng đủ để có thể hiểu các hướng dẫn của nước ngoài và mày mò đóng sách.” – anh Hiếu nói.

ch224ng-trai-tre-luu-giu-nghe-d243ng-s225ch-thu-c244ng-truyen-thong_2.jpg
Da dê – nguyên liệu chính để bọc bìa sách.

Theo anh Hiếu để đóng được một cuốn sách hoàn chỉnh cần trải qua 5 công đoạn chính bao gồm đánh giá cuốn sách cần đóng (tình trạng sách, thông số, cách làm), dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa và trang trí.

Nguyên liệu chính để đóng sách là da dê. Để đóng được sách cần đến rất nhiều dụng cụ như: que xương, dùi lớn, dùi đục, kim, chỉ, dao rọc, búa, bảng gõ nấm, kéo, bút lông phết keo…

ch224ng-trai-tre-luu-giu-nghe-d243ng-s225ch-thu-c244ng-truyen-thong_3.jpg
Một số dụng cụ phục vụ cho việc đóng sách.

Chàng trai 9x cho hay mỗi ngày anh có thể hoàn chỉnh được một hoặc hai công đoạn. Để đóng một cuốn sách cơ bản mất khoảng 1 tuần, những cuốn phức tạp hơn có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng mới được hoàn thiện.

Vốn là một người đam mê với những thứ xa cũ, gắn bó với nghề từ ngày còn là sinh viên năm nhất của trường Đại học Mỹ thuật và Công nghiệp, anh Hiếu coi trọng những sản phẩm do chính tay mình làm ra. Mỗi cuốn sách anh đều dành toàn bộ công sức và tâm huyết để hoàn thiện.  

ch224ng-trai-tre-luu-giu-nghe-d243ng-s225ch-thu-c244ng-truyen-thong_4.jpg
L’Art à Hué – một trong những cuốn sách tâm huyết anh Hiếu mới hoàn thành.

“Đối với mình không có cuốn nào là đặc biệt nhất vì mỗi quyển lại mang cho mình những cảm xúc nhất định. Sau mỗi cuốn sách được hoàn thành, mình lại tự đúc kết được nhiều kinh nghiệm.” - anh cho biết.

Dưới bàn tay khéo léo của anh chàng 9x, những cuốn sách cũ như được “khoác lên mình chiếc áo mới” với khát vọng lưu giữ tri thức còn mãi với thời gian. Đối với những cuốn sách có tuổi đời hơn 100 năm hoặc một số cuốn sách duy nhất còn sót lại thì việc xử lý sách đòi hỏi ở người tài hoa sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và nâng niu hết sức có thể, tránh làm hỏng “báu vật” của nước nhà.

ch224ng-trai-tre-luu-giu-nghe-d243ng-s225ch-thu-c244ng-truyen-thong_5.jpg
Cuốn sổ tay đầu tiên mà anh Hiếu đã hoàn thành khi còn là sinh viên đại học Mỹ thuật công nghiệp.

Mặc dù phải trải qua rất nhiều thử thách khi tiếp cận với loại hình nghệ thuật hiếm có nhưng anh Hiếu vẫn luôn yêu thích công việc hiện tại. Đối với anh, nghề đóng sách hội tụ đủ các lĩnh vực mà bản thân anh yêu thích, từ nghệ thuật, tri thức cho đến thủ công, thậm chí nghề còn giúp anh thỏa mãn được thú vui săn đồ cổ.

“Theo mình, những bạn trẻ đã hoặc đang có ý định đến với nghề đóng sách thì hãy mạnh dạn lên. Trước hết, các bạn cần phải có lòng kiên trì, thêm nữa là sự nhạy bén và ham học hỏi, chắc chắn các bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng.” – anh Hiếu chia sẻ.

ch224ng-trai-tre-luu-giu-nghe-d243ng-s225ch-thu-c244ng-truyen-thong_6.jpg
Manual of Bookbinding - cuốn sách giúp anh Hiếu đến với nghề. 

Dù là người đầu tiên đặt nền móng cho ngành nghề mới nhưng anh Hiếu vẫn nuôi hi vọng một ngày ngành đóng sách sẽ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. “Mình thấy nghề đóng sách đã có sự quay trở lại ở nước ta trong vài năm gần đây, có lẽ là bắt đầu từ những ấn bản của các nhà sách như Đông A, Nhã Nam. Dù hiện nay có nhiều công nghệ đóng sách mới mà mình rất ủng hộ, nhưng đối với mình được cầm trên tay cuốn sách thật vẫn là điều tuyệt vời nhất”, anh nhìn nhận.

Anh Trần Trung Hiếu là một trong những người trẻ đầu tiên tại Việt Nam đang hoạt động cũng như lưu giữ nghề đóng sách thủ công truyền thống. Thế nhưng, chưa bao giờ anh Hiếu có ý định bỏ cuộc dù chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn. “Mình mong rằng nghề đóng sách sẽ được phổ biến rộng rãi hơn, mình cũng tin rằng các bạn trẻ Việt Nam một ngày không xa sẽ ghi dấu mình ở lĩnh vực này trên trường quốc tế”, anh Hiếu bày tỏ.

ho40583ng-v40583n-ng40583c-b40583ch
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/chang-trai-tre-luu-giu-nghe-dong-sach-thu-cong-truyen-thong-5684560.html Copylink