Thursday, Oct 22, 08:10 AM

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa: Xu hướng không thể khác

Trong thời đại phát triển công nghệ, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa đang là xu hướng tất yếu.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa: Xu hướng không thể khác
Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa: Xu hướng không thể khác

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị - Hội thảo “Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức ngày 26/10.

chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-van-h243a-xu-huong-kh244ng-the-kh225c_1.jpg
Khai trương hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Kho dữ liệu khổng lồ

Các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam bao gồm 12 ngành, trong đó có 5 ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ VHTTDL gồm điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hóa. Với sự phát triển của công nghệ thì đây kho dữ liệu khổng lồ đang tác động đến sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa. Đơn cử như lĩnh vực điện ảnh, việc lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (big data) có những tác động đáng kể đến hoạt động của ngành. Cùng với đó, các hoạt động quảng bá phim, bán vé, đặt chỗ qua các dịch vụ trực tuyến, thu thập, phân tích dữ liệu công chúng, cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến… đang là xu thế phát triển chung của công nghiệp điện ảnh. Đặc biệt, công nghệ thực tế ảo cũng được dự đoán sẽ là công nghệ thay thế cho phim 3D hiện tại và làm thay đổi cách thức sản xuất phim cũng như thị hiếu của công chúng.

chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-van-h243a-xu-huong-kh244ng-the-kh225c_2.jpg

Hay như lĩnh vực mỹ thuật thì cuộc cách mạng 4.0 với công nghệ in 3D cũng đang tác động mạnh đến lĩnh vực này. Đặc biệt với nghệ thuật tạo hình, người nghệ sĩ chỉ cần thiết kế tác phẩm trên máy tính, phần còn lại sẽ do máy móc tạo ra sản phẩm với nhiều chất liệu theo lựa chọn. Công nghệ thực tại ảo và các hình thức nghệ thuật trên không gian số cũng sẽ làm thay đổi cách thưởng thức, tiêu dùng sản phẩm nghệ thuật của công chúng. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ cũng hình thành nên xu hướng tham quan bảo tàng ảo qua internet. Các tác phẩm mỹ thuật có thể được thể hiện bằng hình ảnh 3D, công nghệ thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí có thể tự trả lời, tương tác với công chúng tham quan bảo tàng.

Nhìn nhận xu hướng phát triển này, TS Dương Viết Huy - Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) cho rằng, trong thế giới phẳng, công nghệ liên tục phát triển là xu thế không thể đảo ngược. Để phát triển văn hóa Việt Nam trong tình hình mới, ngoài bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cần thiết phải ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp văn hóa số không thể chỉ bằng ý nguyện của những người làm công tác quản lý văn hóa mà cần có sự tham gia của các nhà khoa học về công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực liên quan khác như kinh tế, luật, tài chính, môi trường... Nhóm nhân lực này mới chỉ mang tính dẫn dắt tư duy, tính khoa học để huy động nguồn lực của xã hội, việc triển khai cụ thể lại phải cần lực lượng lao động lành nghề, hiện đại. “Nếu nhà nước kiến tạo chính sách phù hợp với từng ngành, từng đối tượng cụ thể trên nền tảng hạ tầng công nghệ tương xứng thì các ngành công nghiệp văn hóa mới có thể phát triển được về chất và lượng” - ông Huy bày tỏ.

chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-van-h243a-xu-huong-kh244ng-the-kh225c_3.jpg
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của ngành VHTTDL trong thời gian tới.

Sứ mệnh của ngành văn hóa

Chuyển đổi số của ngành văn hóa là xu thế tất yếu và cần thực hiện đồng bộ từ chính sách cho đến hành động. Bởi thực tế, việc chuyển đổi số quốc gia tại Bộ VHTTDL thời gian qua dù đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng chưa đồng đều ở các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt được còn thấp so với mục tiêu đến năm 2025.

Chia sẻ tại sự kiện, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của bảo tàng vẫn chưa được coi là nhiệm vụ cần thiết được quy định trong luật Di sản văn hoá. Cụ thể, vẫn chưa có những quy định về đầu tư công cho ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng. Là tổ chức phi lợi nhuận, các bảo tàng không có đủ kinh phí để ứng dụng công nghệ, đặc biệt là những công nghệ hiện đại. Vì vậy, việc kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác từ các đối tác bên ngoài bảo tàng là cần thiết để bảo tàng có thể thực hiện được chức năng của mình. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có quy định, cơ chế, chính sách hợp tác công - tư và cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng - Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, có 3 nền tảng số quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao trong chiến lược quốc gia năm 2022. Trong đó có nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số. Chuyển đổi số ngành VHTTDL là thúc đẩy số hóa, các di sản văn hóa, hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều có sự hiện diện số, hình thành bản đồ di sản số. “Công nghệ thực tế ảo cho phép cung cấp dịch vụ trực tuyến từ xa, người dân trên toàn thế giới có điều kiện trải nghiệm văn hóa Việt Nam, không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ. Đây cũng là sứ mệnh của ngành về bảo tồn di sản, đưa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra toàn thế giới” – ông Dũng nói.

Nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ VHTTDL đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành đồng thời ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.

Minh Quân
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-van-hoa-xu-huong-khong-the-khac-5700454.html Copylink