Tuesday, Jan 22, 07:01 AM

Cơ hội phát triển văn hóa đọc

Văn hóa đọc của giới trẻ hiện đang là vấn đề được quan tâm. Có thực trạng, nhiều bạn trẻ rất khó dành thời gian để đọc sách nhưng lại có thể lướt web, truy cập mạng xã hội nhiều giờ liền. Phải chăng, sự phát triển của công nghệ số đã ảnh hưởng trự...

Cơ hội phát triển văn hóa đọc
Cơ hội phát triển văn hóa đọc
co-hoi-ph225t-trien-van-h243a-doc_1.jpg
Văn hoá đọc đang có sự chuyển hướng thích ứng với sự vận động của xã hội.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xuất bản, giới trẻ đang có sự thay đổi trong nhận thức, hành động và thói quen tìm hiểu, học hỏi, khám phá thế giới thông qua đọc sách do tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, sự phát triển của khoa học công nghệ, internet và mạng xã hội.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chưa có chiều hướng giảm như hiện nay, nhiều trường học và thư viện ở những vùng có nguy cơ cao đang đóng cửa đã gây cản trở cho học sinh trong việc tiếp cận sách. Những ứng dụng tìm kiếm trên nền tảng công nghệ số đã nhanh chóng được giới trẻ tiếp nhận. Thay vì lật, giở và tìm thông tin trên các trang giấy hoặc đến thư viện, giới trẻ chủ yếu bấm trên thiết bị thông minh. Theo xu hướng đó, ngành Thư viện Việt Nam đã có sự chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số hiện đại. Đây là sự thay đổi hữu ích cho người sử dụng. Bởi, với hình thức mới này, đã tạo ra cơ hội tiếp cận vốn tài liệu và nguồn lực thông tin, không bị giới hạn về không gian và thời gian. Người đọc không cần đến thư viện vẫn khai thác được nguồn tài liệu với máy tính/trang thiết bị thông minh có kết nối internet.

Có thể kể đến Thư viện Những ước mơ là một dự án được chính thức ra mắt dịp đầu năm 2021. Với trang thiết bị hiện đại, thiết kế sinh động, thư viện này ra đời với mục đích phục vụ bạn đọc trẻ. Tại đây, bạn đọc có thể đọc sách và trải nghiệm văn hóa. Bên cạnh đó, để thu hút độc giả, đặc biệt là những bạn trẻ, nhiều nhà xuất bản đã có những thích ứng để thay đổi trong thời kỳ công nghệ số hiện nay. Có thể kể đến trang điện tử stbook.vn, thuviencoso.vn, ứng dụng Stbook của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Vừa qua, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, để phục vụ cho việc học của các em học sinh không bị gián đoạn, ​Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho ra đời phiên bản điện tử sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 và một số sách bổ trợ, sách giáo viên các lớp 1, 2, 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại địa chỉ website: Hanhtrangso.nxbgd.vn.

Là một trong những ứng dụng sách nói có bản quyền tiên phong ở Việt Nam, Voiz FM của Công ty cổ phần Công nghệ Wewe (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) ra mắt từ tháng 1/2020, đã có hơn 500.000 người dùng, gần 2.000 tựa sách với nhiều chủ đề. Doanh thu thời điểm này so với cùng kỳ năm trước gấp khoảng 20 lần. Công ty cổ phần Công nghệ Wewe cũng đã hợp tác bản quyền với các đơn vị xuất bản, như: Nhà Xuất bản Trẻ, Nhà Xuất bản Kim Đồng, Nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Nhã Nam, Sài Gòn Books, Alpha Books… để đưa sách lên ứng dụng Voiz FM.

Thông qua ứng dụng sách nói Fonos với nhiều tính năng trải nghiệm sách mới mẻ, thú vị cho độc giả, những ấn phẩm phong phú và đặc sắc của Nhà Xuất bản Kim Đồng sẽ đến được với nhiều đối tượng hơn, nhất là độc giả nhỏ tuổi ở những miền xa xôi của Tổ quốc và người Việt Nam ở nước ngoài…

Bên cạnh những cơ hội mà công nghệ số mang lại, thì thanh thiếu nhi cũng là một trong những đối tượng dễ chịu sự tác động từ các trò giải trí trên nền tảng kỹ thuật số như mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim… ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành phát triển văn hóa đọc của giới trẻ. Đây có lẽ chính là thách thức lớn nhất không chỉ đối với các bậc phụ huynh trong việc kiểm soát mà cả những người làm chuyên môn trong lĩnh vực này. Bởi phải luôn luôn tìm cách thay đổi để đưa đến cho các em những cách tiếp cận mới, có sức hút. Do đó, hoạt động thư viện cần chủ động bắt kịp xu hướng, giúp thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng nguồn thông tin của các thư viện và các xuất bản phẩm một cách dễ dàng thuận lợi hơn, để các bạn trẻ có thể đọc trực tiếp bằng điện thoại, máy tính.

Được biết, liên quan đến vấn đề quyền tác giả khi phát triển thị trường sách trên nền tảng công nghệ số, Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đang tích cực tuyên truyền bảo vệ quyền tác giả và đề xuất xây dựng các chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý hành vi vi phạm.

Theo các chuyên gia văn hóa, việc xây dựng, sử dụng thư viện điện tử sẽ giúp tối giản một bộ máy cồng kềnh, cũng như những thủ tục rườm rà. Việc số hóa toàn bộ những tài liệu mà thư viện đang lưu trữ có thể phải có thời gain, lộ trình. Tuy nhiên sự dịch chuyển này sẽ cho ta thấy được sự sẵn sàng của nhà quản lý trong việc bắt nhịp với nhu cầu thực tế.

ph37660m-s37660
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/co-hoi-phat-trien-van-hoa-doc-5678165.html Copylink