Con đường mở hội
Tháng Tám lịch Âm hằng năm, “tháng Tám giỗ Cha” là những ngày đền Trần, đền Bảo Lộc và toàn bộ các đình, đền trong hệ thống đền thờ các vị vua và vương thất nhà Trần đều mở hội.
Đức Thánh Trần, bậc Thánh duy nhất trong Tứ bất tử nước Việt là nhân vật có thật trong lịch sử. Bởi những công lao đóng góp to lớn của Người với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc dưới thời Trần, Người được phong danh hiệu Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương, còn trong tín ngưỡng dân gian, Người được tôn xưng là bậc Thánh, nhân dân tôn kính gọi Người là Cha.
Hệ thống đền thờ các vị vua và vương thất nhà Trần, ở phường Lộc Vượng (TP Nam Định) gồm đền Trần, chùa Phổ Minh (chùa Tháp); ở xã Mỹ Phúc gồm đền Bảo Lộc thờ An Sinh Vương Trần Liễu và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, lăng mộ Trần Hưng Đạo; đền Lựu Phố thờ quan Thái sư Trần Thủ Độ; xã Mỹ Thành có đình và miếu Cao Đài thờ Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Phụng Dương công chúa; phường Lộc Hạ có chùa Đệ Tứ…
Chính hội đền Trần là ngày 20/8, nhưng hội thực tế được mở từ mùng 1/8 và cao trào lễ hội từ 14 đến 20. Ngày Rằm, khách phương xa đến với nhiều giá hầu và hát chầu văn. Ngày 18, 20 kết hội sẽ có các lễ tế, lễ rước, múa lân sư rồng, đấu cờ người, thi chọi gà, đấu vật…
Tôi biết đến đền Bảo Lộc lần đầu tiên có lẽ chỉ chừng 5-6 tuổi, không phải ngày hội. Chị gái lớn của tôi thỉnh thoảng bị ốm, không ăn không ngủ, người gầy rạc đi. Khi đã thuốc thang Đông – Tây đủ cả mà chị vẫn cứ mệt lửng dửng “như ma làm”, mẹ sửa lễ đến các cửa đền để cầu xin Đức Thánh Trần ban ơn.
Có lẽ, trong không khí chuẩn bị sắm lễ, cả nhà tất bật, chị tôi cũng bắt đầu nhúc nhắc. Mọi người động viên chị dậy, cố ăn uống, mặc quần áo đẹp, chị lặng lẽ đi theo. Hôm ấy, việc làm lễ diễn ra trong hậu cung đền Bảo Lộc. Làng Bảo Lộc, đơn vị quản lý ngôi đền, có lệ, lần lượt cứ cụ ông nào cao tuổi nhất làng thì sẽ làm thủ từ một năm. Tại các làng Bảo Lộc, Cấp Tiến, Liễu Nha, Lựu Phố, người dân tôn kính Đức Thánh Trần vô cùng, ngay cả đặt tên cho con họ cũng kiêng tên Tuấn, sẽ đặt chệch đi là Thuấn.
Ông thầy cúng chính là cụ thủ từ mặc áo the đen, đầu đội khăn xếp, thoạt nhìn đã thấy tỏa ra sự linh thiêng và uy nghi, khiến tôi hơi e sợ. Sau những thủ tục cần thiết của một khóa lễ “trừ ma”, ông sẽ dùng rượu tẩm vào chiếc roi dâu rồi làm phép quất quanh chỗ chị ngồi. Xong ông cầm nắm hương đang cháy huơ quanh bát nước mưa và lẩm nhẩm đọc thánh chú. Tàn nhang rơi nổi chìm trong bát nước, ông đưa, chị tôi uống một hơi cạn. Ông lại đưa cho mẹ tôi chai nước và mấy gói nhỏ bằng giấy bao hương màu đỏ, trong gói thứ bột mà sau này tôi biết là tàn nhang, dặn cho chị tôi uống hết thì sẽ khỏi bệnh (?!). Chẳng biết linh nghiệm thế nào, mà có lần ra khỏi cổng đền đã thấy chị khỏe hơn, chuyện trò tươi tắn. Sau này tôi mới suy đoán, chị tôi không lấy chồng, tuổi ngoài ba mươi người phụ nữ một mình dễ rơi vào giai đoạn bị khủng hoảng tâm lý. Chị tôi mắc tâm bệnh vì buồn bã và cô đơn.
Những lần theo mẹ đi dâng lễ xin ơn trên cho chị, tôi cứ hớn hở trong lòng. Phải chăng bởi cuộc sống ngày ấy luẩn quẩn buồn tẻ trong lũy tre làng, trẻ con cũng mong muốn được đi ra ngoài cho biết đó biết đây. Mặc cho người lớn lo lắng ưu tư thế nào, trong lòng tôi, mọi con đường dẫn tôi đến các ngôi đền linh thiêng ấy, đều là con đường mở hội. Cái không khí “mở hội” trong lòng tôi khi ấy, nó là niềm hi vọng đang dâng lên trong lòng người mẹ truyền sang. Chúng tôi cùng hi vọng và tin tưởng, làm lễ xong là chị tôi khỏi bệnh. Cho dù hôm ấy sẽ dâng lễ ở đền Trần, đền Bảo Lộc, hay đến một điện thờ nào đó, thì mọi con đường đi lễ hôm đó đều trở thành con đường tâm linh, con đường của đức tin và hi vọng.
Lạ thay, sau mỗi lần làm lễ như thế, tôi đều thấy không khí trong gia đình tôi đổi khác, đầm ấm, linh hoạt, kết nối tình cảm được nhân lên. Làm lễ xong thì lòng người thoáng đãng, những suy nghĩ u ám được cởi bỏ, gánh nặng lo âu được tạm cất xuống. Trên con đường đi lễ, sẽ gặp gỡ những con người mới trong những khung cảnh khác. Một cái cây ăn quả mới được xin về trong dịp đi lễ cũng đem lại sự tíu tít, phấn chấn nhẹ nhàng khi mọi người nói với nhau về gốc tích cái cây, bày cho nhau cách trồng, cách chăm sóc. Vùng quê quanh đền Bảo Lộc là vùng phù sa đất bãi, khác với quê tôi là đất thịt đồng chiêm trũng, vườn tược ở đấy mỡ màng, trù mật. Những cây nhãn cổ thụ rợp tán trưa hè, những vườn táo lúc lỉu mùa đông, mùa thu thì vườn bưởi ửng vàng, vườn hồng chín mọng, và những ruộng mía, ruộng chuối xanh ngút ngàn bờ bãi… Vậy nên sau này tôi mới nghĩ, việc đi lễ có lẽ chỉ là một cách làm phép của đức tin. Cái phép chuyển vận tâm lý ấy nó ý nghĩa lắm. Người mang tâm bệnh chỉ cần được thay đổi hoàn cảnh, đối tượng tiếp xúc để họ tạm thời quên đi những cảm xúc tiêu cực trong lòng là đã như khỏi bệnh.
Nhớ lần rước dâu chị gái thứ hai của tôi về nhà chồng cũng trên “con đường mở hội” ấy. Con đường men theo một mương đào lớn dẫn nước thủy nông từ sông Hồng về qua xã Mỹ Phúc, chảy đi tưới tiêu khắp vùng Mỹ Lộc. Tôi đếm số cây cầu bắc qua mương, ghi nhớ chiếc cầu rẽ vào làng chị tôi là cầu thứ ba, quá cổng đền Bảo Lộc chừng vài trăm mét. Khi chị tôi sinh cháu đầu lòng, tôi mới học lớp 2, một mình xách cái bị có ba quả cam và một cân gạo nếp đi thăm chị. Chuyến đi ấy, nó hết hồi hộp, mừng vui, phấp phỏng rồi lại đinh ninh, cuối cùng, tôi cũng đã đếm được 3 cây cầu…
Con đường mở hội sau đó được mở rộng trong tôi, là những ngả đường liên huyện, liên xã, hối hả từng đoàn khách bộ hành về “tháng Tám giỗ Cha”. Thi thoảng, một vài chiếc xe ngựa lóc cóc chở người hoặc chở mía, thấp thoáng cũng có mấy chiếc xe đạp, còn sau này thì ô tô lớn đã có thể về đậu sát cổng đền. Càng gần đến cổng đền, con đường càng tấp nập, có khi cũng tắc nghẽn. Nhiều sạp hàng được dựng ven mương lớn để dân làng bán đồ lễ, lúc nào cũng nườm nượp khách mua.
Từ chợ Viềng (xã Mỹ Trung), theo đường mương nhỏ qua Đệ Tam, rẽ vào làng Lựu Phố, đã thấy bóng cờ hội phấp phới trước cửa đền thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, được xây dựng trên nền địa danh cổ Lựu Viên xưa. Trên đường Lựu Phố, những chiếc xe đạp thồ chất đầy bưởi, hồng chín mọng thơm tho, chuối ngự cả buồng treo lúc lắc, sẽ qua chợ Viềng xuôi đường 38A vào chợ Rồng - Nam Định. Thì ra, bên kia cây cầu bê tông thứ nhất mà tôi vẫn đếm, đi tiếp một đoạn gặp cầu phao Nhân Hậu bắc qua sông Châu Giang, là sang vùng đất Nhân Hòa, Nhân Hậu, Đại Hoàng , nơi có đặc sản chuối Ngự nổi tiếng mà xưa kia chỉ dùng để tiến vua. Nghề kho cá làng Phú Hậu nghe nói cũng xuất phát từ tục kho cá trong dịp Tết để tưởng nhớ tổ tiên nhà Trần làm nghề chài lưới. Tôi còn nghe nói, làng Lựu Phố, Liễu Nha xưa là vùng trồng liễu trồng hoa để cung cấp hoa cây cảnh vào hành cung Thiên Trường. Mỗi lần đi qua Lựu Phố, tôi cứ cố nhìn qua những phên giậu tăm tắp xanh đẹp gọn gàng vào các sân vườn. Tôi muốn tìm xem nơi làng quê ấy có còn bóng dáng của vườn liễu ngày xưa…
Mỗi kỳ hội, tôi sẽ đi một vòng, xuôi thì theo đường 38A đến đền Trần chùa Tháp trước. Xong lễ chùa Tháp, men theo con đường mương nhỏ qua làng Hậu Bồi, tới Dốc Lốc gặp con mương lớn, rẽ phải một đoạn là tới đền Bảo Lộc. Trên đường về sẽ ghé vào lăng mộ Trần Hưng Đạo thắp hương, qua đền Lựu Phố nữa là hết trọn một vòng. Còn nếu đi vòng ngược, điểm đến sẽ lần lượt là đền Lựu Phố, lăng Trần Hưng Đạo, đền Bảo Lộc, chùa Tháp, đền Trần. Mọi ngả đường dù đi bộ trong “tháng Tám nắng rám trái bòng”, cũng cứ phơi phới bước chân. Nhưng ấn tượng nhất với tôi, lại là con đường tắt chừng vài cây số xuyên qua quãng ngang cánh đồng của các làng Đệ Tam, Cấp Tiến, Bảo Lộc, Hậu Bồi, nối tầm mắt từ đền Bảo Lộc nhìn về đền Trần, chùa Tháp. Con đường ấy chân tôi chưa một lần đi, nhưng từ trên góc sân đền Bảo Lộc mỗi kì lễ hội, tôi thường phóng tầm mắt xa hút về phía cánh đồng. Nơi ấy gió thu thổi về lồng lộng, chiều rải vàng óng ánh mật ong. Tôi nhìn thấy từng đoàn người nối dài đi hành lễ, chầm chậm hướng về phía ngôi đền. Những hàng nối hàng người đi ấy hiện lên rõ rệt dần trước mắt tôi, trên bờ ruộng nhỏ nên họ chỉ đi hàng một. Những chiếc khăn đỏ nổi bật, là khăn hầu thánh, được trùm lên đầu che nắng và đội mâm xôi lễ lên trên, ai đó đội nón trắng thì tay sẽ xách túi xách làn.
Tháng Tám trên đồng, lúa vụ mùa đã vào thì con gái thơm hương, đoàn người trẩy hội cứ nối dài nối dài như sắc rồng uốn lượn. Màu khăn đỏ trên đầu, những chiếc áo màu thiên lý, đỏ cam hồng tím dát kim tuyến lấp lánh trong nắng mùa thu.