Đàm Vĩnh Hưng ‘mắng’ Mai Trần Lâm hát bolero mà khẩu hình chưa thật
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã thẳng thắn góp ý cho học trò Mai Trần Lâm đã không hát với khẩu hình thật trong phim ca nhạc Yêu một mình.
“Tôi biết em không dám hát với khẩu hình thật là để cho mặt đẹp hơn, nhưng việc đó lại khiến em trông rất giả. Em cần phải thể hiện thật hơn, như vậy mới dễ chạm vào tim khán giả”, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói.
Ca sĩ Mai Trần Lâm là học trò của Đàm Vĩnh Hưng trong cuộc thi Solo cùng bolero. Đàm Vĩnh Hưng khá nghiêm khắc với học trò. Nam ca sĩ nhận xét, so với 5 năm trước, Lâm có khá hơn. “Hưng vẫn muốn em phấn đấu hơn nữa”, nam ca sĩ bày tỏ.
Dù vậy, Đàm Vĩnh Hưng cũng dành sự động viên tới Mai Trần Lâm. “Với quá trình dài như vậy, rõ ràng Lâm là người có sức sống, ý chí rất rõ trong số các thí sinh. Lâm biết chăm chút bản thân, chăm chỉ làm nghề, rất chịu khó ra mắt sản phẩm, chỉn chu trong âm nhạc.
Em vẫn đi hát sân khấu, phòng trà để ra sản phẩm này là sự hy sinh rất lớn. Điều này tiếp sức cho những ca sĩ trẻ khác dám mạnh dạn làm nghề. Lâm là người có nhiều phấn đấu nhất trong dàn thí sinh của tôi năm đó. Em chăm chút bản thân, liên tục ra mắt sản phẩm”, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ.
|
Yêu một mình là bộ phim ca nhạc hành động dài 50 phút, xoay quanh tình yêu của một chàng trai nghèo, hiền lành. Anh dành cho bạn gái tình cảm mộc mạc, chân thành và vô cùng hạnh phúc khi đưa cô về quê giới thiệu với cha mẹ. Tuy nhiên, cô gái lại là một “ẩn số” khi luôn né tránh nhắc về gia đình mình. Thì ra, cô là con của một ông trùm.
Trong phim, Mai Trần Lâm vào vai chàng trai nghèo tình cảm. Thủ vai bố chàng trai là NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo), mẹ là NSƯT Thu Hà, còn vai ông trùm do NSƯT Trần Đức thể hiện. Trên nền câu chuyện kịch tính, Mai Trần Lâm thể hiện 3 ca khúc bolero quen thuộc Về quê ngoại, Yêu một mình, Nếu hai đứa mình.
Mai Trần Lâm đã ấp ủ dự án này nhiều năm. Anh gom góp tiền từ việc đi hát, kinh doanh phòng thu, rồi vay mượn người thân.
Mai Trần Lâm là người dân tộc Tày. Anh là nghệ sĩ hát bolero được yêu thích ở phía Nam. Trước đó, Mai Trần Lâm đã trải qua khoảng thời gian khó khăn, làm đủ các công việc chân tay nặng nhọc.
Lâm kể, thời gian đầu vào TP.HCM, anh bê hồ sơ đi hết công ty này đến công ty khác mà không nơi nào nhận. Những nơi tuyển lao động phổ thông thì yêu cầu sức khỏe, trong khi Mai Trần Lâm vóc dáng nhỏ bé, lúc đó chỉ cao 1,6 m, nặng 43 kg, gầy gò, đen nhẻm. Trong lúc chờ xin việc, anh đi làm phụ hồ. Sau 1 tháng “Nam tiến”, anh làm công nhân một công ty gạch men.
Ngày đầu tiên đi làm anh đã phải khóc vì quá sức. Suốt 12 tiếng, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối anh đứng đóng gói gạch, không được nghỉ. Sau công ty gạch men, Mai Trần Lâm tiếp tục làm công nhân ở công ty giày da, gỗ, may mặc… Anh còn nhớ, tháng lương đầu tiên anh nhận được là 490.000 đồng. Sau đó, anh tăng ca, làm thêm, tổng cộng được hơn 1 triệu đồng, anh gửi về nhà 700.000 đồng, chỉ cho phép mình chi tiêu trong khoảng 300.000 đồng.
“Tôi với hai người bạn nữa ở chung phòng trọ 200.000 đồng mỗi tháng. Buổi sáng chỉ dám ăn hết 5.000 đồng là bánh mỳ hoặc xôi, trưa ăn ở công ty, chiều xin tăng ca để vừa có tiền làm thêm vừa được ăn cơm. Hôm nào không tăng ca thì ăn gói mì tôm qua bữa”, Lâm kể.
Mai Trần Lâm thích nghe nhạc từ nhỏ, thích hát nữa, nhưng chỉ dám hát một mình. Một lần, trong đêm nhạc ca sĩ Đan Trường hỏi khán giả ai thuộc bài mời lên hát cùng. Mai Trần Lâm lấy hết dũng khí lên sân khấu song ca cùng thần tượng. Sau khi nhận được cổ vũ của mọi người, Lâm lại tiếp tục nuôi ước mơ được hát.
Sau 7 năm ở TP.HCM, Mai Trần Lâm quyết định thi lại đại học. Anh thi đỗ và theo học lớp âm nhạc của khoa Quản lý văn hóa tại Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, Mai Trần Lâm đã theo học thạc sĩ chuyên ngành văn hóa học tại trường này.