Monday, Sep 21, 08:09 AM

Dẹp 'dịch' tin giả

Trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” chống dịch Covid-19, thi thoảng trên mạng xã hội lại thấy một số đối tượng tung những tin tức sai sự thật, tin bịa tạc gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử ph...

Dẹp 'dịch' tin giả
Dẹp 'dịch' tin giả
dep-39dich39-tin-gia_1.jpg
Một số trường hợp tung tin giả bị cơ quan chức năng mời tới làm việc.

1. Lợi dụng dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm đến nay, số lượng tin giả, tin sai sự thật tăng lên nhanh chóng. Trong 8 tháng đầu năm, chỉ tính riêng Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TTTT) đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận hơn 2.835 trường hợp phản ánh báo tin giả, tin sai sự thật, tổng đài 18008108 đã tiếp nhận gần 4.000 cuộc gọi của người dân hỏi đáp về tin giả; chặn hơn 500 tin, tài khoản lan truyền tin giả, công bố gần 150 tin giả trên trang tingia.gov.vn.

Ở thời điểm này, dường như ai cũng có “công cụ” mạng xã hội trong tay, nên tin giả càng được chia sẻ, phát tán nhanh chóng. Các tin giả về Covid-19 được tạo dựng bằng các hình thức công nghệ thông tin để cắt ghép dưới dạng tin giả (fake news) hoặc tin giả dựng dưới dạng các video, ghép tiếng, ghép hình (deep fake) gây hoang mang dư luận, thậm chí làm suy giảm lòng tin của người dân đối với các cấp chính quyền đang nỗ lực ngày đêm dập dịch.

“Đình đám” nhất trong các loại tin giả, tin hư cấu, tin sai sự thật trong thời gian vừa qua là tin bác sĩ rút ống thở của mẹ đẻ để nhường cho sản phụ song sinh phát tán trong đêm 7/8. Đêm đó, thông tin này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, ngay lập tức Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam kết luận đây là tin giả và hoàn toàn hư cấu. Và một số chủ thể đăng ký và sử dụng tài khoản Facebook chia sẻ tin này sau đó đã bị xử phạt.

Rõ ràng, trong khi tình hình dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành của nước ta có diễn biến phức tạp, thì việc lợi dụng mạng xã hội để phát tán tin giả, tin sai sự thật đã gây ít nhiều hoang mang cho cộng đồng. Có những tin tức bóp méo, làm sai lệch chủ trương, đường lối chống dịch của Đảng, Nhà nước. Những điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, mà còn tạo hoài nghi trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường - Phó trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), sử dụng các thông tin giả nhằm mục đích xấu, gây rối, chống phá, đi ngược quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân là một phương thức không mới của các loại tội phạm. Tuy nhiên, những thông tin giả như vậy sẽ càng trở lên nguy hiểm trong bối cảnh cả nước đang dồn sức chống dịch Covid-19 như hiện nay. Tính từ năm 2020 đến nay, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phối hợp với Công an các địa phương triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng, nộp ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ đồng; chỉ tính riêng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 hiện nay, Cục đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự 1 đối tượng ở TPHCM và tiếp tục theo dõi, nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định pháp luật. Nhiều địa phương đã tăng cường đấu tranh, phát hiện và xử lý các đối tượng có hành vi phát tán tin giả, như Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương…

dep-39dich39-tin-gia_2.jpg
Một số trường hợp tung tin giả bị cơ quan chức năng mời tới làm việc.

2. Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Điều này cho thấy, cộng đồng người sử dụng mạng xã hội ở nước ta là rất đông, và hàng ngày, nguồn tin trên mạng xã hội là rất lớn. Những tin thật, tin chính thống có khi lại ít được quan tâm, trong khi đó, những tin giả, tin sai sự thật lại nhanh chóng đến với người dùng mạng xã hội, dù người đó ở bất cứ nơi nào: thành phố, nông thôn, hay vùng sâu, vùng xa… Bởi các đối tượng chuyên sản xuất tin giả, tin sai sự thật nhằm câu view, câu like, hay có mục đích trục lợi, gây hoang mang, chia rẽ cộng đồng thì luôn tìm cách thiết kế các “kịch bản” sản xuất tin tức khá tinh vi. Vì thế, nếu chủ quan, thiếu cảnh giác, người dùng mạng xã hội sẽ bị những tin giả, tin sai sự thật dẫn dắt, “chinh phục”, thậm chí nhiều người sẵn sàng bấm nút chia sẻ, khiến cho tin giả, tin sai sự thật lại càng lan nhanh hơn.

Thực tế, ngay cả những nghệ sĩ, người nổi tiếng, người làm truyền thông cũng đã “sập bẫy” tin giả. Đơn cử như vụ “bác sĩ Khoa” vừa qua, hai người làm truyền thông đã bị xử phạt. Trước đó, nhiều nghệ sĩ có danh tiếng đã bị cơ quan chức năng mời tới làm việc, yêu cầu đính chính và phải nộp phạt vì hành vi đưa, phát tán tin giả, tin sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội. Điều đó cho thấy, nếu không tỉnh táo, cảnh giác sẽ rất dễ trở thành người sản xuất, phát tán tin giả.

Một chuyên gia truyền thông cho rằng, rất khó để có thể đưa ra bộ cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật một cách hoàn hảo cho mọi đối tượng. Bởi nếu có cuốn sách “100 cách phòng chống tin giả”, thì ngay lập tức các đối tượng có mục đích xấu sẽ tung ra cách thứ 101, 102…

Tin giả cũng là một loại “virus” nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành đang bị dịch bệnh bủa vây và phải thực hiện giãn cách như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn nạn tin giả đang như một thứ dịch, cần phải dẹp! Các đối tượng tung tin giả, tin sai sự thật cần được coi là tội phạm hình sự, bởi mức độ nguy hiểm và phá hoại xã hội của nó.

dep-39dich39-tin-gia_3.jpg
Một số trường hợp tung tin giả bị cơ quan chức năng mời tới làm việc.

Vì tính phức tạp của tin giả, tin sai sự thật, Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường khuyến cáo, khi tiếp nhận thông tin, người dùng mạng xã hội cần xem xét kỹ nội dung thông tin, so sánh, đối chiếu với những nguồn thông tin khác cũng như với sự việc trên thực tế; xem xét độ tin cậy của số liệu, thời gian, địa điểm, sự kiện, phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Người dân cũng cần hình thành thói quen kiểm chứng thông tin, nhất là khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thống, không đáng tin cậy.

Từ phía Bộ TTTT, bà Hoàng Thị Anh Thư - Phó trưởng Phòng Thanh tra, pháp chế (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) tư vấn: “Người dân khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội cần có kiểm chứng từ các trang thông tin điện tử .vn hoặc .gov.vn của cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương và các cơ quan báo chí, trước khi bấm nút “like” hay chia sẻ, lan truyền, phát tán các thông tin này để không vi phạm pháp luật”. 

Chủ động cung cấp thông tin để “chặn” tin giả

Hiện nay việc chống tin giả vẫn đang là chạy theo tin giả, gỡ bỏ tin này sẽ có tin khác xuất hiện. Do đó, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đề nghị bên cạnh việc phối hợp ngăn chặn, cần truyền thông chủ động trên chính mảnh đất màu mỡ đã sinh ra tin giả.

Đó chính là lý do chương trình “Dân hỏi - thành phố trả lời” ra đời. Chúng tôi cung cấp thông tin chính xác, trực tiếp, nhanh đến người dân để bảo đảm người dân có thông tin đầy đủ, kịp thời. Giả sử trong ngày có tin giả nào, ngay đêm đó chúng tôi kịp thông tin lại cho người dân cảnh giác.

Cách truyền thông chủ động này sẽ giải quyết được 3 bài toán. Một là phản bác tin giả ngay trên nơi nó sinh ra, hai là cung cấp trực tiếp cho người dân những thông tin để họ không nghe tin giả, ba là cung cấp được lượng thông tin lớn, giải thích đi giải thích lại chặt chẽ hơn. Đây là ưu thế của livestream so với các cách truyền thông khác.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử (Bộ TTTT) - về chương trình “Dân hỏi - thành phố trả lời” do Sở TTTT TPHCM phối hợp với Bộ TTTT thực hiện.

tr27849-d27849ng
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/dep-dich-tin-gia-5667233.html Copylink