Thursday, Oct 23, 06:10 AM

Di sản và hậu vinh danh

Thời gian qua, việc phát huy giá trị di tích đã đạt được những kết quả tích cực, huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần sớm được xử lý.

Di sản và hậu vinh danh
Di sản và hậu vinh danh
di-san-v224-hau-vinh-danh_1.jpg
Trung tâm đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Thăng trầm sau danh hiệu

Theo số liệu thống kê, di sản văn hóa cả nước hiện có có 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; 3.614 di tích được xếp hạng quốc gia; 128 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, trên 40.000 di tích được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, 468 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đặc biệt, trong số di sản văn hóa của nước ta, UNESCO đã công nhận ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể (13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp); 9 di sản tư liệu (3 di sản tư liệu thế giới; 6 tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương)…

Tuy nhiên, theo TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam thì đầu tư cho nghiên cứu, đào tạo, cho tu bổ di tích, cho bảo quản hiện vật… từ nguồn ngân sách nhà nước đã thấp, nhưng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, dường như chủ yếu được ưu tiên cho những công trình mới. Ông Quân cho rằng không thể phủ nhận những công trình mới, trong đó nhiều công trình đem lại hiệu quả cho xã hội, cho cộng đồng, nhưng để cho những chùa chiền, đền miếu cổ bị hủy hoại, xuống cấp là rất không nên.

“Phải chăng, những di tích được xếp hạng cấp tỉnh và thành phố, di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt cần được chú trọng đầu tư hơn nữa. Việc “tinh hoa hóa di sản” sẽ là yếu tố đảm bảo thực sự cho công cuộc bảo tồn di sản” - ông Quân nói.

di-san-v224-hau-vinh-danh_2.jpg
Cụm di tích Núi Nhồi (tỉnh Thanh Hóa) xuống cấp mà chưa có phương án xử lý. Ảnh: Minh Hải.

Viết tiếp hành trình cho di sản

Có thể nói, việc đầu tư cho di sản vẫn luôn là bài toán loay hoay tìm lời giải. Đơn cử như vấn đề hồi hương cổ vật thì nguồn ngân sách dành cho việc này vẫn rất bị động. Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm có một quỹ hồi hương cổ vật, thông qua ngân sách nhà nước, của mỗi địa phương, của các tập đoàn kinh tế lớn, của cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước, của những người nước ngoài yêu di sản văn hóa Việt Nam.

Một việc khác, trong 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam, được UNESCO ghi danh, đều có những ban quản lý, nhưng ban quản lý ấy khi thì thuộc UBND tỉnh và thành phố, khi thì thuộc UBND cấp huyện, thị xã, khi thì do cấp sở quản lý. Một hệ thống quản lý khác nhau như thế, đương nhiên, những quy định có sự khác nhau là dễ hiểu.

Mà cũng không chỉ có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, những di tích quốc gia đặc biệt cũng đang thiếu một hệ thống quản lý thống nhất.

Theo Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền, nhiều di tích sau khi được chống xuống cấp và tu bổ, tôn tạo đã được chính quyền các cấp cùng với cộng đồng quản lý và phát huy giá trị có hiệu quả, phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, nguồn kinh phí hỗ trợ công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Kinh phí dành cho hoạt động bảo tàng, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể rất hạn chế. Nhiều bảo tàng không được bố trí nguồn kinh phí cho công tác sưu tầm. Hiện vật chủ yếu chỉ được bổ sung qua hình thức phát động hiến tặng hoặc nhận chuyển giao tang vật tịch thu được từ các cơ quan Công an, Hải quan...

Thực tế cho thấy, câu chuyện tôn vinh và phát huy các giá trị di sản văn hóa vẫn còn là một hành trình dài. Đặc biệt việc đầu tư bảo tồn các di tích rất cần nguồn kinh phí nhà nước, ngân sách địa phương, cùng đó cần thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, kinh tế, xã hội của cộng đồng nhân dân địa phương. Việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, đón tiếp khách du lịch tại các di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đón tiếp, thuyết minh đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi và sự thoải mái cho khách du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí.

di-san-v224-hau-vinh-danh_3.jpg

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặc biệt là du lịch đại trà đã và đang tác động tiêu cực tới di sản văn hóa. Do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản mà quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi, đặc biệt là ở những di sản nổi tiếng ở Việt Nam đang có hiện tượng bị khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản… làm cho di sản nhanh xuống cấp, nhạt nhòa giá trị… Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới tính nguyên vẹn của di sản.

Minh Quân
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/di-san-va-hau-vinh-danh-5741674.html Copylink