Wednesday, Feb 22, 03:02 PM

Di tích mở cửa trở lại, người Hà Nội đi lễ với khẩu trang và 5K

Sau thời gian dài tạm đóng cửa để phòng dịch, các di tích trên địa bàn TP Hà Nội đã được mở cửa trở lại, đón khá đông người dân đến tham quan, lễ bái, cầu bình an.

Di tích mở cửa trở lại, người Hà Nội đi lễ với khẩu trang và 5K
Di tích mở cửa trở lại, người Hà Nội đi lễ với khẩu trang và 5K

Tuy lượng khách không đông so với thời điểm này mọi năm nhưng du Xuân trong điều kiện bình thường mới, các quy định phòng chống dịch cần được người dân lưu ý thực hiện nghiêm, tránh lơ là, chủ quan.

Đóng cửa các di tích khi lượng khách đến quá đông

TP Hà Nội cho phép mở cửa các di tích đúng vào ngày Rằm tháng Giêng mang lại sự phấn khởi, hoan hỷ cho người dân Thủ đô.

Chị Hà Hồng Vân (quận Đống Đa) cho biết, đi lễ đầu năm đã trở thành thói quen, nét văn hóa của đông đảo người dân. Trong những ngày Tết, các đền chùa đóng cửa, gia đình chị Vân chỉ đứng khấn vọng ở ngoài.

Được vào các di tích lễ bái, cầu may, chị Vân cho hay: “Tôi rất phấn khởi. Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mọi hoạt động của thành phố đang dần được trở lại trạng thái như trước đây”.

di-t237ch-mo-cua-tro-lai-nguoi-h224-noi-di-le-voi-khau-trang-v224-5k_1.jpg
Nhiều người dân đến Phủ Tây Hồ trong ngày đầu mở cửa.

Được giải tỏa tâm lý là tâm trạng chung của hầu hết người dân. Thế nên, trong hai ngày đầu mở cửa, các di tích đón khá đông người dân đến tham quan, lễ bái.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số điểm di tích như Phủ Tây Hồ, chùa Hà, đền Quán Thánh,… dù lượng khách giảm bằng 1/3, 1/5 so với mọi năm nhưng số người dân thưởng lãm di tích vẫn lên đến hàng trăm, hàng nghìn người.

Tại Phủ Tây Hồ, theo Ban quản lý di tích, ngày Rằm tháng Giêng các năm trước, Phủ Tây Hồ đón trên dưới 15 vạn lượt người đến lễ bái. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng người đến cũng lễ vắng vẻ hơn nhiều.

Tuy lượng khách không đông đúc như mọi năm nhưng Phủ Tây Hồ vẫn thu hút hàng nghìn người dân tới dâng hương, lễ bái cầu bình an, may mắn trong hai ngày đầu mở cửa.

Theo quan sát của phóng viên, người dân có ý thức thực hiện quy tắc phòng chống dịch, xếp hàng theo thứ tự, không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy như trước đây.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Phủ Tây Hồ luôn khuyến cáo người dân khi dâng lễ xong nên đi về luôn, tránh tụ tập đông người trong khuôn viên phủ.

Trên địa bàn quận Ba Đình, theo đánh giá của UBND quận, nhìn chung số lượng người dân đến lễ bái, cầu may tại các di tích trong ngày đầu mở cửa không đông nhưng lực lượng bảo vệ, ban quản lý sẵn sàng ứng trực theo nhiệm vụ.

di-t237ch-mo-cua-tro-lai-nguoi-h224-noi-di-le-voi-khau-trang-v224-5k_2.jpg
Người dân xếp hàng, thực hiện biện pháp phòng chống dịch tại Đền Quán Thánh (quận Ba Đình).

Mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch được quận đặt lên hàng đầu. UBND quận Ba Đình cho biết, quận đã yêu cầu 14 phường chỉ đạo các ban quản lý di tích chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện phòng chống dịch.

Đặc biệt, trưởng ban quản lý di tích có trách nhiệm quyết định việc đóng cửa tạm thời các di tích khi lượng người dân đến tham quan, tín ngưỡng quá đông, ảnh hưởng đến công tác an ninh trật tự, an toàn phòng chống dịch.

Khi tạm đóng cửa di tích phải thông báo, treo biển bảng trước cửa các di tích để người dân biết và đồng thuận với chủ trương của quận, góp phần phòng chống dịch an toàn, hiệu quả.

Tránh lơ là, chủ quan

Hôm nay, 16/2, chùa Hương cũng chính thức mở cửa đón khách thập phương. Trước đó, rất đông người dân đã đổ về chùa Hương để du Xuân dù thời tiết mưa rét, không thuận lợi.

Dự kiến đón hàng vạn du khách dịp đầu năm nên công tác phòng chống dịch được địa phương ưu tiên hàng đầu. Để đảm bảo đón du khách về tham quan an toàn, UBND huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch cụ thể.

Trong đó, địa phương đã lập 8 chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở các lối ra vào khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, 2 trạm y tế lưu động đã được thiết lập ở trạm y tế xã Hương Sơn và các điểm soát vé. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh cũng được chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng.

di-t237ch-mo-cua-tro-lai-nguoi-h224-noi-di-le-voi-khau-trang-v224-5k_3.jpg
Hàng nghìn người dân đến lễ bái, cầu may tại Phủ Tây Hồ.

Đi lễ chùa hay tham gia các lễ hội là nhu cầu thực hành tín ngưỡng không thể thiếu của người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Thế nên không thể tránh khỏi tình trạng hàng nghìn, hàng vạn người dân đổ về các điểm di tích trong dịp này.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, người dân cần lưu ý, thực hiện nghiêm biện pháp 5K, tránh tụ tập đông người, đặc biệt không tiếp xúc với các nhóm người lạ bởi không biết nguy cơ bệnh như thế nào.

Cũng theo PGS. TS Phu, trong phòng kín, phòng lễ khó đạt quy tắc 5K thì người dân nên đeo khẩu trang. Khi đi lễ về, ai có dấu hiệu ho sốt, nghi ngờ tiếp xúc với F0 thì phải xét nghiệm ngay để tránh lây lan bệnh cho người nhà, nhất là những người có bệnh nền, người già, người chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.

PGS.TS Phu nhấn mạnh: “Thời điểm này dù nhiều hoạt động đã mở cửa trở lại nhưng chúng ta chưa thể buông xuôi, thả lỏng. Số ca nhiễm nặng, tử vong vẫn tăng nên người dân không nên chủ quan. Lịch du Xuân còn dài, người dân nên sắp xếp lịch thông thái, đến các di tích vào những khung giờ vắng, hạn chế đi vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và đặc biệt không tiếp xúc với người lạ”.

nguy38443n-ho38443i
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/di-tich-mo-cua-tro-lai-nguoi-ha-noi-di-le-voi-khau-trang-va-5k-5679814.html Copylink