Đồng bằng sông Cửu Long: Những điểm đến ấn tượng
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu đãi đầy đủ các điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước, đồi núi, biển đảo, cộng hưởng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa,… tạo nên một vùng đất đáng nhớ...
Nhiều loại hình du lịch hút khách
Do đặc thù địa hình sông nước, thời gian qua vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện ngày càng nhiều loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với sông nước miệt vườn, gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt, hệ sinh thái biển đảo hoặc loại hình du lịch văn hóa tâm linh, di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, làng nghề, tập quán canh tác sản xuất nông nghiệp, cách chế biến những đặc sản các địa phương trong vùng…
Những năm gần đây, Cà Mau đang tập trung khai thác nhiều tour tuyến du lịch khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn như Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ gắn với các nghề chế biến đặc sản, làng nghề truyền thống, lễ hội gắn với lịch sử của vùng đất nơi cuối trời tổ quốc. Nhiều sản phẩm du lịch thuộc các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã xuất hiện làm nên nét riêng cho du lịch vùng Đất Mũi, mang lại những trải nghiệm nhiều cảm xúc.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Cà Mau cho biết, hiện Cà Mau đang khai thác và phát triển 3 tuyến du lịch chính gồm: TP Cà Mau - Khu du lịch Mũi Cà Mau; TP Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc và TP Cà Mau - Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm. Trong đó, tuyến du lịch TP Cà Mau - Khu Du lịch Mũi Cà Mau thời gian qua được tập trung khai thác và là tuyến trọng điểm của tỉnh, từ đó quảng bá và phát triển các tour, tuyến khác.
Đi ngược về phía Tây Nam, một số địa phương như An Giang, Đồng Tháp cũng đã và đang phát huy các điểm du lịch hiện có và tạo ra các tour du lịch thu hút du khách. Ngành chức năng tỉnh An Giang cho biết, các khu du lịch quốc gia núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư; cụm hồ Tri Tôn, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng… thời gian qua lượng du khách đổ về ngày một nhiều. Đặc biệt du lịch tâm linh với miếu Bà Chúa Xứ núi Sam trong quần thể Khu du lịch quốc gia núi Sam thuộc TP Châu Ðốc là một trong những điểm thu hút đông đảo du khách.
Trong những điểm du lịch ấn tượng ở miền Tây, Vườn quốc gia Tràm Chim - Khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới ở (huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp) là một nơi đáng đến. Được ngồi trên chiếc vỏ lãi len lỏi qua các rặng rừng tràm rợp bóng cây và vang tiếng chim hót sẽ cho chúng ta cảm giác thư thái.
Đặc biệt thời gian qua, du khách về Đồng Tháp vào thời điểm tháng 11 đến tháng 2 hàng năm sẽ hiếu kỳ khi được mời về ngắm loài hoa mang tên Hoàng Đầu Ấn.
Khác với những địa phương khác Kiên Giang lại được thiên nhiên ưu đãi với địa hình vừa có núi vừa có biển, chính vì vậy Kiên Giang đang tập trung khai các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tại các vùng biển đảo thuộc phía Tây Nam đất nước. Nhiều hòn đảo lớn, nhỏ ở TP Phú Quốc, quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải) hay quần đảo Hải Tặc (TP Hà Tiên)… không khí trong lành, biển xanh, cát trắng và cả những khu rừng nguyên sinh, những di tích lịch sử - văn hóa của địa phương ở phía Tây Nam đất nước đã trở thành những điểm đến có sức hút đặc biệt với du khách, nhất là du khách quốc tế.
Liên kết các địa phương
Thời gian qua các địa phương đã trợ lực và chung tay với các doanh nghiệp làm du lịch, đồng thời tổ chức các buổi xúc tiến, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương với nhau, tạo ra các tour tuyến giữa các tỉnh trong vùng để phục vụ du khách tốt nhất.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở du lịch duy trì hoạt động thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thành phố triển khai Cổng thông tin và ứng dụng di động du lịch thông minh, tích hợp các tính năng mới, hiện đại như: bản đồ du lịch ảo 3D, giới thiệu các điểm du lịch tiêu biểu Cần Thơ bằng công nghệ mới, tính năng trả lời tự động… nhằm tăng sự tương tác, trải nghiệm của du khách, hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Để kích thích ngành du lịch cả vùng nói riêng, cả nước nói chung, cuối tháng 2/2022 vừa qua, tại Cần Thơ, 13 Sở VHTT&DL của vùng đã cùng ngồi lại với nhau bàn kế hoạch “Phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới”. Tại đây đại diện 13 Sở VHTT&DL đã ký kết thực hiện liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch với nhiều nội dung. Trong đó có liên kết, hợp tác thông tin qua lại thường xuyên với nhau về tình hình phát triển du lịch; các tỉnh, thành trong vùng sẽ lựa chọn sản phẩm du lịch đặc thù giới thiệu nhằm đưa vào chương trình hợp tác; phối hợp thực hiện các hoạt động xúc tiến điểm đến với các thị trường mục tiêu đã được lựa chọn; thường xuyên liên kết, hợp tác quảng bá, xúc tiến tại các sự kiện trong nước và quốc tế; phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Để du khách có nhiều lựa chọn các sản phẩm du lịch và ấn tượng với những sản phẩm của vùng, ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đề nghị các địa phương cần chú trọng phát triển sản phẩm du lịch mới và làm mới các sản phẩm đã có phù hợp với nhu cầu của khách. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương tạo sự khác biệt, từ đó hình thành mạng lưới sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú để hỗ trợ cho nhau…