Đưa du lịch lên 'chuyến tàu' công nghệ
Trong lộ trình phục hồi ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19 nói riêng và tìm hướng phát triển cho ngành công nghiệp không khói nói chung, việc chuyển đổi số đang như những “chuyến tàu” dẫn lối. Nhưng để những hành trình đi đến cái đích thành công, ...
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảng thời gian “đóng băng” này đã buộc các doanh nghiệp du lịch chuyển hướng áp dụng công nghệ như một cách để tự cứu lấy mình.
Những thay đổi đáng ghi nhận
Đáng chú ý, Tổng cục Du lịch đã xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong đó có thể kể đến dự án “Google Arts & Culuture - Kỳ quan Việt Nam” đánh dấu lần đầu tiên du lịch Việt Nam xuất hiện trên nền tảng trực tuyến nổi tiếng này, nơi đặt các bộ sưu tập của trên 2.000 bảo tàng trên thế giới.
Cùng đó, chương trình truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam trên nền tảng YouTube do Trung tâm Thông tin du lịch thực hiện có tên “Việt Nam: Đi Để Yêu!” đã thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng. Còn “Trang vàng du lịch Việt Nam” kết nối người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ uy tín trong lĩnh vực du lịch; Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; Hệ thống vé điện tử cho phép người dùng tìm kiếm và đặt vé các chương trình văn hóa nghệ thuật, vé tham quan du lịch, vé dịch vụ vận chuyển… cũng là những thay đổi được ghi nhận.
Với các địa phương là hàng loạt các trang web, ứng dụng giới thiệu, quảng bá các điểm đến đã và đang tạo ra những rất nhiều tiện ích cho du khách khi lựa chọn các tour du lịch. Có thể kể đến như Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism; Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo; Hà Nội với cổng thông tin “Hoàn Kiếm 360 độ”; TP Hồ Chí Minh với “HCM Travel Guide”...
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, thời gian qua với sự hỗ trợ của các đơn vị, di tích đã phát triển được hệ thống bán vé điện tử.
Theo đó, khách mua trực tuyến, thấy lợi sẽ tham gia mà các đơn vị cũng bán được sản phẩm theo hình thức chuỗi vì chắc chắn đã đến một điểm trong chương trình sẽ đi các điểm còn lại.
“Dù mới là ý tưởng đề xuất nhưng đây là xu thế mà các đơn vị có thể sớm triển khai vì loại hình mua combo rất phổ biến trên sàn thương mại điện tử hiện nay” - ông Kiêu bày tỏ.
Thách thức trên sân nhà
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng thực tế cho thấy thì hiệu quả từ hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khởi động, tiềm năng.
Theo ông Vũ Thế Bình- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được một số đơn vị du lịch triển khai khi ngành du lịch hội nhập quốc tế. Nhất là những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn để phục vụ công tác quản lý của họ. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu “mạnh ai nấy làm” và chưa có sự thống nhất.
Còn dưới góc nhìn của một đơn vị, Chủ tịch Công ty GOTADI Ngô Minh Đức cho rằng, đầu tư vào nền tảng công nghệ du lịch phục vụ cho chuyển đổi số phải đầu tư từ hạ tầng đến con người. Chính nguyên nhân này dẫn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin của du lịch Việt Nam đang ở mức thấp so với thế giới. Đơn cử như vé điện tử trên thế giới đã có từ gần 20 năm nay nhưng tại Việt Nam ứng dụng này mới được triển khai.
Ông Đức cũng thừa nhận, hiện nay chúng ta đang thua ngay trên sân nhà. Ngay như việc đặt phòng qua trang OTA nước ngoài thì chủ khách sạn trả 30% hoa hồng. Thậm chí tại những giai đoạn cao điểm các đơn vị phải chi tới 38% cho trang đặt phòng nước ngoài…
Để khắc phục, ngành du lịch phải liên kết, chuyển đổi số cùng nhau thì chúng ta mới có thể hình thành, phát triển được hệ sinh thái của người Việt. “Một trong những điều tiên quyết là chúng ta phải làm chủ được công nghệ, từ đó ngành du lịch mới có thể phát triển được, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh được” ông Đức nói.
Có thể nói, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam đang như “chuyến tàu” mới rời ga và đang đi tìm đích đến. Tuy nhiên, chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Riêng đối với ngành du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.
Hy vọng “đoàn tàu” du lịch với sự đồng hành của các nền tảng công nghệ sẽ về đích và hái được nhiều “quả ngọt”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Phát huy sự chủ động, sáng tạo
Đáp ứng chuyển đổi số, ngành du lịch cần nâng cao việc liên kết hợp tác, hướng tới xây dựng nền tảng của cơ quan nhà nước và thúc đẩy sự tham gia tích cực chủ động và sáng tạo của doanh nghiệp, điểm đến.
Ngành du lịch cần tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số; nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cấp chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xã hội về chuyển đổi số trong du lịch; hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh.
Cùng với đó là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số.
Hiện tại, Tổng cục Du lịch đang thí điểm việc áp dụng công nghệ trong ngành du lịch tại hai địa phương là Hà Giang và Thanh Hóa. Trong tương lai gần, Tổng cục sẽ tiến hành ở 20 tỉnh, bước đầu là mỗi điểm một tỉnh, sau đó sẽ nhân rộng ra.
Chủ tịch hội đồng quản trị lux group Phạm Hà: Cần đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ trong du lịch
Không phải đến thời điểm này chuyển đổi số mới được người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cung cấp dịch vụ du lịch quan tâm.
Nhờ ứng dụng công nghệ, nhiều đơn vị lữ hành, du lịch đã có dòng tiền nhanh hơn, biết ngay là khách thích gì, đi xe gì, yêu thích nhãn hiệu gì, muốn gì… Tất cả đều nhờ công nghệ thực tế ảo, có quan hệ với khu vực khách đến, biết được khách tìm kiếm gì nhất.
Việc ứng dụng công nghệ kết hợp với việc điều tra, nghiên cứu thị trường thực tế tạo được các data, big data về dữ liệu khách du lịch, tâm lý của khách, các hãng lữ hành... giúp cho việc quản lý, quản trị, kinh doanh tốt hơn.
Khi có đủ dữ liệu có thể phân tích chính xác các thị trường. Ví dụ khách châu Âu thích tìm hiểu gì, thích ở đâu, thích ăn món nào nhất? Khách châu Á thích mua gì, thích chơi ở đâu, đến vùng khí hậu như thế nào...
Từ dữ liệu đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ định hướng, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn.