Tuesday, Feb 22, 06:02 AM

Giữ gìn văn hóa bản sắc Việt

“Việc tôi làm là tiệm cận đến quá khứ. Văn hóa thời Lý rất quan trọng, vì đó là thời kỳ đỉnh cao, thời vàng son một đi không trở lại, tinh mỹ, đẹp đến từng chi tiết. Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã mơ đến phục dựng và bảo tồn lại văn hóa thời Lý ...

Giữ gìn văn hóa bản sắc Việt
Giữ gìn văn hóa bản sắc Việt
giu-g236n-van-h243a-ban-sac-viet_1.jpg
Bản phỏng dựng VR3D tháp Một Cột chùa Diên Hựu. Nguồn: Sen Herrtage.

Văn hóa di sản là nền tảng của văn hóa Việt Nam

Năm 2018, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng tham gia việc trùng tu hệ thống tượng Phật chùa Bút Tháp, do Công ty Mỹ thuật Trung ương đảm nhận. Ông chia sẻ: “Đây là một việc lớn và quan trọng trong bảo tồn di sản, qua đó cũng rút ra rất nhiều kinh nghiệm về bảo tồn và bảo lưu các kỹ thuật truyền thống”.

Về công tác nghiên cứu bảo tồn văn hóa văn minh vật chất Việt, ông Thượng suy nghĩ: “Hiện thì trong nước có cơ quan bảo tồn di tích và một công ty chuyên đảm nhận việc trùng tu, tuy nhiên người làm trùng tu trực tiếp vẫn thuê từ các thợ làng nghề. Về tay nghề thì họ giỏi, nhưng không hoàn toàn phù hợp với việc trùng tu, mà cần đào tạo lại. Việc đào tạo, chúng tôi đã nói nhiều lần, nhưng không ai nghe, thậm chí chúng tôi sẵn sàng giảng dạy miễn phí. Với người thợ, họ nói thẳng vlà không có khái niệm trùng tu, chỉ có làm mới. Hơn nữa, trùng tu di sản, thực chất là cần rất nhiều nghệ sỹ và nhà nghiên cứu nghệ thuật. Vì có nhiều di sản ở tầm cỡ chỉ có nghệ sỹ tương đương mới làm được.

Có rất nhiều vấn đề trong việc này. Cách thức, tiêu chí, quan niệm, mà chúng tôi có thể nói trong các nghiên cứu chi tiết. Về chiến lược thì phải coi văn hóa di sản là nền tảng của văn hóa Việt Nam, trên cơ sở đó mới xây dựng nhà và nóc. Hiện thì ngay cái nhà, cái nóc cũng ít tính văn hóa, mà người ta chú trọng đến làm ăn, kinh tế, lợi ích nhiều hơn. Văn hóa phải là động lực chủ yếu của phát triển, và chính nó cũng là những ngành kinh doanh sạch (như bóng đá và bảo tàng phương Tây…)”.

giu-g236n-van-h243a-ban-sac-viet_2.jpg
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.

Khát vọng tái lập Văn minh Đại Việt

PGS.TS Trần Trọng Dương (sinh năm 1980 tại Hà Nội) là nhà nghiên cứu Hán Nôm, cổ sử và các biểu tượng văn hóa cổ. Hiện ông đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và là sáng lập viên của nhóm Sen Heritage - nghiên cứu ứng dụng di sản vào đời sống với những hoạt động. “Tái lập Văn minh Đại Việt” là slogan và cũng là mục đích nghiên cứu của Trần Trọng Dương và Sen Heritage.

Từ các dữ liệu khảo cổ và bi ký, sau mười năm nghiên cứu tìm tòi, thử nghiệm, ông cùng Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng (CEO Hội quán Di sản), Kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn (CEO VNi, Holomia) và các anh em trong Sen Heritage, đã phỏng dựng được chùa Một Cột - Diên Hựu theo phong cách vàng son của kiến trúc chùa thời Lý. Đây là số hóa một giả thuyết đồng thời cũng là “số hóa di sản” bằng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).

Khi đọc các loại hình văn bản Hán Nôm, ông thấy tư liệu cổ không chỉ có văn chương, mà còn phản ánh tất cả mọi phương diện của lịch sử văn hóa Việt Nam thời cổ: Từ thiên văn, địa lý, lịch sử, triết học cho đến y dược học, giao thông vận tải, văn hóa, kiến trúc...

“Từ các biểu tượng tôn giáo, tôi cũng từ văn bản mà đi nghiên cứu giải mã. Như chùa Một Cột khi còn học tại trường, đọc tài liệu là Linga và Yoni nhưng sau khi tìm hiểu thì rốt cuộc không phải thế. Chùa Một Cột xây dựng là mô hình tiểu vũ trụ của Phật giáo, và gọi là mạn đồ la (tiểu thế giới). Khi được trùng tu vào năm 1105, tháp Một Cột của chùa Diên Hựu được đặt ở trung tâm tự viện, giữa hai vòng ao, năm cây cầu, hai vòng hành lang giải vũ, và nhiều tháp gốm. Chùa trước đây thờ Phật Thích Ca, còn sau này là thờ Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Đó là một đồ hình mạn đồ la tiêu biểu của Phật giáo Đại Việt”, ông cho biết.

giu-g236n-van-h243a-ban-sac-viet_3.jpg
PGS.TS Trần Trọng Dương.

Ông Dương kể, dù không chuyên về khảo cổ và lịch sử nhưng ông thích và tự bỏ tiền ra làm. Trên con đường tìm về quá khứ ấy, ông được KTS Đinh Anh Tuấn, NTK Trần Thanh Tùng và các anh em trong Sen giúp đỡ, để biến một giả thuyết khoa học trở thành một sản phẩm ứng dụng. Về mặt khoa học, ông cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, phục dựng: “Nếu nghiên cứu chùa chiền từ thế kỷ 17 đến nay còn dễ dàng hơn, chứ chùa thời Lý sau 1.000 năm không còn gì ngoài hàng nghìn mảnh vụn và các nền móng đã chôn vùi dưới lòng đất. Để phục dựng lại kiến trúc một cột thời Lý theo phong cách Lý, mĩ thuật Lý, kiến trúc Lý, chúng tôi đã dựa vào cột đá Chùa Dạm (một phế tích tháp Một Cột thời Lý duy nhất hiện còn). Từ sáu lỗ ngàm trên cột đó, chúng tôi mới dựng lên kết cấu một lầu hoa sen sáu cạnh một cột (như Việt sử lược ghi), và sử dụng các tư liệu liệu khảo cổ học, để tái lập tháp Một Cột theo phong cách hoàng gia thời Lý”.

Còn về kinh tế 10 năm qua, mấy chục anh em vừa kiếm ăn mưu sinh vừa dành thời gian công sức làm những việc như trên nên luôn phải “thắt lưng buộc bụng”.

Từ ý tưởng nghiên cứu, khi vẽ bằng bút bi trên giấy cho đến bây giờ, Trần Trọng Dương và nhóm đã thực hiện được một số sản phẩm văn hóa, từ bản phỏng dựng chùa Diên Hựu, cho đến việc phục dựng Tu Di đài và Tu Di đăng thời Lý... Ông cho biết, dù là phỏng dựng, nhưng các kiến trúc sư đã phải xây thật, tỉ mỉ ở từng viên gạch, từng bộ đấu củng, kỹ đến từng chi tiết, tức là xây như thật trong một không gian ảo, mọi người có thể đi xuyên không, “dạo” đi bộ trên đó bằng kính VR3D. Với ông đó là cả quá trình hiện thực hóa giấc mơ:

“Việc tôi làm là tiệm cận đến quá khứ. Văn hóa thời Lý rất quan trọng, vì đó là thời kỳ đỉnh cao, thời vàng son một đi không trở lại, tinh mỹ, đẹp đến từng chi tiết. Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã mơ đến phục dựng và bảo tồn lại văn hóa thời Lý chứ không phải là một mình cá nhân tôi”, ông Dương nói.

vi38086t-qu38086nh
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/giu-gin-van-hoa-ban-sac-viet-5679192.html Copylink