Saturday, Dec 21, 03:12 PM

GS.NSND Thái Ly – Cánh chim đầu đàn của nghệ thuật múa Việt Nam

Nhân kỷ niệm 91 năm ngày sinh và tưởng niệm 30 năm ngày mất của GS.NSND Thái Ly, ngày 25/12, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “GS.NSND Thái Ly – Cuộc đời và sự nghiệp” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

GS.NSND Thái Ly – Cánh chim đầu đàn của nghệ thuật múa Việt Nam
GS.NSND Thái Ly – Cánh chim đầu đàn của nghệ thuật múa Việt Nam

Tại Hội thảo, với trên 30 tham luận của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu khoa học đã làm sáng tỏ vị trí đứng đầu, khai mở ngành múa Việt Nam của GS.NSND Thái Ly. Trong đó rất nhiều đại biểu là đồng nghiệp nghiệp, học trò của ông đã chia sẻ những kỷ niệm đáng quý. Đây là những kỷ niệm vô giá mà thông qua đó như thấy được chân dung một con người đời thường, mảnh mai nhưng vóc dáng vĩ đại luôn có quan niệm sống thật trong sáng, thẳng thắn, tận tâm, tận lực với nghề, giúp đỡ đồng nghiệp, nâng đỡ lớp trẻ một cách vô tư hết lòng.

gsnsnd-th225i-ly-c225nh-chim-dau-d224n-cua-nghe-thuat-m250a-viet-nam_1.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Bên cạnh đó, tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng nhắc tới tính đậm đà, không hề pha trộn, luôn rõ ràng trong từng tác phẩm của NSND Thái Ly. Với hàng trăm tác phẩm nhưng mỗi tác phẩm của ông đều xứng danh tuyệt phẩm của nghề múa, phản ánh sinh động, khái quát hiện thực đời sống và có giá trị nâng đỡ tâm hồn người xem khi luôn hướng tới tương lai tốt đẹp.

Trong đó có thể kể đến những tác phẩm kinh điển của ông cho nền nghệ thuật múa Việt Nam như Cánh chim và ánh sáng mặt trời, Bà mẹ miền Nam, Ka tu, Bả khó, Mâm vàng Cửu Long, Chúc thọ Bác Hồ…

Đây là những tác phẩm múa mà ngay cả người ngoài ngành múa cũng ghi nhận là những tác phẩm nổi tiếng với giá trị nội dung cũng như hình thức biểu diễn nghệ thuật. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu khẳng định, những tác phẩm đó của NSND Thái Ly đã tiếp cận tới những giá trị trường tồn khi đạt tới tầm triết học, tâm lý học, dân tộc học, văn hóa học.

gsnsnd-th225i-ly-c225nh-chim-dau-d224n-cua-nghe-thuat-m250a-viet-nam_2.jpg
Tiết mục múa Cánh chim và ánh sáng mặt trời do NSND Thái Ly làm biên đạo.

Phát biểu tại Hội thảo, NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam bày tỏ, GS.NSND Thái Ly là một người Việt Nam chân chính, là một nghệ sĩ, một chiến sĩ cách mạng. Ông sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào do đoàn thể yêu cầu, xứng danh nghệ sĩ – chiến sĩ đích thực. NSND Thái Ly đã lăn lộn hàng trăm ngày đêm, đi hàng nghìn cây số trên chiến trường miền Nam ngay trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại để vừa sáng tác phục vụ chiến đấu, vừa mở lớp đào tạo diễn viên, biên đạo để kịp phục vụ đồng bào, chiến sĩ nơi tuyến đầu.

Cuộc đời và sự nghiệp của GS.NSND Thái Ly là một tấm gương sáng ngời cho các nghệ sĩ, biên đạo múa hôm nay học tập phấn đấu nói theo. NSND Phạm Anh Phương cũng nhấn mạnh, ông đã để lại cho nghệ thuật Múa Việt Nam về giá trị giáo dục tư tưởng và nhân cách cho con người Việt Nam vì lý tưởng cách mạng, lòng nhân ái và khát vọng hòa bình; Về giá trị hiện thực cuộc sống, tâm hồn Việt Nam được thẩm thấu và truyền tải thông điệp của mỗi tác phẩm; Về sự nâng cao và tôn vinh giá trị thẩm mỹ nghệ thuật, vẻ đẹp vốn có được ẩn chứa trong ngôn từ nghệ thuật múa; Về giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tính tiên tiến và hơi thở của thời đại.

gsnsnd-th225i-ly-c225nh-chim-dau-d224n-cua-nghe-thuat-m250a-viet-nam_3.jpg
Lễ đặt tên đường Thái Ly tại TP. Hồ Chí Minh

GS.NSND Thái Ly tên thật là Nguyễn Đình Thái, sinh ngày 6/7/1930 tại Hải Dương trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Những năm 1950, khi đang làm việc ở Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc, ông được cử sang du học ở Trung Quốc. Sau 5 năm học tại Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh, ông tốt nghiệp xuất sắc khoa biên đạo múa với tác phẩm đầu tay Phá xiềng. Khi về nước, ông là một trong những người đầu tiên xây dựng nên Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) và giữ cương vị Phó Hiệu trưởng.

Ông đã giảng dạy cho nhiều nghệ sĩ mà sau này nhiều người đã trở nên nổi tiếng như NSND Chu Thuý Quỳnh, NSƯT Thành Lộc. Trong thời gian này, ngoài cương vị quản lý và giảng dạy, ông đã dàn dựng nhiều tác phẩm múa, kịch múa lớn gây nhiều tiếng vang trong ngành.

gsnsnd-th225i-ly-c225nh-chim-dau-d224n-cua-nghe-thuat-m250a-viet-nam_4.jpg
GS.NSND Thái Ly.

Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ông giữ vai trò chỉ đạo Đoàn Ca múa Giải phóng. Ông cũng đi vào chiến trường miền Nam, trở thành Phó vụ Trưởng Vụ Văn nghệ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, ông lại là một trong những người đầu tiên góp công thành lập Trường Múa TP Hồ Chí Minh, rồi tiếp tục tham gia vào các lĩnh vực sáng tác, huấn luyện, lý luận, biểu diễn và quản lý. Tháng 6/1992, GS.NSND Thái Ly đột ngột từ trần tại Huế, hưởng thọ 62 tuổi.

Với những cống hiện cho nghệ thuật Múa, ông  được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (đợt 1 - 1984) và NSND Thái Ly cũng là nghệ sĩ đầu tiên của ngành múa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1 - 1996) với các tác phẩm Bả Khó, Bà mẹ Miền Nam, Bài ca hi vọng, Katu, Cánh chim và ánh mặt trời. Tháng 4/2021, kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông, TP Hồ Chí Minh đặt tên ông cho một đường phố tại TP Thủ Đức.

ho36745ng-minh
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/gsnsnd-thai-ly--canh-chim-dau-dan-cua-nghe-thuat-mua-viet-nam-5676291.html Copylink