Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam: Nhẩn nha đường làng ngõ xóm
Nghề nào thì học xong ra trường cũng chỉ là nhận kiến thức nền, còn thành nghề hay không phải qua một quá trình vận động tiếp. Quá trình vận động để đi vào nghề, chọn được đường đi, nhanh nhất cũng tròm trèm 10 năm đối với nghề sáng tạo như mỹ thu...
Mười năm để khẳng định mình làm gì sau khi cầm bằng vẽ: có thể là sẽ đứng trên bục giảng, có thể là làm phục chế, bảo quản kho tranh Bảo tàng hoặc vẽ quảng cáo. Có thể sẽ là người phê bình giới thiệu nghệ thuật, làm nội thất ngoại thất. Có người học Yết Kiêu ra làm cái không có trong giáo án nhà trường: Thiết kế vườn hoa cây cảnh! Còn hay nhất là trở thành họa sĩ sáng tác.
Mỹ thuật chỉ một nhánh cũng xẻ nhiều hướng. Đơn cử, chỉ một hội họa mà có đến mấy chất liệu: màu nước, màu bột, sơn dầu, sơn mài lụa, đó là chưa kể cái gọi là chất liệu tống hợp! Chỉ một đồ họa mà có litho garaphic, litho giấy, in đắp nổi, in lõm, kẽm axit (nóng), kẽm nguội, khắc đồng, in lưới… đó là chưa kể đến loại in độc bản…
Các “trò chơi” sẽ hình thành trên từng chất liệu. Năm 2011 sang Tây Ban Nha tôi gặp một tác giả làm bức đồ họa 3 phần: Phần in kẽm, phần in lưới, và phần khắc gỗ. Trên một bức tranh có đến ba chất liệu tham gia thể hiện. Cùng là in cả, nhưng mỗi cách in có hiệu ứng khác nhau, phúc tạp vô cùng.
Một chuyên ngành phong phú thế nhưng cũng có người chẳng đi được vào nhánh nào, bỏ hẳn đi làm nghề khác cho an phận. Rơi rụng sau học nghề không phải ít. Tất cả những chuyện trên là bình thường vì đến và ở lại với mỹ thuật còn là cái duyên. Nghề nó chọn người chứ không phải người chọn nghề như ai đó lầm tưởng! Ngay cả trong sáng tác, người học đồ họa có khi thành họa sĩ vẽ sơn dầu, học điêu khắc là sinh viên suất sắc vậy mà khi ra trường lại thành họa sĩ vẽ lụa, vẽ dó và làm sơn mài chứ không làm tượng nữa.
Bộ tranh 75 bức ông định bày triển lãm, vẽ màu bột trên dó chuyên về nông thôn. Ông khoe đã trộn màu bột cùng điệp muối cho màu thêm trong sáng, thêm long lanh. Ông là người lần mò đi tìm ánh sáng trên tranh, trong khi nhiều họa sĩ dìm tranh vào bóng tối thâm trầm trĩu nặng. Tìm ánh sáng cho tranh là một việc khó. Đó là sự hài hòa giữa cảm xúc và sự cho phép của chất liệu, tương quan phải tốt thì màu mới phát sáng! Đó là sự ứng xử tinh tế của họa sĩ với chất liệu: Phải hiểu, phải khoan dung chia sẻ cảm xúc với chất liệu.
Riêng sinh viên trường Yết Kiêu (nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội) ra trường thường hay bị áp lực sáng tác. Họa sĩ là phải có tác phẩm. Hãy nhìn các tiền bối ngời ngời sáng danh, lũ hậu sinh coi chừng…
Phạm Viết Hồng Lam thụ giáo trường Yết Kiêu vào những năm cuối cùng của chiến tranh hai miền, giáp ngày thống nhất. Ông là con giai trưởng họa sĩ Phạm Viết Song. Cụ Song lại là người thầy khai tâm cho nhiều người trước khi bước vào cánh cửa Trường Đại học Mỹ thuật. Vậy là ông có cái may là con một họa sĩ danh tiếng. Từ nhỏ sống trong môi trường nghệ thuật giữa Thủ đô. Ra trường ông chọn bục giảng, và chăm chú ngay vào sáng tác. Con một họa sĩ chuyên nghiệp nên ông bắt vào nghiệp nhanh hơn người khác.
Năm 1986, Phạm Viết Hồng Lam ra mắt triển lãm đầu tay sau 6 năm ra trường. Triển lãm ấy của ông chủ yếu là tranh màu bột. Cũng là chuyện thường, vì hồi đó lấy đâu ra các chất liệu khác qúy hơn.
Đấy là một trong số những triển lãm cá nhân hiếm hoi đầu tiên của giới. Trước đó chủ yếu triển lãm chung hoặc nhóm hoặc tác giả có tên tuổi, chứ không phải lớp trẻ. Cái khe cửa hẹp cá nhân ấy Hồng Lam lách qua được cũng là do sau ra trường ông làm việc miệt mài và có một lượng tranh lớn đủ để bày. Hơn nữa lại là triển lãm trở về đồng quê của một họa sĩ sinh ra là lớn lên giữa Thủ đô, một đề tài cũng dễ được khuyến khích.
Trước đó, Phạm Viết Hồng Lam chỉ biết nông thôn qua đi sơ tán và mấy năm làm lính chiến, đóng quân kéo hết nơi này đến nơi khác. Cho nên ở đây trở lại chữ “duyên” trong nghề, ông thực sự có duyên với đồng quê nên quen mùi bén tiếng nhanh. Tranh ông vẽ trong nhà là cây đèn dầu hoa kỳ, ống điếu thuốc lào. Ra khỏi nhà là đường làng lát gạch, là cổng nhà, cổng làng, là mái ngói, trụ mái, là dàn mướp, dàn bầu bí.
Những thôn nữ, em bé đồng quê trong tranh chỉ là tâm điểm của cảm xúc làng chứ không phải vẽ gái đẹp, trẻ con ngoan. Hỏi chuyện ông chỉ cười, tất cả tự nhiên nó đến, nó quấn quýt với mình gỡ không ra chứ cố vẽ cũng chẳng ra! Ông nói đúng, vì cùng nghề tôi thấm điều đó, thấy điều đó là thực, là cái duyên thầm đánh thức hồn nghệ sĩ. Chỉ là vậy thôi.
Tôi còn nhớ hồi ấy có cậu bé Triệu Khắc Tiến, con họa sĩ Triệu Khắc Lễ hay tham gia hoạt động vẽ tranh trong các cuộc vận động xã hội. Tiến vẽ nhiều và có dư âm, rồi có người xem tranh thì thào rằng Hồng Lam đã bắt chước từ tranh của cháu Tiến. Tôi đã xem tranh Triệu Khắc Tiến, có thể Lam cũng yêu thích như tôi, nếu bắt chước thì giỏi lắm vài ba bức có được tí vỏ nguyềnh ngoàng chứ mãi sao được? Còn cái lõi hồn cốt thì lấy đâu ra nếu không tìm hiểu kĩ đồng quê và yêu quý đồng quê để thành tranh. Cả lại cách cảm của trẻ con người lớn cũng khác nhau trời vực, chú đâu cóp nhặt dễ thế?!
Xem Hồng Lam thì thấy ông khẳng định mình bằng đi suốt với đồng quê trên chặng đường sáng tác.
Mấy chục năm, với mấy triển lãm, ghi danh ông vào giới họa sĩ sáng tác. Nhưng, sức khỏe không tốt, với người khác thì buông gươm bỏ súng lâu rồi. Nhưng người lính trận Hồng Lam thì còn yêu còn làm việc kể cả khi về hưu. Ông không buông bỏ, mà lần mò thử sức từ tranh giấy sang sơn dầu, rồi mấy năm kì cọ sơn mài, và giờ đây quay lại giấy dó. Dó cũng chỉ là một chất liệu ông yêu thích.
Còn đối tượng sáng tác, có lúc tạm để đồng quê sang bên, bỏ mấy năm vẽ cả loạt chân dung họa sĩ mà ông quan tâm, rồi bày một triển lãm chơi. Chân dung ông vẽ bằng màu bột khổ lớn. Những nhân vật ông đều thể hiện theo lối nghĩ của mình. Ông cứ mày mò cho thích chứ chẳng quan ngại về đúng sai dài ngắn. Có lúc ông thể nghiệm cắt dán giấy, kết hợp vẽ với điệp về muôn mặt cuộc sống, kể cả đời sống sân khấu.
Bộ tranh 75 bức ông định bày triển lãm, vẽ màu bột trên dó chuyên về nông thôn. Ông khoe đã trộn màu bột cùng điệp muối cho màu thêm trong sáng, thêm long lanh. Ông là người lần mò đi tìm ánh sáng trên tranh, trong khi nhiều họa sĩ dìm tranh vào bóng tối thâm trầm trĩu nặng.
Tìm ánh sáng cho tranh là một việc khó. Đó là sự hài hòa giữa cảm xúc và sự cho phép của chất liệu, tương quan phải tốt thì màu mới phát sáng! Đó là sự ứng xử tinh tế của họa sĩ với chất liệu: Phải hiểu, phải khoan dung chia sẻ cảm xúc với chất liệu. Trong chừng mực nào đó, chất liệu càng không thể là con tin hay thân phận tôi đòi của họa sĩ. Điều này không phải suy nghĩ sến sẩm, mà là có thực trong cuộc sống sáng tác, là khía cạnh không thể ẩu của người nghệ sĩ khi làm việc với chất liệu.
Phạm Viết Hồng Lam hôm nay đang nhẩn nha đường làng ngõ xóm, được làm cái việc ông thích ông yêu. Ông đang chuyên tâm cho một triển lãm màu bột, điệp trên dó. Ông đã thử từ lâu, nhưng lần này thì tập trung hẳn cho việc tâm đắc này. Bảy mươi nhăm tranh khổ lớn màu bột trên giấy dó sẽ bày tương đương với 75 tuổi đời.
Tôi cũng thống nhất với ông suy ngẫm khi sáng tác: Chất liệu gì thì cũng chỉ là phương tiện của nghệ sĩ, phải sử dụng tốt phương tiện có trong tay. Còn cái đọng lại trong lòng người xem là cảm xúc cuộc sống có còn thấy trên mặt tranh không, có gì đối thoại với người xem không? Nếu không thì tranh sẽ hỏng, chất liệu tốt mấy cũng chẳng có ý nghĩa gì!
Nghệ thuật nằm ở thượng tầng kiến trúc xã hội. Cho nên con đường nghệ thuật luôn gian nan cả từ sáng tác đến thưởng ngoạn, bởi nó chẳng dễ dàng dành cho người dễ dãi, nông cạn, lười học hỏi nghiên cứu. Say nghề như Phạm Viết Hồng Lam với tình yêu đồng quê xuyên suốt cả nghiệp sáng tác, hôm nay ông đã đặt chân được vào tháp ngà của nghề. Còn ở bậc thang nào thì thuộc về quần chúng nghệ thuật sẽ dành cho ông trên đánh giá tác phẩm.