Thursday, Sep 23, 07:09 AM

Liên kết tạo lợi thế cho du lịch

Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái) và TPHCM, trong những năm qua, du lịch của các tỉnh khu vực đã có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Đặc biệt, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TPHCM cũng đã phối hợp tốt với các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành tổ chức triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương tạo hiệu ứng thu hút khách tham quan đến với khu vực.

Liên kết tạo lợi thế cho du lịch
Liên kết tạo lợi thế cho du lịch
li234n-ket-tao-loi-the-cho-du-lich_1.jpg
Ruộng bậc thang Tây Bắc.

6 tháng đầu năm 2023, nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TPHCM đã tổ chức 14/25 hoạt động, thu hút hơn 36,3 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu du lịch gần 105.000 tỷ đồng. Đến nay, các tỉnh, thành phố Nhóm hợp tác đã từng bước đưa vào khai thác hiệu quả tour du lịch kết nối các tỉnh Tây Bắc mở rộng và TPHCM như: tour “Bản hùng ca Tây Bắc” kết nối TPHCM - Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa (Lào Cai) - Hà Giang. Tour “Hương sắc vùng cao” kết nối TPHCM - Hà Nội - Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì, Đồng Văn (Hà Giang).

Nhằm phát huy những kết quả làm được và phát huy những tiềm năng lợi thế có sẵn. Trong đó, với điểm nhấn tại các tỉnh vùng Tây Bắc với hàng chục nghìn ha ruộng bậc thang, các địa phương sẽ tiến hành: Xây dựng các tour, tuyến kết nối giữa các địa điểm có ruộng bậc thang đẹp; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông, dịch vụ viễn thông, cơ sở lưu trú, ăn uống; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, tăng cường hoạt động phục dựng và trình diễn các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc, tạo điểm nhấn thu hút du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tới du khách trong và ngoài nước... Đặc biệt, sắp tới đây, hai sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023 cũng sẽ được ra mắt là tour “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc” (Hà Nội - Phú Thọ - Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải (Yên Bái) - Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu) - Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang) - Hà Nội) và tour “Hùng vĩ Tây Bắc” (Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang) - Hà Nội).

Đánh giá về mối liên kết giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TPHCM, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc, chương trình liên kết đã từng bước khẳng định hiệu quả, phù hợp với xu hướng liên kết phát triển du lịch trong giai đoạn mới, thúc đẩy hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, phát huy giá trị tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch chung của cả vùng.

Hoàng Minh
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/lien-ket-tao-loi-the-cho-du-lich-5739002.html Copylink