Mùa du Xuân đặc biệt
Đi lễ chùa hay tham gia các lễ hội là nhu cầu thực hành tín ngưỡng không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Nhưng trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì việc du Xuân này đang diễn ra trong không khí vô cùng đặc biệt.
Đảm bảo an toàn phòng dịch khi du Xuân
Sau một thời gian phải tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19, ngày 15/2 (tức Rằm tháng Giêng âm lịch), Hà Nội đã chính thức “mở cửa” một số di tích. Nhưng khác với không khí tấp nập, thậm chí phải chen lấn vào những ngày Rằm tháng Giêng mọi năm, năm nay hầu hết các điểm di tích đều có không khí rất thanh bình, thậm chí là vắng vẻ.
TPHCM tổ chức nhiều hoạt động dịp Lễ hội Tết Nguyên tiêu
Năm nay, Lễ hội Tết Nguyên tiêu được TPHCM tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng, nhằm vào các ngày 14-15/2 dương lịch. Lễ hội được thành phố tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, như đêm thơ Việt Nam tại Công viên Văn Lang (Quận 5); Lễ diễu hành nghệ thuật đường phố của 800 diễn viên, nghệ sĩ. Đêm chính Lễ hội được tổ chức tối 15/2 tại Trung tâm Văn hóa Quận 5 và Hội quán Nghĩa An. Điểm nhấn đáng chú ý trong các hoạt động lễ hội Tết Nguyên tiêu năm nay là Tuần lễ “Không gian văn hóa, ẩm thực Việt - Hoa” diễn ra từ nay đến hết 20/2 tại quận 5. Khách tham quan khi tham gia tuần lễ sẽ có dịp tìm hiểu về hơn 100 món ăn đặc sắc của đồng bào người Hoa tại TPHCM, như phở, bún bò, hủ tiếu, mì, gỏi cuốn, há cảo, xá xíu, chè,… THÀNH LUÂN
Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tại một số điểm di tích lớn tại Hà Nội như Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Hà… cho thấy, lượng khách đi lễ không còn đông như thời điểm này mọi năm.
Du khách đi lễ thường theo các đoàn khách nhỏ và chủ yếu là người dân đang sinh sống tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, cảnh ùn tắc giao thông của các đoàn xe đưa khách từ các tỉnh thành lân cận đi lễ đã không còn tái diễn xung quanh các điểm di tích. Đặc biệt, vấn đề an toàn phòng, chống Covid-19 tại các điểm di tích đều được thắt chặt.
Tại Phủ Tây Hồ, mặc dù không còn cảnh tắc nghẽn nhưng loa phát thanh của Ban quản lý liên tục nhắc nhở người dân sau khi làm lễ phải nhanh phải chóng ra về. Một số người dân khi cố tình nán lại để vãn cảnh lập tức sẽ bị lực lượng chức năng nhắc nhở.
Ông Trương Tiến Hồi - Trưởng ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ cho biết, khi được chính quyền địa phương cho phép mở cửa Phủ đón khách, nhiều người dân trên địa bàn phường thấy rất phấn khởi.
Nhiều người được giải toả tâm lý, đến cầu mong sức khoẻ, an lành cho bản thân, gia đình trong một năm. Các hộ kinh doanh đồ lễ cũng như các cửa hàng ăn uống quanh đây cũng phấn khởi dọn dẹp, mở cửa hàng phục vụ du khách sau nhiều ngày đóng cửa vì đại dịch Covid-19.
Ông Hồi cũng thông tin thêm, dịp Tết Nguyên đán, di tích đóng cửa nên khách chỉ đứng ngoài vái vọng. Trong những ngày mở cửa, lượng khách đến lễ chỉ bằng 1/10 so với năm ngoái và trong ngày Rằm tháng Giêng khách đến lễ Phủ cũng không quá đông.
Cũng tại khu vực quận Tây Hồ, nhiều điểm di tích cũng đã chính thức mở cửa, nhưng lượng khách đến lễ cũng không quá đông. Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Hoàng Xuân Sáng cho biết, khi chùa Trấn Quốc được mở cửa đón khách thập phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của phường đã phối hợp chặt chẽ với Tổ đình Trấn Quốc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, phường yêu cầu người dân khi đến chùa phải luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, quét mã QR trước khi vào lễ… Theo ông Sáng, trường hợp quá đông người vào lễ cùng lúc di tích sẽ tạm đóng cửa, lực lượng công an, dân quân ứng trực ngoài cổng sẽ kéo barie tạm không để du khách vào bên trong chùa, khi khách bên trong ra bớt sẽ tiếp tục mở cửa.
Tại chùa Hà - một địa điểm di tích tâm linh luôn thu hút đông đảo du khách cũng “vắng vẻ” đến bất ngờ. Trong buổi sáng Rằm tháng Giêng, lượng khách đến lễ chùa không quá đông. Người dân cũng rất nghiêm chỉnh chấp hành công tác phòng, chống dịch, sau khi lễ chùa xong đều khẩn trương ra về. Tương tự điểm tại đền Ngọc Sơn (hồ Hoàn Kiếm) dù đã mở cửa trở lại nhưng lượng du khách đến di tích cũng khá thưa thớt.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thông tin: UBND quận đã chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống dịch tại các điểm di tích, đền, chùa trên địa bàn. Căn cứ cấp độ dịch tại từng phường, từ đó sẽ có hướng dẫn cụ thể và xem xét mở cửa di tích.
Bên cạnh đó, UBND quận đã yêu cầu các phường và địa điểm tôn giáo, di tích phải đảm bảo và hướng dẫn người dân thực hiện 5K, quét mã QR khi mở cửa. Cùng với đó, thành lập các tổ kiểm tra giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, tham mưu, kiểm tra và giám sát. Tại các Ban quản lý di tích và đền, chùa phải có người túc trực để chủ động giãn cách số lượng người trong từng thời điểm để đảm bảo an toàn…
Khởi động du lịch tâm linh bằng tâm thế mới
Cùng với các hoạt động lễ chùa đầu năm, các lễ hội tại một số địa phương cũng đang “rục rịch” khởi động trở lại với tâm thế hoàn toàn mới.
Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Thông tin từ các địa phương cho biết, mùa lễ hội năm nay nhiều địa phương đã sớm quyết định dừng tổ chức hoặc thu nhỏ quy mô hoạt động phần hội.
Tại Khu di tích Yên Tử, lượng khách đến tham quan, hành hương và chiêm bái tăng nhiều so với hai năm qua, cho thấy tín hiệu phục hồi khả quan sau 2 năm dịch Covid-19 căng thẳng. Ngày 12/2 vừa qua, chùa Tam Chúc (Hà Nam) cũng đã tổ chức khai hội đầu xuân và đã thu hút được hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự.
Theo kế hoạch, hôm nay (ngày 16/2) chùa Hương cũng sẽ chính thức “mở cửa” đón du khách. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi mở cửa đón khách thập phương đến với chùa Hương, Ban quản lý khu di tích đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát và phân luồng du khách.
Khi đến với khu di tích danh lam thắng cảnh chùa Hương, các du khách phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế thông qua mã QR và sát khuẩn. Cùng với đó sẽ đặt các trạm y tế tại các cổng thực hiện đo thân nhiệt để phát hiện có hướng giải quyết đối với những trường hợp nghi có biểu hiện.
Theo ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết: Chùa Hương khuyến cáo với các du khách khi chưa được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 không nên đi để đảm bảo cho chính bản thân và cộng đồng du khách về tham quan.
Ông Hiển cũng cho biết thêm, trong những ngày chạy thử từ 11/2, lượng du khách về với chùa Hương rất ít. Theo nắm bắt tình hình, các lực lượng được phân công luôn được đảm bảo và sẵn sàng trong mọi tình huống. Trong kế hoạch của UBND huyện Hoài Đức đã thành lập ra 8 tổ y tế phòng, chống dịch do Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mỹ Đức chỉ đạo. Trong đó có 2 tổ cơ động phản ứng nhanh khi phát hiện các trường hợp có triệu chứng mắc Covid-19.
Sau một thời gian dài phải “tạm hoãn” vì dịch bệnh, các hoạt động du xuân như lễ chùa, tham gia các lễ hội đang dần được “tái khởi động” trong tâm thế bình thường mới. Tuy nhiên, dù người dân khá phấn khởi khi được trực tiếp đến các điểm di tích, lễ hội nhưng hầu như tâm lý vẫn còn khá “e dè”.
Thậm chí, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh các cơ sở thờ tự và người dân đã quen với hình thức đi lễ trực tuyến, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh.
Bởi sau những khoảng lặng thời gian qua mỗi người cũng đã dần thay đổi và thức tỉnh trong chính mình những giá trị thiêng liêng khác. Một mùa lễ hội khác sẽ có trong tâm của mỗi con người và những cách nguyện cầu bình an mà không nhất thiết phải đến từng di tích.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Người dân có thể thực hiện nghi lễ cầu an tại nhà
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, những năm qua các cơ sở thờ tự Phật giáo đang dần chuyển sang phương thức tổ chức lễ cầu an online. Với chủ trương này, các cơ sở thờ tự đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân, đảm bảo an toàn cho phật tử, tạo tâm lý thoải mái hoan hỷ cho khách thập phương khi đầu năm được đến chùa cầu an, cầu phúc.
Giáo hội khuyến khích các chùa tăng cường các bài giảng, pháp thoại, hướng dẫn thực hành thiền và các khóa tu, các buổi lễ cầu an online kết nối rộng rãi với đồng bào Phật tử trong nước và Việt Kiều ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, đem đến tinh thần lạc quan, sự bình an, giảm các tác động căng thẳng tâm lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian dài vừa qua.
Cầu an đầu năm là nghi lễ rất quan trọng trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam cũng như tín đồ Phật giáo, song ngoài việc đến chùa cầu an, người dân còn thực hiện nghi lễ tại nhà. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hướng dẫn các chùa tụng kinh Dược sư là bản kinh cầu quốc thái dân an, đời sống ấm no hạnh phúc, người dân cũng có thể tụng kinh này tại nhà hoặc bất cứ bản kinh Phật nào cũng được.
BS Đỗ Quốc Phong - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E: Tăng cường biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại lễ hội
Chúng ta đã chuyển sang trạng thái bình thường mới “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Song vẫn phải khuyến cáo những người có bệnh lý nền và chưa được tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 không nên tham dự vào các lễ hội đầu xuân. Bởi hiện nay, các ca F0 ngoài cộng đồng rất nhiều dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao.
Bên cạnh đó, khi tham gia các lễ hội hoặc những hoạt động đông người thì cần đảm bảo an toàn về quy định phòng, chống dịch. Hạn chế tiếp xúc với người lạ. Đặc biệt đối với những người có triệu chứng nghi ngờ không nên đi.
Cùng với đó, các địa phương có điểm di tích, tôn giáo tín ngưỡng cần tuyên truyền để nhắc nhở người dân. Đồng thời thực hiện các biện pháp tầm soát như đo thân nhiệt, sát khuẩn... để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Cùng với đó tiến hành sàng lọc những trường hợp có triệu chứng mắc Covid-19 để kịp thời phát hiện đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Minh Quân - Phạm Sỹ (ghi)