Sunday, Mar 21, 06:03 AM

Mình nói chuyện mình - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

Mình sẽ làm gì tiếp theo trong những ngày dài phía trước?

Mình nói chuyện mình - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang
Mình nói chuyện mình - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang
Tương bắt chéo chân trên chiếc phản gỗ đã lên nước bóng loáng theo năm tháng, hoặc cũng có thể nhờ những cái đũng quần dày cộm như của Tương đã lau chùi nó hàng giờ trong chừng đó năm đằng đẵng. Cái câu hỏi đó, nếu đặt trong tâm thế của một kẻ giỏi giang, giàu có, thì có thể thấy rõ kế hoạch đang vạch ra trước mắt như những mũi tên đỏ chót trên Google Map nhấp nháy sáng. Nhưng với một thằng đang thất nghiệp như Tương, với cái bụng đói và cặp mắt chừng như đôi lúc mờ mịt hẳn vì những cơn rối loạn tiền đình dai dẳng, thì hẳn là nó đang rơi tõm vào một hẻm núi nào đó, rồi vùi xuống vực sâu, biến mất không dấu tích.
Thật ra Tương đã làm được gì đâu mà phải lăn tăn suy nghĩ làm gì tiếp theo. Dăm ba lần đổi hướng bàn làm việc theo ý của sếp sau khi sếp đi coi phong thủy ở một ông thầy tướng số dở hơi nào đó về, Tương vẫn thấy mình dở dở ương ương thế nào, không khá được. Sếp bảo, cậu phải ngồi đối diện tôi này. Mắt cậu phong tình thế, chỉ có tôi mới hãm lại được, họa may cậu mới tập trung vào công việc hết mình.
Chẳng biết sếp hãm độ phong tình thằng lính lác thế nào, nhưng cuối năm sếp thuổng mất cô thư ký riêng của chủ tịch hội đồng quản trị. Một cuộc thanh trừng nhanh chóng được ban bố thông qua cuộc họp nặng trịch cuối năm. Sếp ra đường thì thằng lính cũng xách giỏ ra vỉa hè. Vài cuộc điện thoại với những người bạn thân thích trước đây không vớt vát được một chỗ nào khá hơn. Phải đợi sang năm thôi. Trong khi chờ đợi, Tương cay cú nhận ra mình bị chơi một vố khá đau. Lẽ ra anh đã được giữ lại, nhưng sếp cố tình “hạ giá” anh với tay quản lý nhân sự. Sếp khề khà, lo gì, sang năm anh sẽ hú mày khi tìm được một chỗ nào đó khá khẩm. Tương biết mình không cần phải trông chờ gì vào lời con cáo đang khề khà rượu thịt trước mặt mình. Con cáo ấy đã từng “thịt” bao nhiêu thằng khờ khạo như Tương trước đây. Và anh có lẽ cũng không phải là miếng mồi cuối cùng.
Tương không cho phép mình là miếng mồi của bất kỳ ai khác nữa. Không ai.
***
Tương đã làm được gì đâu mà phải lăn tăn suy nghĩ. Ngay cả việc anh từng nắm áo một cô gái, trì níu một cuộc đời vừa héo úa, để cố gắng tưới tắm cho cái cuộc đời ấy hồi sinh lại, nở hoa. Cái ngày mà Phùng run rẩy ngồi khóc trên hẻm núi, nói nếu anh không chìa tay ra đúng lúc, có lẽ cuộc đời em đã khác. Không, nó đã kết thúc. Những đớn đau cũng kết thúc.
Hóa ra anh là một tội đồ khi buộc một người đã không còn sinh khí sống phải dật dờ từng ngày để hít thở, để tin rằng mình còn tồn tại?
Tương đã từng ngồi lì ở đó, cái hẻm núi khuất sau những khối đá trơ gan cùng sương gió, lặng im, nghe những giọt nước mắt Phùng lặng lẽ thấm trên tay mình, nóng hổi. Người ta còn khóc được là còn sống được. Cô cứ khóc đi, khóc cho cạn hết những giọt nước mặn đắng đó, rồi thì tìm thứ gì ngọt ngào hơn mà uống vô để bù lại, vậy nghen. Phùng khóc một trận rồi thôi, lúc ngước mặt lên đã thấy trời xâm xẩm tối.
- Chắc mặt em trông thật khó coi?
- Ừ, sưng như bị ong chích. Để tôi tìm ít trà túi lọc ướp đá cho cô...
Nói thì dễ lắm, nhưng giữa vùng đồi núi hoang vu lạnh giá này, tìm một nhà trọ không trống trước dột sau đã khó, tìm được một hộp trà túi lọc còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhà trọ ọp ẹp dựng tạm bợ bên đường, gió núi thốc từng cơn ớn lạnh. Điện đóm cũng mờ mờ, chỉ chực chờ tắt bất cứ lúc nào. Tương chỉ còn cách lôi ra hộp khăn giấy ướt nhỏ xíu loại bỏ túi, xé miệng hộp, lấy vài miếng gấp lại cho cô đắp đỡ lên bọng mắt. Anh mặc thêm một lớp áo khoác loại vải ni lông dày, cẩn thận chốt cửa, đút chìa khóa vào túi quần, rảo nhanh theo con đường mòn nhỏ, theo ánh sáng của các trụ đèn đường, hy vọng một quán nhỏ nào đó còn mở cửa. Phùng cần một tô cháo nóng, hoặc súp, hoặc ít ra là mì gói cũng được. Bàn tay lạnh buốt và khuôn mặt tái nhợt của Phùng báo hiệu một cơn đói khủng khiếp. Có lẽ đã một, hai ngày cô ta chẳng tha thiết với thức ăn. Một người ngay cả đến hơi thở còn không tha thiết giữ, thì còn cần gì.
Giá như lúc này đang ở thành phố, chỉ cần mở app đặt đồ ăn, chừng dăm ba phút sau đã có một tô thức ăn nóng hổi cho Phùng xì xoạp qua cơn. Ở nơi heo hút gió, sóng điện thoại chơi trò mèo, lúc ẩn lúc hiện, lúc được lúc mất khiến Tương đôi khi nổi quạu. Nhưng có lẽ như thế lại hay. Lâu lâu tự quăng mình vào một hẻm hốc nào đó, tự rời xa mọi thứ nhốn nháo ngoài kia, để biết mình cần gì, và có còn ai cần mình.
Nếu không có cú sốc bị mất việc này, có lẽ Tương vẫn cứ là thằng nhiếp ảnh quèn, chuyên chạy việc vặt cho phòng thiết kế, để sếp ưng thì xài, khó ở thì sa thải. Đời mà, có lắm lúc ta không thể tự làm chủ được, phải tùy thời thế mà nhu cương. Tương tự an ủi mình, và tự mềm lòng khi xách bọc cháo nóng trên tay. Chỉ là chút cháo trắng ăn kèm muối mè. Nhưng cái ấm nóng của nó khiến Tương phấn khởi. Lúc đói, người ta chỉ cần có thứ gì đó để lấp đầy bao tử, là ngon.
Không chỉ Tương cần hơi ấm, mà ngay lúc này, Phùng mới là người cần hơn cả. Khi Tương đẩy cửa bước vào đã thấy đầu tóc cô ướt sũng, rũ rượi. Cả người Phùng run lên như một chiếc máy đang vào guồng quay cực đại.
- Em mới tắm! Thật kỳ cục khi không được tắm suốt hai hôm qua.
- Nhưng trời rất lạnh, cô không sợ bị cảm lạnh sao?
- Chết còn không sợ, lạnh là cái thá gì hở anh?
Phùng nói cứng nhưng những ngón tay và môi Phùng đang thâm đen lại. Đương nhiên chẳng có một đốm lửa nào trong căn nhà trọ để cả hai có thể sưởi ấm. Tương vội kéo tay cô áp vào bọc cháo. Bộ váy áo mỏng manh nhuốm đầy bụi đường khiến Phùng dè dặt không dám ngồi gần Tương. Nhưng rõ ràng cái lạnh đã khiến cô phải quên đi sự bẩn thỉu tạm thời. Phùng đã gần như ngủ ngồi suốt đêm, dựa lưng vào Tương để tìm chút ấm áp. Thi thoảng giữa đêm Tương có giật mình đôi ba bận, nhìn cô gái ngủ ngon bên vai mình, không nỡ trở mình, không dám thở mạnh. Chỉ cần cô ấy được một giấc căng đầy, mọi nỗi phiền muộn rồi sẽ nhanh chóng trôi đi. Hay ít ra là chúng cũng đã không quấy nhiễu chút giây phút yên bình hiếm hoi đó.
- Nghe nói cô ta đẹp lắm!
- Cô đã gặp chưa?
- Em chưa. Nhưng giờ thì không còn cần thiết nữa.
Tương hì hục lau chùi màn hình máy ảnh đầy vết rạn sau va đập, không quên để tâm vào câu chuyện có vẻ khá hấp dẫn nhưng lại vô cùng nghiệt ngã của Phùng.
- Thế giờ cô định sẽ làm gì?
- Thì sống tiếp. Chớ biết làm gì!
Phùng thở một hơi ra ngụm khói. Mắt Phùng vẫn chưa có dấu hiệu giảm sưng. Một giấc ngủ sâu vẫn không giúp quầng thâm dưới mắt tan biến đi. Mọi thứ cần phải có thời gian, ngay cả điều tồi tệ nhất, phải không?
- Ừ. Thế cô có muốn quá giang tôi về Sài Gòn?
- Anh còn chưa chụp được tấm ảnh nào kia mà?
Tương đưa máy ảnh lên ngắm nghía, chậc lưỡi tiếc rẻ.
- Tại cô cả đấy. Cô xem, máy ảnh đã hỏng mất rồi. Tôi còn chụp được gì?
Phùng cụp mắt xuống. Tương biết mình đã lỡ lời. Cái tính thẳng đuột không ít lần khiến anh mất lòng người khác. Ví như cái lần anh nổi điên vì bị sa thải, đã đốp thẳng mặt sếp rằng ông cũng chỉ là kẻ chuyên vớt vát những thứ thừa mứa từ người khác. Sếp câng mặt, à, thằng này láo, tuy đồ thừa đấy nhưng mày có gan hớt tay trên của người ta không? Anh ứa gan. Nhưng thôi, ai rỗi hơi đi cãi với những thằng ăn cắp vặt.
Nhưng lần này anh thấy áy náy khi đối diện Phùng, người mà anh mới vớt về từ cõi chết.
Tương giả lả, cố đùa vui để vớt vát lại chút đỉnh.
- Thôi nào. Về Sài Gòn cô phải làm việc cho tốt vào, để có tiền sửa máy đền cho tôi nữa chứ!
Không dưng Phùng bật cười. Môi Phùng đã khô tróc những mảng da lốm đốm trắng. Hai ngày qua, cơ thể Phùng mất nước trầm trọng. Những đầu móng tay cũng yếu hẳn, xước và gãy lởm chởm.
Tương gói ghém hành lý ràng sau yên xe, nhích chúng ra phía đuôi, chừa đủ một khoảng trống cho Phùng. Anh không quên mua lại hẳn chiếc gối nhỏ của chủ trọ, lót phía sau.
- Đường đèo khá dằn xóc. Cô chịu khó tí nhé!
Phùng hơi ngại ngần trước sự chu đáo có phần hơi quá của người lạ. Lẽ ra, anh ta không cần và không có trách nhiệm phải chăm lo cho cô như vậy. Phùng cũng chưa quen với việc người khác chiều chuộng mình. Hay nói trắng ra là cô cũng khao khát lắm. Nhưng đã mấy ai có thể thương yêu cô, chiều chuộng cô. Kể cả chồng cô cũng chưa một lần từng rót cho cô ly nước khi cô khát. Nhưng giờ thì thật sự cô không cần bất cứ một ly nước nào nữa cả. Khi cô thả mình xuống một vùng tối mà cô nghĩ rằng mình sẽ ngủ một giấc thật êm ái ở đó, cô đã không còn cần một điều gì. Yêu ư? Cô đã có đâu. Chẳng ai yêu cô bằng cách tống cô ra khỏi cuộc đời của họ, để nghiễm nhiên rước một cô gái khác đặt chân vào. Thật là nực cười. Nhưng khi bị Tương túm áo lôi ngược trở lại, bị anh mắng cho một trận như tát nước vào mặt, thì Phùng đã ngộ ra được nhiều điều.
Chết dễ lắm, sống được mới thật là khó khăn. Cô chết đi! Chả ai khóc thương cô đâu, chỉ có những cái cười mỉa mai, chua chát. Cô phải sống, để cười vào những kẻ đáng bị cười. Và lúc đó, chắc hẳn họ cũng không còn nước mắt để khóc khi cô cười họ nữa. Tin tôi đi!
***
Phùng trở về lại căn nhà nhỏ. Căn nhà vắng vẻ, yên bình như vốn có. Chỉ chậu hồng nhung vẫn kiêu sa với những chùm hoa đỏ rực bên hiên. Chậu hồng đầy gai ấy là thứ cô yêu quý và chăm chút hằng ngày, cớ sao cô lại quên mất nhỉ? Cô từng nhủ rằng mình phải được như bọn hồng nhung ấy, lúc nào cũng phải kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Nhưng đôi lúc những biến cố ập đến bất ngờ, như một cơn đại dịch chẳng hạn, khiến niềm tin trong mình vụn vỡ, tan tác rơi.
Phùng tắm thêm lần nữa, xức thêm ít nước hoa nơi cổ tay. Phùng không mê nước hoa. Chỉ lâu lâu xịt chút ra cổ tay, để khi buồn hít một hơi cho đỡ chán.
- Này này, lúc này không phải lúc để xài nước hoa. Phải xài thứ này này, thế giới đang điêu đứng ngoài kia, cô muốn chết lắm hả?
Phùng giật mình. Khuôn mặt chồng sau lớp khẩu trang kín mít, không rõ là buồn hay vui. Nhưng cái giọng bề trên ấy vẫn không bao giờ thay đổi.
Phùng không đón lấy chai dung dịch sát khuẩn từ chồng, cũng chẳng buồn trả lời câu hỏi của chồng. Cô đã đi đâu, có đi du lịch đâu đó gần tâm dịch không đấy, đã tiếp xúc những ai? Không lẽ cô phải khai báo rằng cô đã sắp du lịch qua thế giới khác. Thế thì nhẹ nhàng quá còn gì! Nói chuyện với những kẻ tham sống sợ chết, Phùng không thể nhẹ nhàng hơn!
Phùng rời căn nhà với duy nhất chậu hồng nhung trên tay. Mọi thứ trong căn nhà nay đã trở nên cũ kỹ và không cần thiết nữa.
Sau lớp khẩu trang điệu đà, đôi mắt cô gái vẫn không giấu được vẻ hoảng hốt. Phùng điềm nhiên nở nụ cười nhẹ hẫng. Nhưng có lẽ mãi mãi cô gái ấy sẽ chẳng bao giờ biết Phùng cười. Có lẽ cô ta cũng không nên biết mặt Phùng tròn méo ra sao. Phùng nhón gót rời khỏi cuộc gặp. Sau lưng Phùng, cô gái đẹp ngồi run rẩy trước sự kiêu hãnh đỏ rực của những đóa hồng cùng những cái gai tua tủa trên cành.
***
Phùng đến khi Tương còn mơ màng trên chiếc phản gỗ. Anh giật thót:
- Tôi chỉ đùa thôi, không có ý bắt cô đền máy ảnh đâu, đừng tưởng thật!
Cô chớp mắt, khoan thai ngồi xuống cạnh Tương.
- Em không đủ tiền để mua máy mới, nhưng có thể mang đi sửa được.
Tương không thể từ chối lời đề nghị của cô. Anh cũng chưa tìm được một chỗ làm mới, dù đã rải hồ sơ một vài công ty. Sửa được máy ảnh, anh có thể lại rong ruổi chụp choẹt những gì mình thích, hoặc nhận chụp sự kiện cũng đủ tiền trang trải qua ngày.
- Anh không cần phải tìm việc nữa, thật đó!
Tương trợn mắt:
- Sao, cô đến chỉ để trù tôi thất nghiệp dài dài à?
Phùng mỉm cười. Môi Phùng đã hồng hào mấy độ. Tóc Phùng đã thôi bù xù. Mắt Phùng cũng hấp háy sáng.
- Em đến không phải để nói như thế. Mình nói chuyện mình, anh nhé!
Con phố này rất đẹp, đúng không anh? Cả con đường có nhiều cây hoa kèn hồng vẫn nở hoa rực rỡ mỗi bận đất trời đang say tiết xuân sang. Và sẽ đẹp hơn nếu chúng mình có một tiệm ảnh nho nhỏ ngay góc phố. Chúng ta sẽ mở một cửa tiệm. Em sẽ là khách hàng đầu tiên ký gửi thanh xuân ở đó. Anh có bằng lòng giữ lại giúp em?
Tương ngỡ mình đang trong cơn mộng mị. Anh tưởng mình còn đang mắc kẹt nơi hẻm núi.
Cái dáng Phùng dang tay phấp phới bay, khuôn mặt vô thần vẫn còn hiện rõ trong tâm thức mình. Ngay lúc đó, anh còn tưởng Phùng là một con diều đang chấp chới bay lên. Một “con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo” (*). Chỉ một cái níu tay, cuộc đời Phùng đã khác và sẽ khác.
Tương vẫn còn trong cơn mộng, nếu không gặp tay sếp cũ của anh xồng xộc đến tìm Phùng.
- Cô giỏi lắm, nếu biết trước tôi đã làm giấy kết hôn! Hừ, như thế thì cô đã không thoát được tôi...!
Phùng khẽ mỉm cười trước gương mặt rúm ró trong cơn bốc hỏa của chồng cũ. Chồng cũ hậm hực cũng phải. Trước đây, hắn cứ nghĩ rằng Phùng sẽ không dám bỏ mình. Và căn nhà của Phùng cũng sẽ là nhà của hắn.
Hắn quên rằng Phùng vốn rất thích trồng những thứ hoa đẹp có gai. Căn nhà đã sang chủ khác, nhưng từ giờ, Phùng sẽ trồng tiếp những thứ có gai, xung quanh tiệm ảnh.
(*) Lời ca khúc của Trịnh Công Sơn
tr6432n-huy6432n-trang
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/minh-noi-chuyen-minh-truyen-ngan-cua-tran-huyen-trang-1356950.html Copylink