Saturday, Oct 21, 11:10 AM

Người đau đáu với văn hóa Tày

Hơn 30 năm sống và làm việc tại Hà Nội, nhưng thơ của Dương Thuấn luôn mang hơi thở của quê hương vùng cao Bắc Kạn. Đặc biệt ông còn say mê giới thiệu văn hóa Tày với bạn bè quốc tế.

Người đau đáu với văn hóa Tày
Người đau đáu với văn hóa Tày

Viết bằng kỷ niệm

Dương Thuấn là nhà thơ dân tộc Tày. Ông sinh năm 1959 tại bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ông tốt nghiệp thủ khoa Trường viết văn Nguyễn Du năm 1992. Từ tập thơ đầu tay Cưỡi ngựa đi săn (1991) viết cho thiếu nhi được Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải A đến nay, ông đã lần lượt cho ra đời gần 20 tập thơ. Dương Thuấn được nhận nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật. Trong đó, nhiều bài thơ đã được phổ nhạc như “Đi tìm bóng núi”, “Lá trầu”, “Tình ca bên suối”, “Khúc hát cao nguyên”, “Trăng mã Pì Lèng”…

Viết cho con là cái duyên khởi việc sáng tác cho thiếu nhi. Ông chia sẻ, khi con mình đòi mua sách để đọc, nhưng không dễ dàng để tìm được nhiều thứ viết đúng để dành cho con trẻ. Dương Thuấn nói, phải thật sự là một đứa trẻ khi viết thơ thì mới hiểu được chúng thích gì, muốn gì, viết bằng con mắt người lớn với đầy trải nghiệm rồi thì tội chúng. Thế nên mới có: “Tháng Chạp trời mau tối/ Đi học về lội suối/ Bước lần theo đom đóm/Tiếng ve núi ran ran”.

Con trẻ đọc thơ của Dương Thuấn có thể thấy chất Tày một cách rõ rệt, được ngắm hoa, ăn quả, nghe thổi kèn, hát lượn, chơi ném còn, đánh yến hay bơi thuyền trên sông Năng… Đằng sau mỗi vần thơ ấy là gương mặt quê hương, một sự tích, một huyền thoại. Học mà chơi, chơi mà học là như thế.

Và tới mảng thơ tình, nhiều độc giả mới cảm nhận được chất thơ rất đằm của nhà thơ này, với những câu thơ mộc mạc chẳng cần chau chuốt, cứ tự nhiên giăng mắc lại trong lòng người đọc. Có lẽ vì thế mà những câu thơ đầu tiên của bài “Bóng núi” khiến người ta hình dung ra ngay chàng trai bản Hon thất tình, cô đơn giữa tất cả những gì thân thuộc nhất.

Sự chân phương của chàng trai ấy được thể hiện ở cái cảm giác mất mát rất “vật chất”, rất cụ thể khi người yêu đi lấy chồng, với hình ảnh “ngựa về tàu khác. Và trong sự cô đơn, người trai ấy đi tìm lại bóng núi ngày còn chung đôi. Vẫn là bóng núi ngàn đời ấy nhưng tất cả đã khác xưa mất rồi.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ An Thuyên phổ nhạc thành bài hát cùng tên với âm điệu tha thiết, day dứt những vẫn rất trong trẻo. Hẳn là vì người nhạc sĩ tài hoa, có duyên với miền núi ấy đã “bắt được” cái hồn vía của bài thơ, thấy rung cảm trước một mối tình đẹp vừa tan vỡ, nhận ra được một nỗi buồn hoang hoải nhưng không quá bi luỵ sau những câu thơ giản dị kia.

Nhà thơ Dương Thuấn kể: Tôi luôn viết bằng những kỷ niệm của mình. Rất nhiều kỷ niệm đã đi vào thơ tôi. Những buổi sáng đi học từ gà gáy canh hai, những buổi chiều tan trường về trời tối, những hôm mưa rừng suối lũ... Tôi có đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ hoặc cả khi mình đã lớn. Tôi đã viết hàng trăm bài thơ về bản Hon mà mình sinh ra ở đó là đều từ kỷ niệm. Có khi buồn, có khi vui, nhưng đã là kỷ niệm thì đều đáng yêu, đáng nhớ.

nguoi-dau-d225u-voi-van-h243a-t224y_1.jpeg
Nhà thơ Dương Thuấn với độc giả yêu thơ ông.

Đưa văn hoá Tày hội nhập

Âm thầm viết và thật bất ngờ, Dương Thuấn cho ra mắt Tuyển tập thơ xác lập hai kỷ lục Guinness là sáng tác song ngữ Tày - Kinh (Việt) đầu tiên và là bộ tuyển tập thơ dày nhất Việt Nam. Tuyển tập xuất bản tháng 10/2010 do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Tuyển tập gồm 3 quyển: Tập I viết về quê hương ông - Bản Hon và những vùng đất khác, Tập II dành riêng cho mảng thơ tình, Tập III là những bài thơ thiếu nhi.

Tất cả các sáng tác của ông đều được viết bằng hai ngôn ngữ Tày - Kinh, được sắp xếp đăng đối, dễ theo dõi. Phải nhắc lại là hàng nghìn bài thơ được viết song ngữ chứ không phải chuyển ngữ. Ông luôn đau đáu tiếng dân tộc mình sẽ bị mai một nên coi việc viết cho trẻ em bằng chính tiếng dân tộc mình là một trách nhiệm.

Nhà thơ Dương Thuấn thẳng thắn chia sẻ, nhiều người kêu gọi bảo tồn văn hóa mà có khi vẫn thấy sáo rỗng, khẩu hiệu bởi văn hóa thực ra không đao to búa lớn mà bắt đầu từ những thứ nhỏ như bài thơ, câu chuyện, món ăn… thôi. Vì thế, đáng đầu tư nhất vào công cuộc bảo tồn văn hóa là tâm hồn trẻ thơ. Khi mỗi đứa trẻ lớn lên trong chiếc nôi văn hóa Tày, lớn lên chúng sẽ là những sứ giả văn hóa mang cái hay, cái đẹp của dân tộc ra khỏi bản làng, sang tỉnh, thành phố khác, rồi đến những phương trời Âu - Á.

Bởi thế mà với tuyển tập thơ-kết quả của chặng đường dài 24 năm sáng tác, Dương Thuấn đã từng bước đưa tiếng Tày và văn hóa Tày đến gần hơn với các dân tộc khác và ra thế giới. Đó là thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, trong sáng. Đó là lối tư duy hồn nhiên của người miền núi.

Những vần thơ ông luôn mang đậm hơi thở cuộc sống vùng cao từ khung cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt đến tâm hồn, nếp suy nghĩ của con người qua giọng thơ bình dị, đầy sức lôi cuốn, đặc biệt ở cách sử dụng ngôn từ ví von, so sánh giàu biểu tượng-nét đặc trưng trong tư duy người dân miền núi.

Bên cạnh sáng tác thơ bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, Dương Thuấn còn nghiên cứu văn hóa Tày, viết báo kêu gọi bảo vệ, gìn giữ sinh thái hồ Ba Bể. Ông là Tổng thư ký Hội những người yêu Ba Bể. Gần đây ông cho xuất bản cuốn sách “Văn hóa Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới” dày 600 trang.

Dương Thuấn không chỉ là một nhà thơ người Tày mà còn là sứ giả truyền bá văn hóa Tày, góp phần gìn giữ, bảo vệ ngôn ngữ Tày, phát triển văn hóa Tày. Ông đã đưa dân tộc Tày vào cuộc hội nhập quốc tế, đã làm cho dân tộc Tày tự hào về ông. Những đóng góp to lớn của ông thật sự đáng tự hào và đáng trân trọng.

ph29185ng-mai
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/nguoi-dau-dau-voi-van-hoa-tay-5668494.html Copylink