Tuesday, Mar 21, 06:03 AM

Người đi Tây Tiến mùa xuân ấy: Nguyễn Anh Đệ - Chỉ huy 'Đội vũ trang trinh sát miền Tây'

Đứng trong hàng ngũ đoàn quân Tây Tiến, ông Nguyễn Anh Đệ đã vượt hơn 300 cây số đường rừng núi để sang Sầm Nưa (Lào) chỉ huy đánh chặn thực dân Pháp quay trở lại.

Người đi Tây Tiến mùa xuân ấy: Nguyễn Anh Đệ - Chỉ huy 'Đội vũ trang trinh sát miền Tây'
Người đi Tây Tiến mùa xuân ấy: Nguyễn Anh Đệ - Chỉ huy 'Đội vũ trang trinh sát miền Tây'

“Đại đội Anh Đệ - Tuấn Sơn”

Tuy lấy ngày truyền thống ra đời Trung đoàn 52 Tây Tiến là 27.2.1947, nhưng Ban Liên lạc cựu chiến binh Tây Tiến cũng xác định đơn vị vũ trang được cử đi Tây Tiến đầu tiên là “Đội vũ trang trinh sát miền Tây”, do các ông: Nguyễn Anh Đệ, Tuấn Sơn và Lâm Ngọc chỉ huy mà nòng cốt là “Đại đội Anh Đệ - Tuấn Sơn”.
Sau khi nhận nhiệm vụ, đơn vị “Đội vũ trang trinh sát miền Tây” lên đường. Từ Lương Sơn, đoàn tiến theo đường núi lên Pheo, qua bến đò Ngọc, vượt sông Đà sang thị xã Hòa Bình, lên Mộc Châu và dừng chân ở Bản Vặt (Mộc Châu - Sơn La). Tại đây, ngày 7.10.1945, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Chiến khu 2 Lê Hiến Mai nhận được tin quân Pháp đã chiếm đóng thị xã Sầm Nưa (Lào), lập các đồn Sốp Hào, Sốp Bau, Mường Hằng. Nhận định đây là mối đe dọa trực tiếp đối với mé tây nam Sơn La, nhất là huyện Mộc Châu, vì nếu từ Sầm Nưa quân Pháp đánh thọc sang chiếm được Mộc Châu thì Sơn La sẽ bị cô lập; sau khi báo cáo về Trung ương xin ý kiến chỉ đạo, ông Lê Hiến Mai lệnh cho “Đội vũ trang trinh sát miền Tây” sang Lào thực hiện nhiệm vụ quốc tế.
Nghe tin bộ đội Việt Nam đang trên đường tiến đến, quân Pháp ở Sầm Nưa liền cầu cứu viện binh. Quân cứu viện không tới, quân Pháp ở Sầm Nưa bỏ chạy lên Luông Pha Băng. Các ông Nguyễn Anh Đệ và Tuấn Sơn nhanh chóng tiến vào thị xã Sầm Nưa đóng quân thành ba điểm để bảo vệ thị xã. Sau khi ổn định đóng quân tại Sầm Nưa, sáng 19.10.1945, các chiến sĩ “Đội vũ trang trinh sát miền Tây” tổ chức truy kích địch.
19 giờ 30 phút ngày 20.10.1945, “Đại đội Anh Đệ - Tuấn Sơn” đuổi kịp lực lượng quân Pháp rút chạy ở Mường Láp, tỉnh Hủa Phăn (Lào), cách Sầm Nưa 60 km. Mường Láp là một bản nhỏ, địa hình tương đối hẹp, thực dân Pháp bắt dân trong bản tập trung làm bia đỡ đạn cho chúng. Để tránh thương vong cho dân, “Đại đội Anh Đệ - Tuấn Sơn” chủ trương đánh nghi binh và đã thắng lớn. Chiến thắng vang dội ở Mường Láp là thành tích nổi bật của “Đại đội Anh Đệ - Tuấn Sơn”, vừa tiếp nối truyền thống đánh thắng trận đầu khi ra quân vừa thu về rất nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm.
Người đi Tây Tiến mùa xuân ấy: Nguyễn Anh Đệ - Chỉ huy 'Đội vũ trang trinh sát miền Tây' - ảnh 1

Trưởng ban Đối ngoại CHDCND Lào (thứ tư từ phải sang) tiếp đoàn Ban Liên lạc cựu chiến binh Tây Tiến tại Viên Chăn

Ảnh: Tư liệu Ban liên lạc cựu chiến binh Tây Tiến

Sầm Nưa - cái nôi của cách mạng Lào

Ngay trong đêm 20.10.1945 và cả ngày hôm sau, “Đại đội Anh Đệ - Tuấn Sơn” huy động ngựa thồ và dân công đưa hết chiến lợi phẩm về Sầm Nưa. Tại đây, bộ đội cùng nhân dân Lào và Việt kiều tổ chức ăn mừng chiến thắng. Số vũ khí, quân trang thu được, đơn vị trang bị cho lực lượng vũ trang nước bạn Lào vừa mới được thành lập.
Chiến thắng Mường Láp đã mở rộng vùng giải phóng trên đất bạn Lào, chặn bước tiến của thực dân Pháp từ phía tây sang Việt Nam. Đây là trận đánh đầu tiên của quân đội Việt Nam sát cánh cùng cách mạng Lào giành thắng lợi, mở ra tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào. Sầm Nưa trở thành cái nôi của cách mạng Lào. Sầm Nưa cũng trở thành bất tử khi đi vào thơ ca: “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” (Quang Dũng). Chiến sĩ Tây Tiến còn để lại cho đồng bào Tây Bắc, nhân dân Lào anh em những bài ca Vì nhân dân quên mình, Tiếng cồng quân y, Nụ cười Tây Tiến...
Sau cuộc Tây Tiến đầu tiên thắng lợi, “Đại đội Anh Đệ - Tuấn Sơn” đã cùng với quân và dân địa phương vừa củng cố chính quyền cách mạng vừa liên tục đánh địch ở Điện Biên Phủ, Tuần Giáo, Quỳnh Nhai, Chiềng Pắc, Mường Sài, Chiềng Khương, dọc tuyến sông Mã, sông Đà...
Nguyễn Anh Đệ đưa quân về hoạt động vùng Hà Đông - Hà Nội, rồi lên Việt Bắc chỉ huy trung đoàn bảo vệ Bộ Tổng tư lệnh và các cơ quan đầu não của Trung ương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau đó, trong kháng chiến chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới, ông đứng đầu chỉ huy nhiều đơn vị: Tư lệnh Mặt trận B5, Tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh, Tư lệnh Binh chủng Đặc công. Ông đã được Nhà nước phong tặng quân hàm trung tướng.
Những tướng lĩnh thao lược
Chiếc nôi Tây Tiến đã góp phần đào luyện nên biết bao người con ưu tú cho quân đội. Nhiều người đã trở thành tướng lĩnh thao lược như: thiếu tướng Hoàng Sâm - Tư lệnh Quân khu 3, thiếu tướng Lê Hiến Mai - Bộ trưởng Bộ Nội vụ (sau là Bộ LĐ-TB-XH), thiếu tướng Trần Văn Phác - Bộ trưởng Bộ Văn hóa (sau là Bộ VH-TT-DL), thiếu tướng Kim Tuấn - Tư lệnh Quân đoàn 3, trung tướng Lê Linh - Chính ủy Quân đoàn 2, trung tướng Đoàn Bá Khánh - Tư lệnh Quân chủng Hải quân, trung tướng Nguyễn Hòa - Tư lệnh Quân đoàn 1, thượng tướng Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, đại tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam...
ki6125u-mai-s6125n
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/nguyen-anh-de-chi-huy-doi-vu-trang-trinh-sat-mien-tay-1354301.html Copylink