Wednesday, Mar 21, 06:03 AM

Người đi Tây Tiến mùa xuân ấy: Tạ Đình Đề tên tuổi trùm thiên hạ

Tạ Đình Đề theo nhận định của các cựu chiến binh Tây Tiến là một người không cấp bậc, chức vụ, không hề giữ trọng trách trong quân đội, trong chính quyền mà tên tuổi trùm thiên hạ.

Người đi Tây Tiến mùa xuân ấy: Tạ Đình Đề tên tuổi trùm thiên hạ
Người đi Tây Tiến mùa xuân ấy: Tạ Đình Đề tên tuổi trùm thiên hạ

Huyền thoại xuất quỷ nhập thần

Nhắc đến Tây Tiến phải nhắc đến Hòa Bình. Nhắc đến Tây Tiến phải nhắc đến Tạ Đình Đề. Trong kháng chiến chống Pháp, từ Liên khu 3, Liên khu 4, Bình Trị Thiên, Việt Bắc... các chiến sĩ quân đội, nhân dân đều biết tên ông.
Đồng đội của ông vẫn truyền tụng tên tuổi của Tạ Đình Đề vang mãi tới tận bưng biền chiến khu U Minh, tới đô thị Nam bộ xa xôi. Biết bao giai thoại được thêu dệt xung quanh ông Tạ Đình Đề. Điều này, người cháu gọi ông bằng cậu - ông Tạ Phan - nguyên Phó cục trưởng Cục Xuất bản đã kể với tôi từ chục năm về trước.
Tạ Đình Đề là người kín đáo ít muốn nói về mình. Chính đồng đội của ông ở Tây Tiến lại thường nhắc đến ông. Ví dụ, trong những trận đánh ở Mai Châu, các cựu chiến binh hay kể tài chỉ huy của hai đại đội trưởng Quốc Tuyển và Vạn Thắng. Thế nhưng cả hai ông Quốc Tuyển và Vạn Thắng đều khẳng định: Công đầu thuộc về Tạ Đình Đề. Bởi vì, chính ông Tạ Đình Đề làm chiến sĩ quân báo dũng cảm luồn lách vào lòng địch, nắm chắc lực lượng và cách bố trí trận địa của địch, vạch đường tiến cho đồng đội.
Bây giờ du khách đi trên con đường số 6 qua Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La) không còn thấy dốc cao, đèo hiểm. Quốc lộ 6 mở rộng thành nhiều làn xe chạy với tốc độ cao, hai bên hoa đào, hoa ban nở đầy lãng mạn. Khó ai ngờ rằng những ngày Tây Tiến dốc Đẹt là con đường rừng độc đạo, hiểm trở, đèo dốc hun hút được ví von là con đường “bách nhân khứ, nhất nhân hồi” (trăm người tới, chỉ một người về). Trong những câu chuyện của đoàn binh Tây Tiến thì chiến thắng dốc Đẹt đã đi vào huyền thoại: Chỉ với hai tay súng là Khu trưởng Hoàng Sâm và Tạ Đình Đề đã chặn đứng cả đội quân Pháp thiện chiến. Thậm chí, chỉ một mình Tạ Đình Đề được ví như con sư tử trên đỉnh dốc Đẹt với tài bắn súng thiện xạ bách phát bách trúng khiến quân Pháp không vượt qua nổi con dốc, đành co cụm về Chiềng Sại!
Sau trận dốc Đẹt, Trung đoàn 52 Tây Tiến được hình thành, đảm đương nhiệm vụ hoạt động trên địa bàn Tây Bắc. Tư lệnh mặt trận Hoàng Sâm trở về Khu bộ nhận nhiệm vụ mới - Tư lệnh Liên khu 3. Ông Tạ Đình Đề được Tư lệnh Liên khu 3 điều động về Liên khu, làm Phó ban Tình báo Liên khu kiêm Đội trưởng Đội biệt động Liên khu 3. Chính trong nhiệm vụ mới này, ông lại khiến cho quân Pháp trong thành Hà Nội phải kinh hồn bạt vía khi nghe tên. Chính quân Pháp trong nội thành cũng góp phần thêu dệt nên những huyền thoại “xuất quỷ, nhập thần” của Tạ Đình Đề.
Đồng đội của ông nhắc lại, với nghề tình báo của mình, người Đội trưởng biệt động thành gan dạ đến táo tợn Tạ Đình Đề đã nắm và cung cấp cho cấp trên nhiều tin tức tình hình địch. Thiếu tướng Văn Phác ví von: Cánh tay phải Tạ Đình Đề đã làm cho quân thù khiếp sợ suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến không một phút nghỉ ngơi.
Người đi Tây Tiến mùa xuân ấy: Tạ Đình Đề tên tuổi trùm thiên hạ - ảnh 1

Tạ Đình Đề (1917 - 1998)

Ảnh: Tư liệu Ban Liên lạc CCB Tây Tiến

Chôn cất trong lòng người

Hồi 4 giờ 30 ngày 17.1.1998 tức ngày 19 tháng chạp năm Đinh Sửu, ông Tạ Đình Đề qua đời, hưởng thọ 81 tuổi. Ngày đưa tiễn ông về nơi yên nghỉ cuối cùng, thiếu tướng Trần Văn Phác, từng là Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Tây Tiến, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Nội, người có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Tạ Đình Đề, đọc điếu văn khiến người nghe rơi nước mắt:
“... Tám mươi mốt mùa xuân ấy đồng chí đã để lại cho chúng ta biết bao nhiêu kỷ niệm hào hùng song rất đỗi êm đềm và sâu thẳm… Tạ Đình Đề, người con trung hiếu, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người đảng viên xuất sắc đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Thiếu tướng Trần Văn Phác không quên khi ông Đề chuyển ngành về Tổng cục Đường sắt để rồi hai lần vướng vòng lao lý... Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Tây Tiến viết trong điếu văn:
“Đường cách mạng gập ghềnh gian nan và vất vả, đồng chí vẫn lạc quan tin tưởng vào chân lý sáng ngời ngay thẳng, đức độ nhân ái và bao dung là bản chất tốt đẹp độc đáo của người chiến sĩ cách mạng Tạ Đình Đề, đấu tranh chịu đựng oan trái của cuộc đời để biết mùi mặn nhạt, những ngày ly tán gia đình, biệt lập với bạn bè thân thích càng thấu hiểu lòng trung kiên sắt son, gắng gượng nỗi oan trái đã qua. Tạ Đình Đề lại càng đàng hoàng ung dung về với Đảng, với gia đình, bạn bè hân hoan hạnh phúc”.
Tiến sĩ Tạ Đình Thính, tác giả cuốn sách Làng tôi - làng của huyền thoại Tạ Đình Đề, đã viết: Ông được chôn cất trong lòng người. Ngày 11.5.2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng ông Tạ Đình Đề huân chương Độc lập hạng ba.
ki6200u-mai-s6200n
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/nguoi-di-tay-tien-mua-xuan-ay-ta-dinh-de-ten-tuoi-trum-thien-ha-1355084.html Copylink