Monday, Sep 21, 02:09 PM

Nhà văn ở đâu trong đại dịch?

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều nhà văn đã không đứng ngoài cuộc. Bên cạnh chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch, làm thiện nguyện, trong những ngày giãn cách đã dành thời gian ngẫm ngợi, ấp ủ những cuốn sách mới...

Nhà văn ở đâu trong đại dịch?
Nhà văn ở đâu trong đại dịch?
nh224-van-o-d226u-trong-dai-dich_1.jpg
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

Viết là trách nhiệm

Suốt những ngày tháng dịch bệnh hoành hành, nhiều cây bút văn chương đã tham gia viết báo và bút ký. Một số tác phẩm văn chương, báo chí đã được xuất bản thành sách trong thời gian qua. Nhưng vấn đề đặt ra là sách văn chương ra đời trong giai đoạn này thế nào, liệu có tác phẩm lớn khi hiện thực trước mắt đang đặt ra rất nhiều vấn đề về thời cuộc, sự sống và cái chết. Chiều ngày 4/9 vừa qua, tại cuộc tọa đàm trực tuyến với tựa đề “Văn chương của ngày mai”, một số ý kiến cho rằng, đề tài Covid-19 là của báo chí, chưa hẳn là đề tài của văn chương. Tác giả Hiền Trang nói chị chỉ sáng tác khi có cảm hứng và khi có câu chuyện cần phải viết ra. Còn tác giả Đức Anh tâm sự: “Văn chương cần độ lùi. Trách nhiệm của người viết không gì hơn là quan sát, quan sát đủ lâu, để rồi đưa ra một cái nhìn duy nhất, chính xác và đầy sức mạnh. Tôi nghĩ không nên kỳ vọng những điều khác, vì nó sẽ phi văn chương”.

Thực tế, mỗi cá nhân trong cộng đồng có trách nhiệm, có cách ứng xử với hậu quả nặng nề từ thiên tai địch họa. Nhà văn trước hết là một con người bình thường, cũng chung bầu khí quyển, cũng chịu đựng, thử thách từ đại dịch Covid-19. Nhà văn Phong Điệp chia sẻ: “Trước kia tôi từng ước mình có nhiều thời gian, các công việc được giãn bớt để có thể thực hiện các dự án của bản thân. Bây giờ thì không phải ước nữa. Tôi đang có điều ấy. Nhưng đầu óc, tâm trí tôi bị chi phối quá mạnh mẽ bởi những gì đang diễn ra. Thực tế vượt ra ngoài mọi sự hình dung, tưởng tưởng của mỗi người viết. Đó là chất liệu, là thử thách đồng thời là trách nhiệm đặt ra với mỗi nhà văn. Bạn làm được gì lúc này, nếu bạn không viết?”

nh224-van-o-d226u-trong-dai-dich_2.jpg
Nhà văn Sương Nguyệt Minh.

Khi dịch bùng phát tại TP HCM, rất nhiều văn nghệ sĩ mà đã lập tức xung trận, phát động, kêu gọi giúp đỡ bà con nghèo. Hình ảnh đó tác động mạnh mẽ đến các nhà văn. Nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tâm sự rằng, trong một thời gian dài, tại Đắk Lắk chị cùng hàng nghìn người ngày đêm vận động thực phẩm, rau củ quả gửi cho bà con vùng tâm dịch ở TPHCM, những bà mẹ nhấp nhổm không yên vì con mình vẫn chưa thể về quê, mà không thể gửi thực phẩm vào vùng phong tỏa. “Những điều ấy làm tôi xúc động đến mức không ngủ được. Nửa đêm tôi đã bật dậy để viết, có khi đọc lại muốn khóc vì những người quanh tôi rất thực, họ làm được quá nhiều mà tôi không thể chuyển tải hết trong bài viết của mình. Tôi xây dựng kế hoạch hoàn thiện tập tản văn, tùy bút về vùng đất Tây Nguyên của mình và quyết tâm hoàn thành bản thảo đến cuối năm nay. Tôi cũng tiếp tục viết về cuộc chiến chống Covid-19”, nhà văn Niê Thanh Mai bày tỏ.

Suốt thời gian giãn cách xã hội ở Hà Nội, nhà văn Võ Thị Xuân Hà vẫn luôn làm việc. Chị phụ trách tập hợp và biên tập cho một công ty sách ở TPHCM để chuẩn bị sau khi hết giãn cách sẽ xuất bản hai cuốn bút ký ghi chép về đại dịch của các nhà văn, nhà báo, các tác giả không chuyên. Rất nhiều bài viết phản ánh thực trạng hiểm nguy của đại dịch, những tấm gương của các bác sĩ thầy thuốc, những tấm lòng thiện nguyện hy sinh vì người dân trong tâm dịch… Chị cũng làm Trưởng Ban Giám khảo một cuộc thi rất đặc biệt: Viết về sự tử tế. Tổ chức cuộc thi này là một chàng trai rất trẻ, bị tai nạn mất chân và tay. Bạn ấy cùng nhóm VIẾT, một cộng đồng nhỏ trên facebook âm thầm ghi lại những kỳ tích của người Việt trong những thời khắc không bao giờ có thể quên ở thập niên này.

nh224-van-o-d226u-trong-dai-dich_3.jpg
Nhà văn Phong Điệp.  

Đại dịch là một thử thách?

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho rằng, đại dịch là thử thách đối với người viết văn. Một thử thách mà đâu đó trong tâm thức người sáng tạo vẫn luôn chuẩn bị đối mặt, khi cuộc sống của loài người trượt trên những mảng sụt lún, những tàn phá thiên nhiên, những tính toán mất cân bằng… “Tôi vốn là nhà văn luôn mong muốn sáng tác trong trạng thái thoải mái tích cực. Tôi luyện rèn câu chữ của mình dành cho sự hồi sinh và những vẻ đẹp trên thế gian. Với trạng thái tích cực hứng khởi sáng tạo, câu chữ của tôi sẽ chứa đựng nguồn năng lượng tích cực để đem đến niềm tin cuộc sống cho bạn đọc. Dĩ nhiên trong những điều kiện khắc nghiệt, con người sáng tạo vẫn luôn phải vượt qua để tìm cho mình, chắt lọc cho mình những sản phẩm tinh túy nhất”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói.

Người viết văn ngoài viết báo còn có một sứ mệnh sáng tạo riêng. Cái sự sáng tạo văn chương có thể đồng hành với sự kiện nóng hổi, có thể lui lại, chờ lắng đọng khi thời gian qua đi, có khi lại đi trước thời đại với những phát hiện và dự báo chính xác, và tinh tế khiến bạn đọc bất ngờ, ngạc nhiên, kinh hoàng. Như một điều lạ kỳ ấy đã xảy ra: Từ 40 năm trước, một cuốn tiểu thuyết viễn tưởng kinh dị mang tên The Eyes Of Darkness” (Đôi mắt của bóng đêm) đã được xuất bản, mà tác giả là nhà văn Dean Koontz - người Mỹ. “Đôi mắt của bóng đêm” viết về một loại virus lạ lây lan nhanh, giết chết người có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc. Năm 2008, một tác giả người Mỹ khác là Sylvia Browne cũng viết về những bóng ma của thế giới, với dự báo hết sức chính xác rằng có một loại bệnh giống viêm phổi lây lan toàn cầu, tấn công vào phế quản, phổi, và vô hiệu hóa mọi liệu pháp chữa trị. Căn bệnh lạ này giống như dịch bệnh virus Sars-Cov-2 đột nhiên biến mất và 10 năm sau lại đột ngột xuất hiện tấn công loài người.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng cho rằng, cuộc sống đang đặt lên vai nhà văn thử thách rất lớn, cũng yêu cầu những trách nhiệm đối với thời cuộc, với đất nước. Ông chia sẻ: “Sức tưởng tượng của nhà văn thật là vô cùng, tính phát hiện của văn chương thật là hữu ích, dự báo được những điều khủng khiếp trong tương lai có thể xảy ra với nhân loại. Trông người mà ngẫm đến ta. Có khi nào, các nhà văn chúng ta trăn trở, thao thức trước trang giấy khi virus Sars-Cov-2 đang hoành hành?”.

Cuối cùng, liệu có thể có tác phẩm lớn khi khai thác về đề tài đại dịch Covid-19? Trước câu hỏi này, nhà văn Phong Điệp trả lời: “Thời điểm nào cũng có thể cho ra đời những tác phẩm lớn. Tuy nhiên đây là một giai đoạn thực sự đặc biệt với bất kỳ ai, dù lứa tuổi nào, ngành nghề gì. Nhưng những người làm công việc sáng tạo thì sự tác động vào suy nghĩ, cảm xúc càng mạnh mẽ hơn. Tôi cũng kỳ vọng trong giai đoạn đặc biệt này, các nhà văn trong nước và thế giới sẽ có thể cho ra đời một tác phẩm thật sâu sắc, ấn tượng. Có quá nhiều điều để viết vào lúc này. Quan trọng là chúng ta viết những gì, viết như thế nào”.

nh224-van-o-d226u-trong-dai-dich_4.jpg
Nhà văn Niê Thanh Mai.

Dẫu vậy cũng cần hiểu rằng, sáng tạo đương nhiêu không thể thúc ép. Không nên đặt mục tiêu sau khi đại dịch kết thúc chúng ta sẽ có tác phẩm lớn về đề tài này, mà có thể nhiều năm sau nữa tác phẩm chúng ta kỳ vọng mới ra đời. Người viết cần một độ lắng nhất định để ngẫm, để thấm. Tôi đã từng rất ám ảnh với bộ phim “Đường Sơn đại địa chấn” của đạo diễn Phùng Tiểu Cương. Bộ phim ra mắt năm 2012 có nghĩa là sau hơn 30 năm kể từ khi sự kiện này xảy ra. Vậy nên chúng ta hãy cùng chờ đợi nhưng không nên nóng vội một sản phẩm kiểu mì ăn liền.

Với mỗi người viết văn, cần đào sâu bản thân và quan sát thế giới chính là cách tốt nhất. Ngoài ra mỗi người cần tập trung và thử xem mình đi xa được đến đâu. Đừng bỏ lỡ những chuyển động kỳ lạ và đừng quên đặt ra các câu hỏi giả định trên con đường lý giải thế giới. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đúc kết: “Riêng sáng tác văn học, tôi nghĩ đó là quà tặng của đất trời. Có thể một thời điểm nào đó sẽ được ra đời để lưu lại hậu thế thời khắc Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta, cũng đồng thời cho chúng ta biết thêm, nghiền ngẫm sâu hơn về những bài học sinh tử và tình yêu thương”. 

Thời điểm nào cũng có thể cho ra đời những tác phẩm lớn. Tuy nhiên đây là một giai đoạn thực sự đặc biệt với bất kỳ ai, dù lứa tuổi nào, ngành nghề gì. Nhưng những người làm công việc sáng tạo thì sự tác động vào suy nghĩ, cảm xúc càng mạnh mẽ hơn. Tôi cũng kỳ vọng trong giai đoạn đặc biệt này, các nhà văn trong nước và thế giới sẽ có thể cho ra đời một tác phẩm thật sâu sắc, ấn tượng. Có quá nhiều điều để viết vào lúc này. Quan trọng là chúng ta viết những gì, viết như thế nào.

nguy27887n-v27887n-h27887c
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/nha-van-o-dau-trong-dai-dich-5667243.html Copylink