Sunday, Nov 20, 08:11 AM

Nhà thơ Bằng Việt và bài thơ qua nửa thế kỷ

Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, nguyên quán xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ). Ông là gương mặt nổi bật của thơ hiện đại Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Bước sang thế kỷ 21, ông vẫn miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa. Ở mỗi chặng thời gian, thơ ông luôn thể hiện những thay đổi, nhận thức lại chính mình và thế giới xung quanh. “Nghĩ lại về Pautopxki” là bài thơ đánh dấu chặng đầu tiên trong sự thay đổi, nhận thức lại đó của ông.

Nhà thơ Bằng Việt và bài thơ qua nửa thế kỷ
Nhà thơ Bằng Việt và bài thơ qua nửa thế kỷ

Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, nguyên quán xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ). Ông là gương mặt nổi bật của thơ hiện đại Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Bước sang thế kỷ 21, ông vẫn miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa. Ở mỗi chặng thời gian, thơ ông luôn thể hiện những thay đổi, nhận thức lại chính mình và thế giới xung quanh. “Nghĩ lại về Pautopxki” là bài thơ đánh dấu chặng đầu tiên trong sự thay đổi, nhận thức lại đó của ông.

Qua nửa thế kỷ, bài thơ vẫn có sức sống trong lòng bạn đọc, truyền cảm hứng và tình yêu tha thiết với cuộc đời:

“Đồi Trung du phơ phất bóng thông già

Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió

Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ

Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu!”

“Nghĩ lại về Pautopxki” đã được mở đầu bằng những câu thơ ngọt ngào như thế. Mạch ngọt ngào đó tiếp tục tuôn chảy, tạo nên ma lực, sức hấp dẫn cho đến tận câu cuối cùng. Và lấp lánh, lấp lánh hình ảnh đan kết nhau, hình ảnh của trang văn Pautopxki, của ước mơ tuổi trẻ, của chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ. Những hình ảnh khi tuôn trào, khi dồn đuổi, khi da diết dịu dàng... Giấu kín, ẩn sâu là tiếng thở dài cố nén lại, đầy tiếc nuối:

“Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng,

Nốt cao quá trong đời xao động quá,

Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả

Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn!”

“Nghĩ lại về Pautopxki” của nhà thơ Bằng Việt mang dáng dấp một bài thơ tình, có sức tan tỏa, cộng hưởng rộng rãi trong học sinh, sinh viên miền Bắc những năm 70, 80 và 90 của thế kỷ trước. Nếu đi vào bối cảnh cảm xúc của bài thơ, ta sẽ nhận được nhiều hơn thế.

Nhận thức lại về cuộc sống

Sau quãng thời gian du học ở Nga, năm 1965, nhà thơ Bằng Việt trở về nước. Ông hòa mình vào cuộc sống chiến đấu của toàn dân tộc, với lòng nhiệt tình hăm hở của một trí thức trẻ khao khát được cống hiến, được đền ơn mảnh đất đã sinh thành và nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho mình ăn học thành tài.

Năm 1968 - 1969 là thời kỳ khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang đánh phá miền Bắc. Nhiều sinh viên, học sinh tình nguyện nhập ngũ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Song đâu chỉ có “lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhà thơ Bằng Việt tâm sự: “Mức độ khốc liệt của chiến tranh đã làm thay đổi toàn bộ nhận thức của lớp thanh niên chúng tôi. Chính vì thế, chúng tôi có suy nghĩ rằng: Nếu rời bỏ mái trường, mái ấm gia đình, những suy tư bé nhỏ cùng những niềm vui tuổi học trò trong sáng, lãng mạn ngây thơ để bước thẳng vào cuộc chiến đầy khốc liệt và thử thách này thì cần phải có những thay đổi như thế nào cho thích ứng”.

Tháng 7.1968, K. Pautopxki - nhà văn lãng mạn nổi tiếng của nước Nga qua đời. Sự ra đi này để lại niềm tiếc nuối cho những người yêu vẻ đẹp tinh tế, mơ mộng của văn chương Pautopxki, đặc biệt qua các truyện ngắn như “Chuyến xe đêm”, “Tuyết”, “Lẵng quả thông”. Tờ tạp chí Văn học của Nga in bài phỏng vấn nhà văn Pautopxki lúc cuối đời, khi ông đang nghỉ ở Crưm. Trong bài phỏng vấn đó, Pautopxki thừa nhận cảm giác buồn và day dứt vì nỗi những tác phẩm của ông dù được nhiều thế hệ thanh niên say mê tìm đọc, nhưng vẫn đi bên cạnh, đi bên lề những khốc liệt, thử thách lớn lao nhất của thế kỷ 20. Ông cho rằng, tác phẩm của ông thiên về cái đẹp, sự bay bổng trong sáng và lòng tin yêu con người. Đó cũng là một đề tài rất quý, nhưng rõ ràng, nếu so với tác phẩm của nhiều nhà văn khác ở thế kỷ 20 thì ông chưa chạm đến bao vấn đề phức tạp ngổn ngang của đời sống, chiến tranh và thân phận con người. Pautopxki khuyên người viết trẻ muốn thành công cần đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng đang diễn ra, đang thu hút sự chú ý của toàn nhân loại.

Tâm sự cuối đời của nhà văn Pautopxki thêm một lần nữa tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và tình cảm của người thanh niên trẻ Bằng Việt, được chứng thực trong những tháng ngày ở Trường Sơn. “Cuộc sống vừa đơn giản hơn, vừa khốc liệt hơn, vừa dung dị hơn rất nhiều so với những trang sách đầy hào quang đầy ánh sáng mà tôi từng mê say thời niên thiếu. Những thứ bảy sắc cầu vồng trong văn học và trong trang sách của Pautopxki sẽ không chịu được sự thử lửa của cuộc chiến, sự thử lửa của đời sống thực tại. Tôi cũng đang mong muốn bước vào văn chương, muốn viết một cái gì đó để lại được lâu dài. Có lẽ cũng phải nghĩ theo cách nghĩ của Pautopxki, phải có gan vứt bỏ đi tất cả những gì quá đẹp đẽ, quá cao vời mà không còn phù hợp với thực tế khốc liệt đang diễn ra”.

Như vậy, “Nghĩ lại về Pautopxki” là một tuyên ngôn hành động, là bằng chứng của sự nhận thức lại trong tâm hồn người trai trẻ Bằng Việt. Bước vào cuộc chiến, mỗi người đều thấu hiểu trách nhiệm bổn phận của mình trước Tổ quốc, phải tự hy sinh những ham muốn mộng ước cá nhân để chuyển hóa mình. Những say mê lãng mạn của tuổi trẻ có thể vỡ như bong bóng xà phòng trước khốc liệt của cuộc thử lửa. Mặt khác, khi tự nguyện rời bỏ, ngày chiến thắng trở về, chưa chắc ta có thể lấy lại được những điều đẹp đẽ trong sáng ấy. Đó cũng là mất mát không thể nào quên nguôi. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh cụ thể, mỗi người đều phải hy sinh lợi ích cá nhân, để đảm bảo được tư thế công dân của mình, thích ứng với bao thử thách trước mắt.

Lời chia tay tình đầu

“Đưa em đi... Tất cả thế xong rồi...

Ta đã lớn. Và Pauxtốpxki đã chết!

Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện “Tuyết”,

Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!”

Năm 1969, nhà thơ Bằng Việt vào Trường Sơn cùng với nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Phạm Tiến Duật, trong quân số của binh đoàn 559. Cũng năm đó, người bạn gái tên Tâm, mối tình đầu của nhà thơ Bằng Việt thuộc quân số của đoàn văn công quân giải phóng miền Nam nhận lệnh vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ. Nhà thơ Bằng Việt đã kịp gửi bài thơ này tới người bạn gái, như lời từ biệt trước lúc chia tay. Nỗi niềm riêng tư ấy là chất xúc tác, là lý do cụ thể góp vào sự ra đời của tác phẩm, đồng thời đem đến cho bài thơ vẻ đẹp trong sáng, da diết, vừa khắc khoải, vừa tràn đầy rung động. Phải rất lâu sau cuộc chia tay này, họ mới gặp lại nhau, như những người bạn. “Tôi nghĩ có thể đấy là đặc điểm kết hợp được cả hai phía, một phía là tử những ý nghĩ khách quan về nhận thức, một phía là cảm xúc rất thật từ chủ quan, khi mình đang có một mối tình và chúng tôi phải chia tay để cùng bước vào thử thách mới”.

“Nghĩ lại về Pautopxki” là cuộc nhận thức lại lần thứ nhất của nhà thơ Bằng Việt - giã biệt những mộng mơ thời sinh viên để bước vào cuộc đời chiến đấu của một thi sĩ - chiến sĩ. Cần phải nghĩ khác, sống khác, viết khác. Ông đã làm được điều ấy, dù có phải nén lòng.

Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế!

Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể,

Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu

Khi em đến bên anh trước biển cả dâng triều...

Sau này, trong hành trình sống hành trình thơ, nhà thơ Bằng Việt tiếp tục những cuộc nhận thức khác. Mỗi cuộc nhận thức đều gắn với bước chuyển của thời đại, của lịch sử. Ví như năm 1986, ông có bài “Bánh chưng bánh dày”. Bước sang thế kỷ 21, ông viết “Đồ vật cũ”. Khi đất nước mở cửa đoàn tụ dân tộc, ông viết “Rượu của Nguyễn Cao Kỳ”... Những sáng tác ấy cho thấy con người trí thức trong ông luôn tha thiết với Tổ quốc và nhân dân mình, luôn tự soi chiếu bản thân, soi chiếu đời sống để chuyển hóa mình, sao để vừa không đánh mất mình vừa theo kịp những bước đi thời đại.

anh-th2624
Theo Lao động https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nha-tho-bang-viet-va-bai-tho-qua-nua-the-ky-857652.ldo Copylink