Phim Việt đoạt giải thưởng quốc tế: Giá trị đến đâu?
Những năm qua, nhiều phim Việt tham dự và đoạt giải trong các Liên hoan phim (LHP) quốc tế đã không còn là hiếm hoi. Nhưng chất lượng các giải thưởng đến đâu, những tác phẩm điện ảnh đó có thực sự là hình mẫu, hay những minh chứng cho sự phát triể...
Nhiều phim “gặt” giải
Mới đây, bộ phim điện ảnh cổ trang “Kiều” từng gây tranh cãi trong nước do Mai Thu Huyền làm đạo diễn, kiêm giám đốc sản xuất - diễn viên, đã bất ngờ nhận được giải thưởng “Most Outstanding Film of the Year” (Bộ phim xuất sắc nhất của năm) tại một sự kiện trong khuôn khổ Asian World Film Festival (LHP Thế giới châu Á) lần thứ 7 diễn ra tại Mỹ.
Phim “Kiều” nhận giải tại sự kiện “Once Upon Vietnam” là một sự kiện được tổ chức lần đầu tiên, diễn ra với sự kết hợp giữa ban tổ chức của AWFF và bộ ba doanh nhân trẻ người Mỹ gốc Việt.
“Phượng khấu” thì được chiếu cùng với phim “Bố già” tại Vietnam Film Day dành cho phim Việt và giải thưởng của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng không nằm trong hạng mục chính của AWFF. Phim “Phượng khấu” từng được khán giả chờ đợi bởi đây là tác phẩm dã sử khai thác cuộc đời của bà Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ hoàng thái hậu) của triều Nguyễn. Trong nước, phim gây thất vọng vì phần kịch bản dài dòng và dàn diễn viên lớn tuổi, lối diễn xuất còn nặng chất kịch. Vì không phải tác phẩm ghi dấu ấn của điện ảnh Việt nhưng lại thắng giải quốc tế gây nên bất ngờ ban đầu, nhưng khi tìm hiểu thì thực tế các giải trên đều không nằm trong hạng mục chính của AWFF và cũng không cạnh tranh cùng các tác phẩm quốc tế khác.
Dễ nhận thấy các giải thưởng này mang nhiều tính chất động viên, cổ vũ tinh thần, không mang giá trị công nhận về chất lượng, tôn vinh sự phát triển nghề bởi thiếu việc “đãi cát tìm vàng”, cạnh tranh cùng các phim quốc tế.
Trước đó, nhiều phim Việt cũng bất ngờ nhận giải quốc tế như: “Người lắng nghe: Lời thì thầm” thuộc thể loại phim tâm lý, kinh dị của Việt Nam vừa gây bất ngờ khi nhận đến 3 giải quan trọng tại Liên hoan phim Nghệ thuật điện ảnh châu Á (Asia Film Art International Film Festival – AFAIFF) do Hiệp hội Nghệ thuật điện ảnh Hong Kong tổ chức.
Hay tác phẩm “Lật mặt 5: 48H” của nhà sản xuất, đạo diễn kiêm diễn viên Lý Hải nhanh chóng ghi dấu ấn khi giới thiệu tại các rạp phim trên nước Mỹ. Phim vinh dự nhận được lời khen ngợi từ Thị trưởng Fountain Valley (Mỹ) – Patrick Harper. Ngài Thị trưởng đánh giá cao từ kết cấu nội dung sáng tạo, các cảnh quay hành động đặc sắc và đặc biệt là hình ảnh mang đậm tính đồng quê Việt Nam.
Với “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, chỉ sau 2 tháng ra rạp, bộ phim đã đạt gần 70 tỷ doanh thu phòng vé. Thậm chí, bộ phim còn khiến khán giả Việt bất ngờ khi tham gia Liên hoan phim quốc tế Busan – Liên hoan phim danh giá nhất châu Á. Bên cạnh đó, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” được đề cử tranh giải hạng mục A Window of Asia Cinema – hạng mục dành cho những tác phẩm điện ảnh mới của các nhà làm phim châu Á…
Chất lượng đến đâu?
Nói về phim Việt đoạt giải ở các LHP, có ý kiến cho rằng, phim Việt đoạt giải dù lớn hay nhỏ đều mang đến niềm vui chung cho ngành điện ảnh. Dẫu biết mỗi LHP đều có quy mô lớn nhỏ khác nhau, đều có tiêu chí riêng khi chấm giải. Được gọi tên chiến thắng đã là tín hiệu vui, được gọi tên liên tục là đáng mừng, cho thấy điện ảnh Việt cũng có sự phát triển nhất định theo năm tháng. Dù các giá trị còn khiêm tốn nhưng ít ra phim Việt cũng đã được chú ý.
Và yếu tố giải thưởng cũng là để khẳng định chất lượng của mỗi tác phẩm điện ảnh Việt với khán giả trong nước. Đồng thời đó là phương tiện để quảng bá, thu hút khán giả tới rạp. Tuy nhiên, với thực trạng phim Việt “vàng thau lẫn lộn” hiện nay, không ít ý kiến cho rằng, phim rinh giải quốc tế chưa hẳn đã đảm bảo về mặt chất lượng. Vì sao? Vì nếu trong những LHP danh giá như giải Oscar hay LHP Berlin, LHP Cannes, LHP Venice, thì để thuyết phục khán giả quốc tế quan tâm tới phim Việt quả không dễ dàng.
Nhưng với các LHP quốc tế nở rộ như hiện và phim Việt không khó để đoạt giải, thì chính khán giả Việt cũng băn khoăn và có cái nhìn khắt khe hơn với phim Việt đoạt giải quốc tế. Bởi thực tế, những LHP online, LHP ảo được lập với mục đích kêu gọi quyên góp sẽ có giải thưởng hoặc các giải thưởng chỉ là bên lề sự kiện chính, tôn vinh tác phẩm theo kiểu động viên, phim tham gia sẽ có giải, có quà, không có giá trị thật.
Theo nhà biên kịch Thanh Hương, chúng ta không thể cấm hay khuyên nhà làm phim nên đến LHP nào và không nên đến LHP nào, kể cả họ có chấp nhận những LHP ảo để lấy danh ảo cũng là quyền của họ. Khán giả ngày nay tinh tế, có kiến thức, tiếp cận nhiều nguồn thông tin nên hoàn toàn có thể biết được đâu là giá trị thật, đâu là giá trị ảo, đâu là vàng, đâu là thau. Khán giả cũng không vì phim này gặt hái giải thưởng quốc tế này, quốc tế kia để quyết định có xem phim hay không.
Nói về giải thưởng tại các LHP, nhà lý luận điện ảnh Đào Lê Na cho hay: Khác với nền điện ảnh Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc..., điện ảnh Việt Nam vẫn tồn tại quá nhiều vấn đề. Chúng ta chưa có bước chân thực sự ở các LHP thế giới. Thực tế, ở các sân chơi khu vực như LHP quốc tế Busan, phim Việt còn chật vật để bước lên bục vinh quang. Còn Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã đi LHP Cannes, Berlin, giải Oscar... mấy chục năm nay và gặt hái nhiều giải thưởng lớn trên thế giới. Nền điện ảnh của họ đã được nhiều người biết đến. Hàn Quốc gặt hái quả ngọt như ngày hôm nay bởi họ có nền móng rất vững chắc. Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng chiến lược bài bản, dài hơi để đưa công nghiệp văn hóa của họ vươn ra toàn cầu.
“Các bộ phim Việt Nam gửi đi Oscar rồi ra về trắng tay là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thứ nhất, những bộ phim dự Oscar, nhất là ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”, thường có tính phản biện xã hội rất cao. Thứ hai, nó khá đậm đặc văn hóa bản địa, giúp khán giả khám phá ra chiều sâu văn hóa của quốc gia đó. Phim Việt vẫn cố gắng kể những câu chuyện đậm bản sắc văn hóa nhưng chúng ta bị ảnh hưởng từ nước ngoài quá nhiều. Chú tâm chọn những đề tài rất truyền thống, nhân văn nhưng cách kể thì có một chút bóng dáng của đạo diễn nước này, một chút phong cách của đạo diễn nước kia. Những nhà làm phim kỳ cựu trên thế giới chỉ cần xem vài ba thước phim sẽ nhận ra phong cách đó của đạo diễn nào”, bà Đào Lê Na phân tích.
Những năm gần đây phim đạt doanh thu trăm tỷ đồng khá nhiều. Cũng có phim được chào bán ở nước ngoài như “Hai Phượng”, “Lật mặt 4”... Nhưng chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước chia sẻ: Chuyện doanh thu đạt trăm tỷ nói cho cùng vẫn chẳng phải là yếu tố then chốt để có thể định hình vững chắc cái gọi là thương hiệu điện ảnh Việt. Có chăng, doanh thu phim Việt khả quan sẽ là nền tảng bước đầu giúp toàn ngành điện ảnh Việt tồn tại và phát triển ở giai đoạn “cửa ngõ” trong cái thế chập chững hòa nhập với nền công nghiệp điện ảnh ở trong nước, xa hơn là khu vực châu Á.
“Để người Việt yêu phim Việt hơn nữa, cách duy nhất là phải làm phim Việt hay hơn. Truyền thông phim không phải là “cây đũa thần” để có thể “lột xác” bất kỳ bộ phim nào dưới mắt khán giả - vốn dĩ họ ngày càng có trình độ thưởng ngoạn cao, đòi hỏi khắt khe hơn”, chuyên gia Châu Quang Phước bày tỏ.