Phóng sinh đúng cách ngày Rằm tháng Giêng 2021
Phóng sinh ngày Rằm tháng Giêng đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa người Việt, nhưng phóng sinh thế nào cho đúng cách, mang lại sức khỏe, phúc đức cho con người thì không phải ai cũng biết.
Phóng sinh ngày Rằm tháng Giêng đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa người Việt, nhưng phóng sinh thế nào cho đúng cách, mang lại sức khỏe, phúc đức cho con người thì không phải ai cũng biết.
Phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó cơ hội tiếp tục sống
Trong nhiều năm nay, người Việt vẫn có quan niệm “Đi lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” và đặc biệt trong ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, người dân thường thực hiện các nghi lễ cúng bái trong dịp này, trong đó có việc phóng sinh.
Thượng toạ Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, Quận 10, TPHCM cho biết, theo quan niệm của Phật giáo, việc phóng sinh dựa trên nền tảng của giáo lý Phật giáo là luật nhân quả. Người sát sinh nhiều sẽ mang theo nghiệp giảm thọ, mang thân bệnh tật ngược lại, người phóng sinh nhiều thì sẽ được công đức về sức khỏe, tăng phúc đức, tuổi thọ.
Theo thượng toạ Thích Nhật Từ, việc phóng sinh cần phải thực hiện đúng cách, đúng chỗ, đúng người đúng việc, không nhất thiết phải thực hiện chỉ trong ngày Rằm tháng Giêng mà việc phóng sinh có thể được thực hiện mọi lúc mọi nơi.
“Từ trước tới nay chúng ta đi ra đường, thấy một con cá hoặc một con chim đang gặp nguy hay bị giam cầm, với cái tâm từ bi muốn cứu một sinh linh thì mình có thể tiến hành phóng sinh, giải phóng cho nó trở về cuộc sống bình thường” - Thượng toạ Thích Nhật Từ chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi phóng sinh không cần để ý quá về hình thức, tiến hành những nghi lễ rườm rà.
Phóng sinh có thể tạo tiền đề cho nghiệp giam cầm, phóng tử
Hiện nay, nhiều người tổ chức phóng sinh theo phong trào, làm rùm beng mà không hiểu sâu sắc được ý nghĩa của việc này, việc làm này là không nên, đi trái với giáo lý của nhà Phật.
Phóng sinh hiện đang bị biến tướng và người phóng sinh còn mắc tội thúc đẩy sát sinh, do hành động tìm mua số lượng lớn những con vật để phóng sinh đã thúc đẩy việc người ta đi bẫy chim, bắt cá, làm tổn hại tới những loài sinh vật mà họ chọn để phóng sinh.
Theo đó, có rất nhiều con vật phóng sinh bị bắt đã được phóng sinh, thả vào thiên nhiên nhưng sau đó lại bị bắt lại, nhiều lần như vậy cho đến khi chết.
Thay vì việc tổ chức cúng phóng sinh rầm rộ bằng hình thức đặt hàng trước với số lượng lớn như hiện nay, Phật tử thành tâm có thể thực hiện một cách thầm lặng, bằng những hành động nhỏ. Quan trọng nhất vẫn là cái tâm hướng thiện, thì ắt sẽ mang lại phúc đức.
"Phóng sinh là một việc thiện nhưng chính hành động đó đã tiếp tay cho đội quân chuyên đi săn lùng bắt các loại chim vào những dịp lễ, vô tình tiếp tay cho những người đi đánh bắt gây thêm nghiệp sát, nghiệp giam cầm" - Thượng toạ Thích Nhật Từ.
Thượng toạ Thích Nhật Từ cũng khuyên rằng, việc phóng sinh của mọi người cần hòa hợp và đề cao sự cân bằng trong môi trường. Có những vùng cần phục hồi một số loại sinh vật khác nhau, việc mua đúng các chủng loại đó và phóng sinh ở khu vực đó thì sẽ đem lại đúng giá trị cân bằng hệ sinh thái.
Nếu phóng sinh mà lại gây ảnh hưởng đến môi trường bằng những hành vi như xả túi nilon tại các sông hồ, vứt rác bừa bãi sau khi phóng sinh hay thả những sinh vật phóng sinh không phù hợp môi trường thì phóng sinh là bị biến thành việc làm không tốt.