Monday, Jan 23, 02:01 PM

Phong tục đón Tết độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số

Mỗi khi những cành đào khoe sắc thắm, cành lê trắng điểm khắp núi đồi thì không khí đón Tết lại rộn ràng khắp nơi. Với 54 dân tộc anh em, Việt Nam không chỉ đa dạng về ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, lối sống, sinh hoạt mà những phong tục độc đáo để chào đón Tết Nguyên đán của các dân tộc thiểu số đã góp phần làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa dân tộc.

Phong tục đón Tết độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số
Phong tục đón Tết độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số
 

Tục xem bói gan lợn thiến của người Hà Nhì

Dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc đón Tết sớm hơn so với lịch chung của Tết cổ truyền. Người Hà Nhì không có ngày ăn Tết cụ thể như những dân tộc khác. Thay vào đó, những già làng, trưởng bản sẽ cùng bàn bạc và thống nhất lựa chọn ngày ăn Tết cụ thể cho dân làng. Những người đứng đầu sẽ phải căn cứ vào các yếu tố tự nhiên như thời tiết, khí hậu, mùa màng cũng như điều kiện kinh tế của dân làng để lựa chọn một ngày cụ thể phù hợp, đảm bảo được tất cả các điều kiện trên.

Người Hà Nhì bói gan lợn trong ngày tết.

Người Hà Nhì bói gan lợn trong ngày tết.

Trong ngày Tết, lễ vật các gia đình người Hà Nhì dâng cúng tổ tiên bắt buộc phải có thịt lợn. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, mọi nhà đều mổ lợn đón năm mới, nhưng phải là lợn đực, được thiến từ đầu năm và vỗ béo. Khi mổ lợn, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì, giống như người Kinh vẫn hay xem chân gà dịp Tết. Người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi mới, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em, con cháu vui vẻ, thuận hòa.

Phong tục lấy nước cầu may của người Thái

Người Thái ở Sơn La và Lai Châu đón Tết hầu như suốt cả mùa, gọi là mùa Tết, trong đó lớn nhất là Tết Nen Bươn Tiền (Tết Nguyên đán). Đêm Giao thừa Tết Nen Bươn Tiền, người lớn quây quần bên bếp lửa chào đón những giây phút quan trọng, sự chuyển giao của năm cũ sang năm mới; các chàng trai, cô gái tiếng trống chiêng, tiếng hát giao duyên cùng vang lên chờ đợi đồng hồ báo 12 giờ thì sẽ đi lấy nước cầu may. Tục lấy nước cầu may của người Thái có từ lâu đời và đến nay vẫn được lưu truyền.

Việc lấy nước phải được thực hiện trước khi gà gáy canh 1. Nếu như lấy nước khi gà đã gáy sẽ không còn ý nghĩa. Nước để lấy là nước suối, nhưng nếu ai lấy được nước ở đầu nguồn của con suối thì sẽ càng mát trong, thanh khiết hơn. Người Thái quan niệm, lấy nước suối ở đầu nguồn về uống và rửa mặt trong những giây phút đầu tiên của năm mới thì sẽ được thanh khiết và năm đó họ cùng gia đình sẽ luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn.  

Tết Giọt nước của người Xơ đăng

Người Xơ đăng (Kon Tum) có hai tết chính, đó là Tết Giọt nước và Tết Lửa. Tết Giọt nước vào khoảng tháng 3 dương lịch. Sau khi mãn mùa, người Xơ đăng bắt đầu sửa sang lại các máng nước và tổ chức lễ "cúng máng" cầu mong Thần nước (Yang Dak) ban cho dân làng năm mới được mùa, nước non đầy đủ. Máng nước này là dụng cụ người Xơ đăng sử dụng để dẫn nguồn nước sạch từ những con suối chảy về các lu chứa nước của gia đình. Những chiếc máng nước này thường được làm bằng tre.

Sau khi lấy nước, người Xơ đăng sẽ tổ chức một bữa tiệc lớn diễn ra trong nhiều ngày. Riêng "Lễ cúng máng nước" cho buôn làng được tổ chức tại nhà Rông do thầy cúng tổ chức.

Tục “không làm bánh ngày chẵn” của người Nùng

Người Nùng đón Tết gần giống người Kinh. Bữa ăn Đêm Giao thừa luôn được coi trọng nhất và nhất thiết phải có bánh chưng. Nhưng điều đặc biệt, trước đó mấy ngày người Nùng không bao giờ gói bánh vào những ngày chẵn. Bởi họ tin rằng những ngày chẵn không may mắn, nếu cố tình gói bánh chưng vào ngày đó thì nương ruộng dễ bị vỡ lở, sâu bọ phá hoại mùa màng.

Món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ truyền thống của người Nùng dịp Tết là món thịt gà trống thiến. Gà trống dùng để thịt trong lễ phải được nuôi trước Tết nhiều tháng và chỉ cho ăn gạo. Ngoài ra, món "bánh khọt" và xôi ngũ sắc cũng không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết của người Nùng.

Các điệu múa của người Lô Lô trong ngày tết.

Các điệu múa của người Lô Lô trong ngày tết.

Tục đánh thức gia súc trong ngày Tết của người Lô Lô

Phong tục đón Tết của người dân tộc Lô Lô rất đơn giản, không quá ồn ào nhưng lại có nét riêng vô cùng thú vị. Bắt đầu từ ngày 28, 29 tháng Chạp, tất cả các thành viên trong gia đình cùng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đi đổ rác tại các ngã ba, ngã tư. Họ tin rằng, khi làm vậy sẽ loại bỏ được những điều không may mắn trong năm cũ và chào đón năm mới với nhiều may mắn và hạnh phúc hơn.

Khi tiếng gà gáy đầu tiên vang lên trong Đêm Giao thừa các chủ hộ người Lô Lô sẽ cử một thành viên trong nhà đi đánh thức đàn gia súc để chúng cùng được đón Tết. Cùng thời điểm này, một thành viên được chọn để đi gánh nước, những người khác sẽ đi cho gia súc ăn. Người Lô Lô tin rằng, những âm thanh của gia súc sẽ góp phần khiến không khí đón năm mới thêm náo nhiệt và rộn rã.

Tục gọi trâu về ăn Tết của người Mường

Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hòa Bình đã chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày cả năm. Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời "những người bạn đồng hành" này về ăn Tết với gia đình. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.

Phong tục dán giấy đỏ của người Cao Lan

Người dân tộc Cao Lan chuẩn bị Tết vô cùng chu đáo, bởi đây được coi là cơ hội để tất cả mọi người cùng nghỉ ngơi và thỏa sức vui chơi sau một năm làm việc vất vả. Trong dịp Tết, tất cả các gia đình cùng tụ họp bên những bếp lửa đỏ, cùng nhau chia sẻ về những khó khăn, vất vả trong năm cũ và mong muốn một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió. Người Cao Lan đón Tết với một bầu không khí rực rỡ với sắc đỏ tràn ngập không gian.

Một số nơi trong nhà của người Cao Lan như cửa nhà, cổng ra vào, chuồng gia súc... đều được dán giấy đỏ trước Tết 2 ngày. Với màu đỏ rực rỡ phong tục này của người Cao Lan với hy vọng có được may mắn, hạnh phúc và nhiều điều tốt đẹp trong năm tới, một năm tài lộc đầy nhà, an khang thịnh vượng.

Tục vỗ mông tỏ tình của đồng bào Mông.

Tục "vỗ mông" tỏ tình của đồng bào Mông.

Tục "vỗ mông" tỏ tình của đồng bào Mông

Mùa xuân với người Tày là những đêm xòe rạo rực bên ánh lửa hồng, còn với người Mông là hội xuân Sải Sán (tức là hội chơi núi mùa xuân, có nơi còn gọi là hội xuân Gầu Tào), là tiếng khèn Mông dập dìu bên sườn núi réo rắt gọi mùa xuân, gọi bạn tình, là những bát rượu ngô vừa nấu vẫn còn thơm mùi men của lá rừng. Đầu năm mới, người Mông thường tấp nập đi hội xuân Sải Sán.

Trong hội xuân này, cùng với các hoạt động như: Ném pao, thổi khèn, hát giao duyên thì tục "vỗ mông" cũng được coi là nét văn hóa tiêu biểu trong ngày Tết của người Mông. Trong ngày Tết, nếu chàng trai ưng ý cô gái nào, anh ta sẽ vỗ vào mông cô gái đó. Cô gái được chọn nếu cũng vừa lòng thì sẽ vỗ lại vào mông "đối tác" lần nữa. Cứ thế, cả hai sẽ vỗ qua vỗ lại cho đủ 9 lần, tức là cả hai bên đã chấp thuận và chỉ còn đợi ngày kết duyên thành vợ chồng.

MINH CHÂU
Theo Báo Dân Sinh https://baodansinh.vn/phong-tuc-don-tet-doc-dao-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-20230123083057.htm Copylink