Ra mắt bản dịch 'Tế bào khởi nguyên' của GS Arza Raza
Được đánh giá là cuốn sách khoa học hay nhất năm 2019 của Amazon, “Tế bào khởi nguyên” đã đề cập trực diện vào câu hỏi về cách con người đang đối phó với ung thư. Liệu cách chúng ta nghiên cứu ra các phương pháp để điều trị ung thư có đúng hay khô...
“Sử dụng lối viết dễ đọc, dễ hiểu để diễn giải kiến thức chuyên sâu, Azra Raza đã làm thay đổi cách hàng triệu người nói chuyện về bệnh ung thư nhiều năm qua và sẽ còn tạo ra ảnh hưởng rộng rãi trong nhiều thập kỷ tới”, Siddhartha Mukherjee, tác giả best sheller “Hoàng đế của bách bệnh” đã chia sẻ nhận xét của mình về “Tế bào khởi nguyên” như vậy.
Điều quan trọng nhất ở đây là “Tế bào khởi nguyên” là một trong số hiếm hoi các cuốn sách viết về ung thư đưa ra phân tích về ung thư trên từng ca bệnh cụ thể. Azra Raza quan niệm rằng “nói về ung thư như một căn bệnh giống như bảo châu Phi là một quốc gia”. Mỗi một loại ung thư đều có những đặc điểm riêng. Mỗi một bệnh nhân mắc ung thư lại có một đặc trưng riêng không chỉ về thời gian sống, khả năng chữa lành mà cả khả năng đáp ứng với thuốc, hóa trị, xạ trị khác nhau.
Hầu hết chúng ta đều không mường tượng ra được một bệnh nhân ung thư sẽ trải qua những gì. Azra Zara đã dũng cảm sử dụng lại những kí ức đau buồn về những bệnh nhân mà bà đã điều trị, trong đó có cả những người thân, để đưa ra những hình ảnh chân thực nhất về những gì họ đã trải qua. Tất nhiên đó hầu hết là những ca nặng mang đầy những cơn đau cả về thể xác lẫn tinh thần, mang đầy khát khao sống trong những thời khắc cuối cùng và mang đầy sự tuyệt vọng khi những hi vọng mong manh cứ mỗi lúc một lụi tàn.
Thông qua chính những ca bệnh điển hình ấy cùng kinh nghiệm nhiều năm làm trong viện nghiên cứu thuốc Chan Soon-Shiong, Azra Zara đã lột trần ra thực tế nghiệt ngã của các phương pháp chữa trị ung thư suốt nửa thế kỉ qua. Chúng hầu hết đều chỉ đem đến một quãng thời gian ngắn ngủi mà người bệnh được kéo dài thêm sự sống. Chỉ 20 hay 30% trong số họ đáp ứng với việc điều trị. Còn lại người ta không biết đâu là 70 hay 80% những người không đáp ứng và chỉ đổi lấy những di chứng, hệ lụy khủng khiếp về thể xác. Bà cũng không quên nói đến sự tốn kém đến vô cùng về tài chính của người bệnh và gia đình.
Cuốn sách khiến cho chúng ta thức tỉnh theo nhiều cách khác nhau. Azra Zara không đẩy chúng ta vào tuyệt vọng mà bà khiến mỗi bệnh nhân ung thư hiểu mình có bao nhiêu cơ hội khi phát hiện ra ung thư ở giai đoạn muộn. Không phải dọa dẫm mà bà đề xuất chúng ta theo đuổi cách thức ít tốn kém hơn đó là cố gắng phát hiện sớm ở ngay tế bào bị lỗi đầu tiên.
Bởi ung thư, theo bà, chúng có một trí thông minh ghê gớm để luôn biến đổi, thích nghi nhằm có thể sống sót trước sự tấn công của thuốc, hóa chất, phóng xạ. Cũng chính vì thế, bà cũng gửi một thông điệp sâu sắc tới các bác sĩ và những người nghiên cứu ung thư không được phép ru ngủ bằng những thứ trông có vẻ hứa hẹn mà phải hiểu rằng việc họ đang làm đem lại hiệu quả rất giới hạn cho người bệnh.