Monday, Feb 21, 02:02 PM

Sa Pa... lặng lẽ

Bạn bảo Sa Pa đã thôi... lặng lẽ. Lối dẫn người đi, xuyên qua những công trường, tưởng không còn nơi trú ngụ một nỗi niềm. Nhưng hoá ra trên một độ cao băng giá của những người “kỹ sư canh trời”... tôi vẫn tìm thấy một Sa Pa lặng lẽ, nối dài từ ký ức. Lặng lẽ mà tha thiết!

Sa Pa... lặng lẽ
Sa Pa... lặng lẽ

Bạn bảo Sa Pa đã thôi... lặng lẽ. Lối dẫn người đi, xuyên qua những công trường, tưởng không còn nơi trú ngụ một nỗi niềm. Nhưng hoá ra trên một độ cao băng giá của những người “kỹ sư canh trời”... tôi vẫn tìm thấy một Sa Pa lặng lẽ, nối dài từ ký ức. Lặng lẽ mà tha thiết!

1. Chiếc xe greenbus chạy từ Hà Nội lúc 22h, trả khách ở bến xe Sa Pa chừng gần 5h sáng. Cửa mở, hành khách kéo chăn. Rùng mình! Sương lạnh của vùng đất ở độ cao trung bình khoảng 1.500-1.600m so với mặt nước biển, lặng lẽ trườn vào mang đến một cảm giác buổi sớm vùng cao... tê tái.

Tôi muốn trở lại Sa Pa ở khoảnh khắc ấy để chạm vào thị xã một cách thân thuộc nhất.

Khách sạn nhỏ xinh 1911 nằm ở phố Xuân Viên là nơi tôi có thể ngắm căn biệt thự Pháp màu vàng nhạt (giờ trở nên nhỏ bé) ở phía đối diện. Đó là nơi cô tôi từng ở để làm việc trên Trạm khí tượng Sa Pa từ năm 1975 - một quan trắc viên khi ngoài 20 tuổi. Sau này, cô còn làm việc ở nhiều Trạm khí tượng khác của miền núi phía Bắc. Nhớ về cô là nhớ về hình ảnh người phụ nữ mảnh dẻ, từng vật vã với bệnh hen phế quản, dù đêm mưa hay rét cắt thịt da, đến ca trực là ôm chiếc đèn pin, đi bộ, leo ngược dốc, lên trạm... Đứa con gái út hôm nào cũng buộc chỉ vào cổ tay mình và mẹ để giữ không cho mẹ đi làm đêm mà không bao giờ biết chỉ đứt nửa đêm, đến sáng lại liền. Cô viết chữ số đẹp, đều tăm tắp và đọc những con số đó trên đài chuyển số liệu đi các trạm khu vực...

Biển dẫn đường lên Trạm Khí tượng Sa Pa thuộc Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Việt Bắc. Ảnh: Cao Hải Giang
Biển dẫn đường lên Trạm Khí tượng Sa Pa thuộc Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Việt Bắc. Ảnh: Cao Hải Giang

Căn phòng nơi cô ở cùng đồng nghiệp giờ nhỏ bé trong không gian mới của một...thị trấn mới lên thị xã. Một thị trấn trong sương giờ thành thị xã giăng giăng bụi. Và tôi chọn cách đi về phía ký ức mù sương để kiếm tìm sự hiện diện của một Sa Pa lặng lẽ.

Ông Nguyễn Văn Ngọ, sinh năm 1942 - nguyên mẫu nhân vật “anh thanh niên làm khí tượng kiêm vật lý địa cầu” một mình trên trạm khí tượng nơi đèo heo hút gió trong “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, nhà ở ngay thị xã. Ông giản dị, chân thành nhưng cẩn trọng, khiêm nhường:

“Tôi học trường khí tượng Hà Bắc năm 21 tuổi sau khi đi kháng chiến. Đài Vật lý địa cầu là tên đầy đủ của Đài chúng tôi, thành lập năm 1957, gắn với chương trình “năm Vật lý địa cầu quốc tế 1957-1958”, có sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Ba Lan. Đây là Đài quốc tế, hoạt động trong hệ thống đài khí tượng thế giới và nghiên cứu rộng về nhiều lĩnh vực như thời tiết, khí hậu, từ trường... Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu đã đến đây. Đài có nhiều bộ phận, thời gian đầu có tới 60 cán bộ, nhân viên, cả một kỹ sư Ba Lan thường trực giúp về kỹ thuật. Có những bộ phận như của tôi chỉ có một người và nhiều người cũng thường xuyên phải làm việc một mình... Nhưng chúng tôi luôn nghĩ điều đó là bình thường”.

Quả cầu nhật quang ký của Trạm Khí tượng Sa Pa. Ảnh: Cao Hải Giang
Quả cầu nhật quang ký của Trạm Khí tượng Sa Pa. Ảnh: Cao Hải Giang

Để tìm hiểu về điều bình thường của những cán bộ, kỹ sư đã làm việc ở một Đài Vật lý địa cầu đầu tiên của cả nước (mở đầu cho ngành vật lý địa cầu nước nhà), chúng tôi đã chờ một ngày đỡ lạnh giá để mời hai vợ chồng bác Ngọ đi cùng đến thăm Trạm khí tượng Sa Pa (trước đây thuộc Đài Vật lý địa cầu).

Đường lên trạm vòng vèo kha khá. Dốc đổ bêtông, giữa có bậc lên. Rêu và cái lạnh khiến đường lên không hề dễ dàng.

“Anh thanh niên” trong Lặng lẽ Sa Pa bước lên từng bậc một cách khó khăn. Cô quan trắc viên thế hệ 8x bước ra và không hề biết trước mắt mình là một nhân vật kỳ cựu của Đài, người đã đi vào trang sách cô từng học. Ngôi nhà dinh Thống sứ Bắc Kỳ xưa giờ là Trạm Khí tượng Sa Pa lâu lâu mới rộn tiếng nói, cười.

“Anh thanh niên” Nguyễn Văn Ngọ sôi nổi hẳn: “Thời đó có 4 ốp phát chính. Dù đi lại xa xôi hay thời tiết khắc nghiệt thế nào chúng tôi cũng không để chậm, muộn. Ví như đúng 7h phải phát về trung ương các số liệu: Thứ nhất về khí tượng; thứ hai về địa từ; thứ ba là về động đất. Riêng số liệu động đất, địa từ có mật mã riêng để phát thẳng về Bộ Quốc Phòng, đóng góp cho công cuộc chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc.

Thông thường mất 10-15 phút thì xong một ốp. Về cơ bản, máy hoạt động tự ghi hết... Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi tỉ mỉ, tinh thần kỷ luật cao. Chỉ chậm hơn 5 phút là cảnh cáo toàn miền Bắc và coi như toàn quốc rồi. Kỷ luật đó có được theo tôi là do giáo dục mà thành. Tôi nhớ, khi tôi học ở trường khí tượng thì các đồng nghiệp đi trước ở Trạm khí tượng Bạch Long Vĩ về học sau tôi, kể: Máy bay Mỹ ném bom: Cán bộ chết, người dân chết, bò cũng chết... và các anh chị ấy phải nhặt từng mảnh xác đồng nghiệp, người dân để mai táng. Các anh chị ấy vừa là kỹ sư vừa là chiến sĩ. Những gian khổ, hy sinh ấy sao đo đếm được và chúng tôi luôn tự thấy mình phải học tập, làm việc sao cho xứng với những cống hiến của các anh chị ấy và những người đi trước...”.

Chúng tôi bước ra vườn khí tượng theo dòng hồi tưởng của ông Nguyễn Văn Ngọ: “Trước khu nhà này có hai bộ phận: Khí tượng và Thiên văn. Thời chúng tôi ở, dưới khu nhà này có một trung đội võ trang bảo vệ, chống phỉ, giữ an toàn cho cán bộ và chuyên gia làm việc (từ 1957 đến khoảng 1966)”.

“Sân dưới này nghiên cứu cả về địa khí quyển. Các thiết bị sau này được đưa về các trạm ở Hà Nội...” - ông Ngọ chỉ ra khoảng sân rộng nơi còn lại dấu tích một căn nhà cổ, rêu đỏ bao lấy những bức tường, chen giữa cỏ cây...”. Lại nhớ, trên nóc tủ trong trạm có một chiếc máy cắt cỏ. Các chàng trai, cô gái của trạm đã sống và làm việc ở đây như thể trạm là ngôi nhà thứ hai của mình. Họ dọn sân vườn, trồng rau, dọn phòng làm việc và làm một quan trắc viên.

Quan trắc viên Trần Tuyết Mai kiểm tra số liệu tại vườn khí tượng. Ảnh: Cao Hải Giang
Quan trắc viên Trần Tuyết Mai kiểm tra số liệu tại vườn khí tượng. Ảnh: Cao Hải Giang

Trần Tuyết Mai, cô gái sinh năm 1988 đã gắn bó qua 10 mùa đông giá ở Trạm Khí tượng Sa Pa. Mai có gương mặt tròn, xinh xắn, dễ mến. Nhà Mai ở thị xã Lào Cai, mỗi khi đến ca trực cô lại cùng chiếc xe máy ngược cung đường chừng 40km từ thị xã Lào Cao đến Sa Pa, con nhỏ để ở nhà nhờ ông bà chăm. Lên trạm là âm thầm làm bạn với lều, kế... Ngoài việc chịu rét mướt, thì mùa đông, gió nhiều, độ ẩm có lúc xuống dưới 30%, da như muốn nứt... “Một mình ở đây, toàn gặp gỡ máy móc. Cứ nhìn thấy người là vui lắm rồi ạ. Ngày xưa có 4 ốp trực, còn giờ có 8 ốp: 1h, 4h, 7h, 10h, 13h, 16h, 19h, 22h. Ngày mới về làm việc ở đây, nghe các cô chú kể đi ốp về, giở chăn ra thấy con rắn cuộn tròn trong đó...” - Mai cất tiếng cười giòn, bình thản và tràn đầy niềm vui sống.

Trẻ nhất trên trạm là cô gái sinh năm 1998 quê ở Hà Giang, mới ra trường về trạm được vài tháng và ở tại trạm luôn. Con gấu bông to trên chiếc giường đơn trong căn phòng nhỏ liền với xong nồi, bếp núc mang lại cho tôi một Sa Pa khác. Một Sa Pa thực sự lặng lẽ, thảng thốt trong lời chia sẻ của em: “Vẫn chưa quen chị ạ. Nhiều đêm không ngủ được”. Sau này, tôi còn trở lại thăm trạm một lần nữa vào ngày giá rét trước thời điểm có băng giá ở Sa Pa. May mắn chúng tôi gặp lại được em và Mai. Vườn khí tượng ban đêm chỉ thấy lờ mờ qua ánh đèn vàng từ hiên trạm hắt ra. Bức tường rêu phong giờ đổ bóng đen sừng sững ở sân trạm. Tiếng nói cười lọt thỏm vào đêm, chỉ thấy hơi nước bay lên cùng mù mịt sương lạnh...

2. Bí thư chi bộ tổ dân phố số 3 (Đảng bộ phường Sa Pa), vợ của “anh thanh niên” Nguyễn Văn Ngọ vốn là một giáo viên, tính tình cởi mở, hồn hậu. Bà thi thoảng lại cho chúng tôi thêm những câu chuyện đời thường: “Từ khi lấy anh em mới biết những người làm khí tượng vất vả thế nào. Những hôm ở trạm trên đèo, đi bộ cả chục cây về đến nhà ăn được bữa cơm thì sớm sau lại lội ngược lên trạm ở Ô Quy Hồ...” - Bà chia sẻ với chúng tôi khi ngoảnh lại nhìn chồng. Ông Ngọ tươi cười: “Nhờ thế mà sau này tôi đi bộ nhanh lắm, đi như chạy!”.

Rồi vui chuyện, ông mới chia sẻ ngọn nguồn về nhân vật nguyên mẫu trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”.

“Nhà văn Thành Long lên đây đi thực tế nhiều lần, có lần cùng với thi sĩ Xuân Quỳnh, nhà phê bình Đào Xuân Quý, có lần đi cùng hai họa sĩ nữa. Thầy Ma Văn Kháng là thầy giáo của tôi khi đó mới giới thiệu tôi để nhà văn Nguyễn Thành Long trò chuyện, tìm hiểu về những người làm nghề khí tượng kiêm vật lý địa cầu... Trong lần đi thực tế đầu tiên của các nhà văn, tôi còn chưa lấy vợ. Giường của tôi đóng để lấy vợ còn dành để thi sĩ Xuân Quỳnh nghỉ lại...

Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” viết xong, nhà văn Nguyễn Thành Long có kể với tôi: Đoàn dũng sĩ miền Nam khi ra thăm Bác Hồ, được nghe đọc câu chuyện này và rất xúc động, bày tỏ sự khâm phục vì không nghĩ miền Bắc xã hội chủ nghĩa lại có những trạm khí tượng làm việc nơi đèo heo hút gió như thế mà chỉ có một người thôi.

Thế nhưng thực tế thì tôi phải nói thế này, tôi không phải là nhân vật duy nhất làm nên “anh thanh niên” trong lặng lẽ Sa Pa. Trạm khí tượng nhắc đến trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” là trạm nằm trên đèo Ô Quy Hồ, ở độ cao trên 2.500m. Có 5 cán bộ thay nhau lên trực ở trạm trên đèo, trực là ở một mình, tất nhiên rất buồn, thèm có người... Trên đèo, có những đồng nghiệp của tôi như chú Đỗ Văn Tị. Lúc đó tôi là Bí thư Chi đoàn, chú Tị là đoàn viên cũng thường xuyên phải trực ở trạm trên đèo. Còn chi tiết “lăn khúc gỗ ra đường để mong gặp được người trò chuyện” vốn là câu chuyện thật của bác Trưởng đài tên là Hữu Thiểm...

Các chi tiết đã được nhà văn khéo léo sử dụng để xây dựng nhân vật “anh thanh niên” nhằm vinh danh những người làm khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Và đó mới là điều thực sự đáng quý. Bản thân tôi đã được báo chí viết chân dung người tốt việc tốt, rồi được khai thác đưa vào tác phẩm văn học. Nhưng rõ ràng mình chỉ là một phần nhỏ bé trong một tập thể những người lặng lẽ ở Sa Pa...”.

Nói đến đây, “anh thanh niên” Nguyễn Văn Ngọ cũng trở nên thâm trầm.

Sau này, tôi được biết thêm, ông Ngọ làm việc 17 năm trong ngành, sau chuyển về UBND huyện Sa Pa, rồi làm ở Đài truyền thanh Sa Pa. Ông từng đặt chân đến nhiều bản làng vùng cao viết bài, quen thuộc với đồng bào dân tộc thiểu số, đến mức thỉnh thoảng có người xuống thị xã Sa Pa vẫn tìm đến nhà ông hỏi: “Ngọ đâu, Ngọ đâu?”. Ông cũng là tác giả bài ký “Niềm vui trên đồng lúa Soi Chiềng” (sau này Soi Chiềng được công nhận là hợp tác xã 5 tấn).

3. Lác đác trên một vài trang du lịch đã giới thiệu về Trạm Khí tượng Sa Pa như một điểm đến cho các tour khám phá thị xã mùa sương với câu chuyện gợi nhớ về những con người “cô độc nhất thế gian”. Tuy nhiên, hầu như du khách chưa quan tâm đến địa chỉ này và Trạm Khí tượng Sa Pa vẫn là một đỉnh Yên Sơn lặng lẽ.

Vợ của ông Nguyễn Văn Ngọ thì ủng hộ quan điểm nên kết hợp để đưa nơi đây trở thành một điểm đến du lịch có chọn lọc. Nhưng với góc nhìn của một kỹ sư, ông Ngọ cho rằng Trạm khí tượng là cơ quan làm khoa học, phải giữ nguyên vẹn, chỉ cần chăm lo cho nơi đây các điều kiện làm việc tốt là đủ...

Ông Nguyễn Văn Ngọ - một trong những nguyên mẫu “anh thanh niên làm khí tượng kiêm vật lý địa cầu” trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Ảnh: Cao Hải Giang
Ông Nguyễn Văn Ngọ - một trong những nguyên mẫu “anh thanh niên làm khí tượng kiêm vật lý địa cầu” trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Ảnh: Cao Hải Giang

Chúng tôi vui lây với câu chuyện tranh luận của hai ông bà.

Để đi tiếp câu chuyện này, tôi tìm đến khu vực của Trạm khí tượng trong “Lặng lẽ Sa Pa” trên đèo Ô Quy Hồ chỗ giáp với Lai Châu. Đấy là vào thời điểm trước đợt rét đậm rét hại, khắp nơi đóng băng và khu vực này bị tắc nghẽn do nhiều người đổ về. Tuy nhiên, Ô Quy Hồ vẫn mịt mù sương, không thể thấy gì ngoài tấm biển ghi địa danh và độ cao của đỉnh đèo này. Dấu vết của Trạm khí tượng giờ không còn, nhưng cảm giác về cái đỉnh Yên Sơn mịt mù cao hơn 2.500m với nỗi cô đơn của những người làm khí tượng thuỷ văn kiêm vật lý địa cầu thì vẫn còn đâu đó khi ta có mặt tại đây.

Thiết nghĩ, những tấm biển gợi nhớ dấu tích một địa điểm đã đi vào tác phẩm văn học nhằm phục vụ du lịch văn hoá cũng không phải là ý tồi. Nó làm vùng đất dày sâu thêm những tầng ký ức. Nó mang đến những thông điệp sâu sắc hơn về việc đi du lịch không chỉ để check-in mà còn như một hành trình sống, hiểu thêm đời sống.

Tôi cứ nhớ, độ nắng ấm một năm nào đó, trên con dốc và trong sân Trạm Khí tượng Sa Pa nơi cô tôi và các đồng nghiệp từng đêm ngày “đo gió, đo mưa”, lay ơn thóc đỏ nở dọc lối đi, cộng với cỏ xanh và bức tường rêu đỏ...Đẹp nao lòng! Tôi cũng nhớ đến Sa Pa của tuổi 17, khi những trái lê thập thò ngay ô cửa căn phòng của trại sáng tác dành cho người viết trẻ. Và lay ơn thóc cũng mọc suốt lối đi trên đỉnh Hàm Rồng...

Giờ lay ơn thóc ít hẳn...

Người ta yêu một vùng đất nào đó có khi là từ việc yêu những cuộc đời giản dị mà đầy sức sống, như bông lay ơn thóc đỏ nhỏ bé trong ký ức của tôi ở vùng đất này.

Có thể vì tất cả những điều đó, vì những gì đã và chưa chạm tới trên những con đường mù sương, tôi luôn giữ một Sa Pa lặng lẽ trong tim, đầy thổn thức!

b4743t-k4743-c4743a-cao-h4743i-giang
Theo Lao động https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/sa-pa-lang-le-875149.ldo Copylink