Friday, Dec 20, 07:12 AM

Sau cào xước là mất tranh tượng ở Triển lãm mỹ thuật Việt Nam

Đã có những thông tin đầu tiên về việc mất tranh, tượng tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam và lượng tác phẩm được phát hiện bị cào xước lại nhiều thêm.

Sau cào xước là mất tranh tượng ở Triển lãm mỹ thuật Việt Nam
Sau cào xước là mất tranh tượng ở Triển lãm mỹ thuật Việt Nam

Đến khai mạc, thấy mất tác phẩm

Họa sĩ Hùng Anh đến Triển lãm mỹ thuật Việt Nam ngay ngày khai mạc 1.12 vì có tác phẩm được lựa chọn treo. Tuy nhiên, trong khu Triển lãm văn hóa Hoa Lư (còn gọi là Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội) không có bức tranh ông đã gửi. Ông Hùng Anh cho biết đó là một tác phẩm vẽ bút sắt trên giấy, kích thước 159 x 238 cm và nặng một người không bê được. “Tôi đến hôm khai mạc và không tìm thấy tác phẩm của mình. Sau đó 1 ngày, tôi có gọi cho ban tổ chức. Ban tổ chức bảo đã cho người đi tìm nhưng vẫn không thấy”, ông Hùng Anh nói.
Trong khi đó, tác giả điêu khắc Triệu Ngọc Thạch gửi tới Triển lãm mỹ thuật Việt Nam một bộ tượng gồm 7 bức nói về nỗi đau của người mẹ. Ngày khai mạc triển lãm, ông sững sờ khi thấy bộ tượng của mình chỉ còn 6 bức, trong đó 1 bức đã bị sứt vỡ một mảng. “Bộ tượng tôi làm trong 5 năm, năm 2017 đã được giải khu vực rồi. Năm nay cũng được giải của Hội Mỹ thuật. Bộ tượng như là con người, thiếu một cánh tay thì không toàn vẹn, không theo ý tưởng của mình nữa. Trong khi nếu bán cả bộ thì giá cả trăm triệu đồng”, ông Thạch nói.
Số lượng tác phẩm “bị thương” cũng không ít. Vào buổi họp báo trong ngày khai mạc triển lãm, PV Thanh Niên đã đặt câu hỏi về số tranh tượng bị xước, bị bắn sơn và vỡ nứt. Khi đó, ông Mã Thế Anh, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) đồng thời là Trưởng ban tổ chức triển lãm, cho biết có 5 tác phẩm “bị thương”. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm bị xước, dính sơn, vỡ nứt còn cao hơn thế rất nhiều lần.
Không khó để thấy bức sơn dầu Cái nhìn từ bên trong (tác giả Lê Thị Quế Châu) đã bị vấy sơn trắng. Bức Sức sống bình thường mới (gỗ mộc bản, Thanh Liêm) vừa bị xước, vừa bị sơn vấy. Bức Đoàn quân hai bánh (sơn dầu, Nguyễn Thị My) cũng vấy sơn trắng. Bức Mùa hạ trên cao (sơn dầu, Nguyễn Minh Đồng) đầy sơn trắng, bức Sen (sơn dầu, Phùng Mỹ Trâm) cũng tương tự. Bức Dưới trăng (sơn dầu, Lê Duy Triệu) vừa bị sơn trắng dây vào, vừa bị thủng tróc màu tranh. Bức Kéo lưới bắt cá (sơn dầu, Vũ Quý) bị cào xước, tác phẩm Mầm (phù điêu, Trần Minh Châu) nứt và thủng tróc... Còn rất nhiều tác phẩm khác bị dính sơn và xước không thể liệt kê hết ở đây.
Chưa kể, nhiều tác phẩm được trưng bày rất cẩu thả. Tác phẩm của họa sĩ Thu Trần được sáng tạo với đèn chiếu từ lòng tranh, tác giả đã chuẩn bị dây cắm điện nhưng tranh lại được bày ở chỗ... không có ổ cắm điện. Nhiều tác phẩm bụi phủ đầy hoặc bị treo ngược, trong đó có Vô hình - Hữu hình (Nguyễn Trí Minh Tuyết).

Tôi đến hôm khai mạc và không tìm thấy tác phẩm của mình. Sau đó 1 ngày, tôi có gọi cho ban tổ chức. Ban tổ chức bảo đã cho người đi tìm nhưng vẫn không thấy

Họa sĩ Hùng Anh

Sáng 3.12, ông Mã Thế Anh cho biết cán bộ của Cục còn đang thống kê số tác phẩm hư hại cụ thể, sau đó ban tổ chức sẽ làm việc với các họa sĩ.

Ai phải bồi thường ?

Sau cào xước là mất tranh tượng ở Triển lãm mỹ thuật Việt Nam1

Tác phẩm Mầm (phù điêu, Trần Minh Châu, trái) nứt, thủng tróc

Sau cào xước là mất tranh tượng ở Triển lãm mỹ thuật Việt Nam2

Tác phẩm Mầm tượng bị sứt vỡ của ông Triệu Ngọc Thạch

Ông Hùng Anh, họa sĩ bị mất tranh, cho biết: “Đến ngày hôm nay (3.12), một số người trong ban tổ chức có gọi điện trước cho tôi để hỏi giải quyết theo hướng tình cảm. Nhưng tôi không chấp nhận. Tôi muốn có văn bản của ban tổ chức trả lời cụ thể”.
Ông Ngọc Thạch chưa lập biên bản ghi nhận mất mát song đã gọi điện nói chuyện với trưởng ban tổ chức. “Ông Mã Thế Anh cũng nói là trước tiên ông ấy xin lỗi, sau triển lãm sẽ họp để giải quyết vấn đề này. Tôi nói Cục phải có trách nhiệm với tác phẩm của chúng tôi. Việc đền bù phải thỏa đáng”, ông Thạch nói và cho biết nếu ban tổ chức không có ý kiến, ông sẽ làm đơn gửi Thanh tra Bộ VH-TT-DL, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL.
Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết có thể tạm xác định việc họa sĩ gửi tranh đến dự triển lãm là một loại hợp đồng gửi giữ tài sản. Theo đó, bên nhận gửi giữ là ban tổ chức phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đảm bảo tính toàn vẹn của tác phẩm. Trong trường hợp bị mất, bị xước, bị rách, bị giảm giá trị, đương nhiên phải bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp phát hiện người làm hỏng thì người đó liên đới chịu trách nhiệm.
Cũng theo ông Tú, có hai trường hợp mà ban tổ chức không có trách nhiệm đền bù. Một là trong hợp đồng hoặc thỏa thuận gửi giữ (chẳng hạn biên nhận tác phẩm), các nghệ sĩ thừa nhận nếu có hỏng hóc mất mát thì ban tổ chức không phải chịu trách nhiệm. Hai là trường hợp ban tổ chức nói trước nếu hỏng hóc, mất mát họ không chịu trách nhiệm và nghệ sĩ đồng ý.
Về việc ông Thế Anh nói các triển lãm mỹ thuật vẫn làm xước tranh bao năm qua tại buổi họp báo 1.12, ông Tú cho rằng: “Không thể nói ngày hôm qua nó vẫn xước, ngày hôm kia nó vẫn xước, bao năm nay vẫn thế. Nếu anh không đảm bảo an toàn được cho tác phẩm, anh đừng tổ chức”.
Về việc đền bù tác phẩm, ông Tú cho rằng: “Ban tổ chức thuộc Bộ VH-TT-DL thì Bộ VH-TT-DL đền. Ở đây không phân biệt tổ chức ấy là gì, trực thuộc ai, là ai cũng đều phải đền hỏng hóc, mất mát tác phẩm cho họa sĩ. Dưới góc độ pháp luật dân sự thì một bên gửi giữ là các họa sĩ, bên nhận gửi giữ là ban tổ chức. Ban tổ chức có thể là nhà nước hoặc công ty tư nhân hay cá nhân thì ý nghĩa pháp lý không thay đổi”.
trinh-nguy2814n
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/sau-cao-xuoc-la-mat-tranh-tuong-o-trien-lam-my-thuat-viet-nam-1312394.html Copylink