Tìm cách để điện ảnh cất cánh
Trong Hội nghị ĐBQH chuyên trách cuối tháng 3 vừa qua, các ĐBQH đã tập trung thảo luận Luật Điện ảnh (sửa đổi) với mong muốn phát triển nền điện ảnh Việt Nam không chỉ đậm chất dân tộc, nhân văn mà còn hiện đại, bắt kịp với xu thế của các nền điện...
Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, nên hay không?
Giống như thảo luận tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, nhiều ĐBQH vẫn bày tỏ băn khoăn về Quỹ này. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, Nhà nước chỉ tham gia và đầu tư cho các hoạt động điện ảnh trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ công tác quản lý của Nhà nước. Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý an toàn, tiện lợi cho các chủ thể ngoài Nhà nước tham gia phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh để các hoạt động này phát triển theo định hướng của Nhà nước.
Dẫn thực tiễn không khả thi trong suốt 16 năm qua của quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại Điều 6 Luật Điện ảnh năm 2006, ông Nghĩa cho rằng, không nên quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh với tư cách là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Tuy nhiên, ông đề nghị bổ sung quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các quỹ tư nhân về phát triển điện ảnh.
Với một Quỹ chưa được thành lập do chưa xác định được nguồn thu và trong lần dự thảo này “nút thắt” đó chưa được tháo gỡ thì không thể tiếp tục quy định về Quỹ, nhất là vẫn rất chung chung như trong dự thảo để rồi chúng ta lại tiếp tục không thực hiện được, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu quan điểm. Cùng chung băn khoăn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, nếu quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh thì phải đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, đồng thời các nhiệm vụ chi, mục chi của Quỹ cũng không được trùng lặp với nhiệm vụ chi từ ngân sách nhà nước. Theo đó, Luật Ngân sách nhà nước cũng đã nêu rõ: Ngân sách nhà nước sẽ không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, đại biểu Sang cho rằng, Quỹ này phải có khả năng tài chính độc lập và có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quy định tại dự thảo luật lại chưa đảm bảo tính thống nhất với khoản 11 Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước và một số nhiệm vụ chi quy định tại Điều 43 của dự thảo luật lại trùng với các nhiệm vụ chi được xác định tại khoản 2 Điều 5 của dự thảo luật.
Ở góc độ của mình, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) mong muốn làm sao đầu tư các nguồn lực cho văn hóa nói chung và cho điện ảnh nói riêng dồi dào hơn nữa cho tương xứng, lĩnh vực văn hóa tinh thần được quan tâm chăm lo tương xứng với các lĩnh vực phát triển kinh tế khác. Vì thế, theo đại biểu Trần Văn Lâm, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh có thể trong giai đoạn này chưa đủ đáp ứng các điều kiện để đi vào hoạt động một cách ổn định, độc lập, nhưng nếu bỏ nó đi thì chúng ta bỏ qua một cơ hội để tăng các nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, cho lĩnh vực điện ảnh và sau này nếu mong muốn thành lập cũng không tổ chức được vì luật không cho phép. Trước đây dự thảo luật đã đề cập rồi, mong muốn được thành lập Quỹ này nhưng giao cho Chính phủ xem xét khi nào có đủ các điều kiện thì Chính phủ cho vận hành hoạt động tổ chức này, như vậy chúng ta cũng sẽ tạo ra một cơ hội. Tất nhiên mới chỉ là cơ hội tiềm năng để tới đây lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực điện ảnh có thể tiếp cận được nhiều nguồn lực hơn nữa cho sự phát triển trong tương lai.
Từ góc độ cơ quan trình dự luật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh không phải cơ quan soạn thảo mong muốn có một đặc quyền, đặc lợi, nhưng rõ ràng đây là vấn đề chính sách của nhà nước đầu tư cho điện ảnh, nếu không nhìn vào đó chúng ta sẽ khó khăn.
“Qũy này chúng tôi đã nhìn thấy khoản thu, ví dụ như nhượng quyền thương hiệu phim, những sản phẩm sau một bộ phim ra đời mà các sản phẩm được đi theo, vấn đề nguồn lợi gia tăng trong công nghiệp điện ảnh và có nhiều như vậy thì sẽ tốt hơn để chúng ta làm. Có được qũy đó chúng ta sẽ không bị phụ thuộc, vì một số quỹ điện ảnh họ muốn tài trợ cho Việt Nam nhưng họ lại bắt phải đi theo họ. Chúng ta thừa biết không có buổi trưa miễn phí nào của các quốc gia phương Tây khi cho Việt Nam và ở các quốc gia phát triển khác họ đều có quy định này”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Băn khoăn "hậu kiểm"
Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) thiên về phương án hậu kiểm. Một trong các lý do chính được đưa ra làm căn cứ cho đề xuất này là khối lượng công việc lớn, việc tiền kiểm không khả thi hay đa số các quốc gia trên thế giới đều áp dụng cơ chế hậu kiểm.
Có lẽ điều này khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu quan điểm, một tác phẩm điện ảnh hay nói cách khác là một bộ phim đã được phát hành ra công chúng thì không thể thu lại từ tâm trí người xem, người tiếp nhận. Đặt yếu tố này trong bối cảnh thể chế chính trị, truyền thống văn hóa nước ta thì việc học tập kinh nghiệm của các quốc gia có thể chế chính trị khác cần được xem xét thấu đáo, thận trọng.
Đánh giá, so với Luật Điện ảnh hiện hành thì dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng đã có nhiều quy định rõ ràng, tiến bộ và cụ thể hóa nội dung trong hoạt động điện ảnh. Theo như Luật Điện ảnh hiện hành thì việc cấp phép phổ biến phim, quyết định phát sóng phim trên truyền hình được thực hiện căn cứ trên ý kiến của Hội đồng thẩm định phim.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, Hội đồng thẩm định sẽ đánh giá phim căn cứ vào tiêu chuẩn không vi phạm các quy định tại điều cấm và nếu nội dung phim có vi phạm thì phải được cắt một số hoặc nhiều cảnh và phải sửa lời thoại, nếu không sửa được thì không cho phép phát sóng. Ở góc độ quản lý nhà nước thì những quy định về thẩm định phim trước khi cấp phép phổ biến phim nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, thuần phong mỹ tục và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, đại biểu này nhận xét, trên thực tế thì hành lang pháp lý của công tác thẩm định phim chưa được rõ ràng. Luật hiện hành cũng không quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn, quy định. Do vậy, việc xác định vi phạm, cách thức cắt xén, chỉnh sửa đều do Hội đồng thẩm định phim quyết định mà một khi không có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể thì ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phim. Việc này thì vô hình trung vi phạm vào quyền được bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Từ những ý kiến nêu trên có thể thấy, dự thảo Luật còn cần đánh giá kỹ hơn tác động và bổ sung cơ chế xử lý sau hậu kiểm đổi với vấn đề kiểm duyệt phim. Bên cạnh đó, trong công tác phổ biến phim xem xét bổ sung quy định phối hợp công tư trong quản lý, phổ biến phim trên không gian mạng, kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm. Theo đó, bổ sung vào dự thảo luật quy định mang tính nguyên tắc, xác định các tiêu chí chung, đồng thời cơ quan quản lý cần quy định chi tiết các dấu hiệu mà một bộ phim có khả năng ảnh hưởng xấu đến chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, truyền thống văn hóa. Trên cơ sở đó, chủ thể phổ biến phim nếu xác định phim có dấu hiệu này phải gửi Hội đồng để phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng.