Thursday, Dec 21, 01:12 PM

Tình người mang đến sự tươi đẹp

Mặc dù nhiều thứ đang ngưng lại vì dịch bệnh, nhưng nhà văn Nguyễn Văn Học vẫn sáng tác đều.

Tình người mang đến sự tươi đẹp
Tình người mang đến sự tươi đẹp
t236nh-nguoi-mang-den-su-tuoi-dep_1.jpg

“Dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả mọi người trong xã hội, việc đi lại, làm việc, vui chơi giải trí đều trở nên khó khăn. Có thời điểm khó khăn còn không thể di chuyển khi người dân thực hiện giãn cách xã hội. Với mỗi người đều thấy rõ nhiều sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn, gặp khó khăn. Ví dụ chúng ta làm việc ở cơ quan, bình thường đều có thể rủ nhau ăn trưa, uống cà phê ở những quán hàng quen. Thậm chí là những quán “tủ”. Có người yêu thích không gian quán cà phê đặc trưng nào đó đến nỗi, khi đến đó, chỉ thích ngồi đúng một chỗ mình thường ngồi và uống đúng một loại đồ uống. Và khi dịch bệnh xảy ra, rất khó giữ được nếp ấy”, nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.

Mặc dù nhiều thứ đang ngưng lại vì dịch bệnh, nhưng nhà văn Nguyễn Văn Học vẫn sáng tác đều. Vừa là may mắn, cũng là lựa chọn có ý thức, công việc làm báo của anh có nhiều mối liên quan đến sáng tạo. Nguyễn Văn Học viết vì tình yêu cuộc sống và luôn biết chắt chiu vùng ký ức của anh, từ ký ức tuổi thơ, làng quê, đến những giá trị văn hóa nơi bao mảnh đất tôi đi qua… Giữ nhịp sáng tác đều vì trong anh, nhựa sống nhiệt huyết còn dồi dào, còn sự ham học, ham viết, thấy còn biết xúc động trước cái đẹp, biết buồn đau trong nỗi khổ của bao người: “Dịch bệnh xảy ra khiến nhiều người lâm vào cảnh bất trắc. Sự bất trắc, hay rõ hơn là sự sống và cái chết ở thời điểm này vô cùng mong manh. Gần hai năm qua, chúng ta thấy rõ hơn chuyện sức khỏe với mỗi con người quan trọng biết nhường nào. Nó quan trọng nhiều hơn kinh tế - điều mà bình thường con người vẫn đôn đáo chạy theo.

Khi bao khó khăn xảy đến, kéo theo rất nhiều cơn bão khác đe dọa sự bình yên trong các gia đình. Dịch bệnh và khó khăn đang đẩy nhiều gia đình đến những bi kịch như mâu thuẫn do kinh tế eo hẹp, mâu thuẫn do áp lực học online của con cái, mâu thuẫn do thời gian phải ở trong ngôi nhà chật hẹp quá nhiều. Đến nỗi, trong cơn bí bách họ không thể hóa giải. Rồi con người chúng ta phải đối mặt nhiều tệ nạn khác, như lừa đảo qua mạng, đánh bạc trực tuyến, thất nghiệp, kinh doanh thua lỗ… Đây là điều tôi làm việc với các cơ quan chức năng và họ chứng minh điều đó”.

Những ngày tháng qua, giữa bao bộn bề khó khăn ấy, nhà văn Nguyễn Văn Học lại càng dễ thấy sự ấm áp, chia sẻ từ anh chị em đồng nghiệp ở cơ quan đến bạn bè gần xa, những người cùng làm báo, viết văn. Trong gia đình của anh, đó là nơi an trú. Gia đình nhỏ là tổ ấm nhỏ. Lớn hơn là đại gia đình, họ hàng, luôn dành cho nhau sự quan tâm, động viên quý báu: “Nhiều người làm việc, sinh sống ở phố đã phải đưa gia đình nhỏ về quê, nương nhờ bố mẹ trong thời gian khó khăn, thời gian giãn cách hoặc làm việc trực tuyến. Chúng ta càng trân quý quê hương biết nhường nào. Quê hương ngọt ngào, nhân hậu luôn mở rộng vòng tay với những đứa con xa”.

Hàng xóm của anh ở chung cư, cũng thấy rõ sự đoàn kết hơn. Anh kể, bình thường mọi người ít nói chuyện, nhưng những ngày khó khăn đều hỏi thăm nhau, mua chung đơn hàng, chia sẻ thực phẩm, giúp nhau sửa chữa điện nước khi không thể gọi người bên ngoài vào. Với anh, sự chia sẻ ấy cho thấy tình người những lúc khó khăn thật ấm áp.

“Tôi đã viết rất nhiều về tình người. Ở đâu có tình người ở đó có ánh sáng của đức tin, hy vọng, sự tươi đẹp được lan tỏa và có nụ cười”, nhà văn Nguyễn Văn Học tâm sự. “Tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta đã được bồi đắp, lan tỏa từ hàng nghìn năm qua. Đó là một truyền thống quý báu và mỗi lúc khó khăn, đều trỗi dậy, nảy nở, truyền lan từ người này sang người khác. Những ngày tháng qua, dễ thấy người dân ta biết xúc động, sẻ chia trước mất mát, khổ đau của đồng loại và muốn đưa bàn tay ra trước người khó khăn hơn. Hàng trăm, nghìn việc làm thiện nguyện, nhóm thiện nguyện đã giúp cho hàng chục triệu người dân ta được chia sẻ, nhận sự ấm áp. Sự sống sẽ trường tồn và cuộc đời lại nở hoa, khi triệu triệu đóa hoa nhân ái nở trong tim mỗi người, và nở trên những cánh tay biết giúp đỡ”.

“Chúng ta chỉ cần nhớ đến bài học xửa xưa, bẻ một chiếc đũa thì quá đơn giản, nhưng thật khó để bẻ một bó đũa. Khi đoàn kết, cùng nhau vươn lên, chúng ta mạnh hơn, có động lực để vượt qua khó khăn. Tinh thần tích cực, ngoài được khởi sinh từ mỗi cá nhân, còn được sản sinh trong các mối tương quan, sự cộng đồng của con người. Tôi có thể rất mệt mỏi khi chẳng may thành F0 mà mọi người xung quanh xa lánh. Nhưng khi là F0, người xung quanh vẫn quan tâm, động viên, giúp đỡ dù việc nhỏ, tôi cũng phấn chấn, tinh thần tôi sẽ nghĩ đến bao chuyện tích cực, được tiếp thêm dũng khí. Và tôi sẽ chiến đấu để chiến thắng bệnh tật.

Tinh thần lạc quan, ý nghĩ tích cực kỳ diệu lắm. Và chúng ta, hãy trồng thêm những cái cây lạc quan trong chính mình, gia đình mình, khu dân cư mình, để nhân lên rừng lạc quan trong xã hội. Rồi cuộc sống sẽ lại tươi đẹp”. n

Box

Nguyễn Văn Học là tác giả của những tác phẩm: “Hỗn danh”, “Bụi cay mắt người”, “Khi vết thương nằm xuống”, “Vết thương hoa hồng”, “Nhạc cây”, “Linh điểu”, “Miền thánh đợi”… Anh từng đoạt Giải thưởng Cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 2010; Cuộc thi ký Báo Hà Nội mới năm 2020…

 

vi35847t-qu35847nh-th35847c-hi35847n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/tinh-nguoi-mang-den-su-tuoi-dep-5674678.html Copylink