Saturday, Jun 22, 10:06 AM

Tạo phong cách từ quá trình vẽ không ngừng

Họa sĩ Ngô Thành Nhân được biết đến với những sáng tác sơn mài. Nhưng trong lần triển lãm cá nhân thứ 9 này, trên chặng đường 40 năm hội họa, ông mang 20 bức tranh sơn dầu khổ lớn với chủ đề về phố Hà Nội trưng bày tại TP HCM. Triển lãm “Nét phố” ...

Tạo phong cách từ quá trình vẽ không ngừng
Tạo phong cách từ quá trình vẽ không ngừng
tao-phong-c225ch-tu-qu225-tr236nh-ve-kh244ng-ngung_1.jpg
Họa sĩ Ngô Thành Nhân miệt mài bên giá vẽ.  

Với họa sĩ Ngô Thành Nhân, trưng bày, công bố các tác phẩm mới mỗi năm là việc làm của người làm sáng tạo. Ông thường bày chung với nhóm hoặc riêng tại những địa điểm thích hợp. Sau 2 năm dịch Covid-19, họa sĩ Ngô Thành Nhân vẽ được nhiều tranh mới, khai thác cảnh sinh hoạt hè phố của cuộc sống trong những ngày đại dịch và cuộc sống dần trở lại sau đại dịch.

Bên cạnh những bức tranh đã vẽ trước đó trong nhiều năm, cùng một chủ đề, cùng một chất liệu, tương đối về kích thước, chung phương pháp biểu hiện của ấn tượng, vì vậy ông quyết định làm triển lãm. “Để có được bộ tranh khoe với đồng nghiệp và công chúng, tôi đã đầu tư công sức trong gần hai năm, có những bức tranh mấy năm mới hoàn thành”, họa sĩ Ngô Thành Nhân chia sẻ.

Trong xưởng vẽ của họa sĩ Ngô Thành Nhân có rất nhiều phác thảo ghi chép về các góc phố, những người dân lao động, hình ảnh các em bé mưu sinh... đó là nguồn cảm hứng để ông tạo ra các tác phẩm mang tính thời đại.

Tranh của Ngô Thành Nhân thuộc thể loại ấn tượng, do bộc lộ được tình cảm và khả năng diễn đạt của tác giả. Tất cả những vệt bút vẽ hòa quyện với nhau tạo cho người xem sự ấn tượng. Đó cũng là cái hay của nghệ thuật chủ nghĩa ấn tượng. 

“Đề tài phố Hà Nội thường thân thuộc với mọi người, người ta dễ xem mà cũng dễ chê, vì nhiều họa sĩ sẽ “dẫm chân” vào nhau”, họa sĩ Ngô Thành Nhân nói. “Người vẽ phố giỏi là họa sĩ Bùi Xuân Phái đã tìm ra được lối riêng nên ông thành công. Nhiều người trẻ bây giờ chọn vẽ phố theo lối tả thực. Còn tôi vẽ phố theo cách của riêng, nó là phố chung chứ không thể nói là tên phố nào. Tranh phố vẽ theo cách mở để công chúng xem và cảm nhận”.

Vẽ 40 bức tranh phố Hà Nội trong nhiều năm, nhưng lại thấy chung chủ đề với đường nét màu sắc lớp chồng màu sâu... Ở tranh của họa sĩ Ngô Thành Nhân có sự khôn ngoan nhưng lại cất cái đó về phía sau trong sử dụng màu sắc chồng màu để thể hiện bên ngoài sự vụng về ngây thơ, nhưng điều ấy với ông, mới tạo nên cảm xúc: “Có bức tranh xác định đề tài, đề tài có thể giới hạn nhưng sự sáng tạo cần vô cùng. Để bộc lộ ra ý đồ chính, thì cần đề tài bao trùm và phải rõ ràng, bộc lộ sớm hoặc muộn. Vẽ trong studio và vẽ từ trí tưởng tượng sau khi đi thực tế. Có lúc vẽ ra ngô nghê chưa hay, nhưng càng vẽ thì càng đẩy sâu nhớ lại những gì bản thân đã trải qua. Phong cách tạo ra từ quá trình vẽ không ngừng và lâu năm. Ban đầu sẽ thấy đơn giản nhưng ngày càng thấy nhiều góc khuất bên trong và chiều sâu khó thấy. Nghệ sĩ luôn phải có sự sáng tạo”.

Gần đây Ngô Thành Nhân vẽ về Đồng bằng sông Cửu Long với chợ nổi.  Hay chân dung, phong cảnh sinh hoạt người dân tộc miền núi phía Bắc và dân vùng biển miền Bắc, miền Trung. Về bố cục, ông tự tìm tòi thêm cách tạo hình mới phù hợp, gam màu mỗi lần chọn vẽ thì có khi là trầm ấm hay tươi sáng, để làm cho những bức tranh trở nên phong phú. Mỗi khi bày triển lãm, người xem có thể thấy những chuyển biến trong tác phẩm của ông.

Một trong những điểm mạnh của họa sĩ Ngô Thành Nhân là khi vẽ tranh sơn mài, ông tạo nên nhiều lớp màu phía trong, khi phủ cánh gián lên thì thấy được chiều sâu đó như có ánh sáng hắt ra. Trong sơn mài, màu được ông chôn phía dưới, rồi sử dụng kim loại như vàng, bạc bên ngoài, tạo hắt sáng, nhờ đó ánh sáng tự nhiên được “bắt”,  phản chiếu lại, gây nên cảm giác thấy được ánh sáng mà ảo diệu, vì ánh sáng ẩn phía trong. Khi vẽ sơn dầu hay acrylic, ông cũng làm như vậy để người xem thấy được các chiều sâu, sáng và sang. Từ đó tạo nên phong cách của riêng ông.

tao-phong-c225ch-tu-qu225-tr236nh-ve-kh244ng-ngung_2.jpg
Tác phẩm trong triển lãm “Nét phố”.  

Với họa sĩ Ngô Thành Nhân, người làm việc sáng tạo nghệ thuật thì cần thay đổi liên tục, dậm chân một chỗ là rất nguy hại, nhờ thế, số lượng công chúng được tiếp cận cũng đa dạng hơn. Ông vẽ bắt đầu là từ cảm xúc của mình, vẽ cho mình rất thoải mái, khi đã hoàn chỉnh, ông trưng bày cho mọi người xem. Tùy cách cảm nhận của mỗi người.

Sinh ra trong gia đình có ba đời là kiến trúc sư và họa sĩ, ông được thổi bùng tình yêu nghệ thuật từ rất sớm bởi người cha là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh. Năm 1938, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh thi đỗ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Học được 2 năm, trường mở khóa kiến trúc, chuyển ông Ngô Huy Quỳnh sang ngành mới này để đào tạo. Từ đó cha của ông trở thành kiến trúc sư, ước mơ làm họa sĩ của cha ông không thành. Hiểu được ý của cha, Ngô Thành Nhân đã quyết tâm học mỹ thuật để trở thành họa sĩ. “Từ những bài vẽ đầu tiên còn ngây ngô đến khi thi vào trường năng khiếu, Trung cấp Mỹ thuật đến Đại học Mỹ thuật... tôi luôn được nhận sự chỉ bảo tận tâm của cha”, họa sĩ Ngô Thành Nhân tâm sự.

Cầm cọ từ khi học lớp 4, Ngô Thành Nhân còn theo học họa sĩ Phạm Viết Song - người thầy dạy đầu tiên của ông về hội họa. Những bức tranh đầu tiên của ông là vẽ tĩnh vật hoa lá, vẽ từng cánh lá ra sao... sau khi vẽ thuần thục về hình dáng rồi bắt đầu sáng tác làm ra bố cục đẹp. Bố cục gồm có hình lớn, hình bé cạnh nhau ra sao, ánh sáng thực hay ảo, lúc ấy người họa sĩ mới điều khiển để người xem hiểu được ý đồ và mong muốn. Càng làm nhiều thì thành ra kinh nghiệm. Cha của ông đã rất vui khi ông có triển lãm đầu tiên vào năm 1989.

Từ đó, hàng năm Ngô Thành Nhân đều đặn tham gia các triển lãm lớn nhỏ trong nước như: Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc và gặt hái được nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Có uy tín trong làng mỹ thuật, họa sĩ Ngô Thành Nhân được bầu vào Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Hà Nội suốt 3 khoá, Chi hội trưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam trong 2 khoá, được tặng kỉ niệm chương về Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam và Mỹ thuật Việt Nam.

40 năm cầm cọ, kể từ năm 1979 sau khi tốt nghiệp ra trường, không một ngày nào họa sĩ Ngô Thành Nhân ngừng vẽ. Sự say mê sáng tạo đã giúp họa sĩ Ngô Thành Nhân có được hàng trăm tranh sơn mài, hàng ngàn kí họa và tranh sơn dầu. 

Dự định sau triển lãm “Nét phố”, cuối năm nay, họa sĩ Ngô Thành Nhân sẽ triển lãm các tác phẩm chuyên đề sơn mài tại TP HCM.

Họa sĩ Ngô Thành Nhân sinh 1956 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1979, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, là giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và Đại học Mở trong nhiều năm, đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ trẻ về sơn mài.

Họa sĩ Ngô Thành Nhân đã có hơn 40 năm đam mê sáng tác, gắn bó và chuyên sâu với chất liệu sơn mài truyền thống của dân tộc. Đến nay, ông được giới chuyên môn đánh giá là một trong những họa sĩ hàng đầu của tranh sơn mài Việt Nam. Ông tham gia nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, gây được nhiều tiếng vang và được giới chuyên môn đánh giá cao. Tác phẩm của họa sĩ Ngô Thành Nhân đã đoạt giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, Asean. Ngoài ra, ông đạt nhiều giải thường trong nước và quốc tế. Nhiều tác phẩm của họa sĩ Ngô Thành Nhân được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ và nhiều nhà sưu tập trên thế giới sở hữu.

vi42455t-qu42455nh
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/tao-phong-cach-tu-qua-trinh-ve-khong-ngung-5687584.html Copylink