Wednesday, Feb 24, 01:02 PM

Tết là dịp đoàn viên

Tết Nguyên đán, là dịp để mọi người đoàn tụ gia đình, nhớ về với tổ tiên. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ xoay quanh câu chuyện Tết cổ truyền.

Tết là dịp đoàn viên
Tết là dịp đoàn viên
Ông Nguyễn Hùng Vĩ.
PV: Thưa ông, Tết Nguyên đán được coi như một di sản văn hóa hết sức có giá trị của nước ta. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Chúng ta có thể nghĩ về một hệ giá trị của Tết cổ truyền. Việc thể hiện và thực hành Tết trong đời sống chính là ý nghĩa của các giá trị đó. Chúng ta có thể thấy một hệ thống các giá trị đẹp đẽ của Tết.

Tết truyền thống của chúng ta hướng về gia đình một cách mạnh mẽ. Từ gia đình mở rộng ra gia tộc, làng xóm, quê hương, Tổ quốc. Tầm quan trọng của văn hóa gia đình luôn luôn được khắc ghi, được nuôi dưỡng trong tâm hồn và thời điểm thể hiện đặc biệt đó là Tết. Chỉ cần gõ trên internet dòng chữ "những người trẻ độc thân với xu hướng sống cùng gia đình bố mẹ" thì chúng ta thấy ngay bức tranh toàn cảnh thế giới về tầm quan trọng của gia đình. Đặc biệt vào những thời điểm biến động của xã hội, gia đình lại càng quan trọng. Văn hóa, kinh tế gia đình là bệ đỡ, là tiềm lực của phát triển kinh tế và văn hóa toàn xã hội. Nó gắn bó với nhau một cách chặt chẽ. Cái này là điều kiện của cái kia. Một tâm thức tốt đẹp về cộng đồng gia đình mà Tết đem đến đó là giá trị và ý quan trọng.

"Về Tết" là một tâm thức thường trực của tất cả mọi người. Về với gia đình, họ hàng, người thân, quê hương bản quán. Được đoàn tụ những người thân ái bên nhau thì ta gọi đó là hạnh phúc. Trong hai chữ đoàn viên có tâm trạng hạnh phúc ngầm ẩn.

Tết là di sản đậm đà tinh thần uống nước nhớ nguồn. Cúng gia tiên là nghi lễ chủ đạo của Tết. Chúng ta kính trọng tiền nhân, không làm tiền nhân thất vọng. Chúng ta hướng tới tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Uống nước nhớ nguồn là một đạo lý sống và mở rộng là căn nguyên của tình yêu quê hương, đất nước.

Tết là sự cố kết quốc gia - dân tộc. Tết Nguyên đán, trong trường kỳ lịch sử dựng nước và dựng nước góp phần quy tụ văn hóa quốc gia. Và hình ảnh Tết như một lễ hội toàn dân đã trình diễn bản sắc văn hóa Việt Nam trước cộng đồng nhân loại.

Ngày nay, nhiều người hoài niệm và cho rằng Tết xưa vui hơn. Là một nhà nghiên cứu về văn hóa, theo ông Tết xưa, Tết nay có gì khác nhau?

- Ký ức, hoài niệm là một năng lực nhân bản. Con người có công cụ để lưu giữ ký ức và hoài niệm. Nhờ ký ức mà con người có kinh nghiệm, từ nền tảng kinh nghiệm mà chúng ta có kỹ thuật và khoa học. Nhớ hoài niệm mà chúng ta có tình yêu và từ đó mà có nghệ thuật.

Những ký ức và hoài niệm cũng thuộc về lĩnh vực tâm lý, đặc biệt là tâm lý cá nhân. Tâm lý con người có bộ lọc tích cực, nó lọc bớt những đau khổ và thường giữ lại những gì đẹp đẽ, tạo nên động lực sống hướng tới tương lai. Bởi vậy, việc nhiều người có tâm lý cho rằng Tết xưa đẹp hơn Tết nay, đó là một điều hết sức bình thường. Hơn nữa, cái gọi là "Tết xưa" đó, có thể là thời niên thiếu, ít lo toan hơn, ít sự đè nặng về trách nhiệm hơn.

Vài năm trở lại đây, nhiều người có cảm giác rằng Tết Việt đang có những biến tấu, nhạt nhòa bản sắc. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Vận động là tất yếu. Đứng im là tương đối. Trong văn hóa, quá trình vận động, thay đổi diễn ra càng phức tạp và nhanh chóng hơn.

Bất cứ thời điểm nào cũng là một "biến tấu" với một di sản văn hóa. Bản sắc nằm cơ bản ở hệ giá trị mà di sản truyền thống đó đã tích lũy. Cái "cảm giác nhạt nhòa bản sắc" là có thật tùy từng người, từng lúc nhưng nó cũng chỉ là "cảm giác" mà thôi. Sự nhạt nhòa hệ giá trị mới là quan trọng, còn nhìn vào một vài tiếp biến thì chưa thể khẳng định được. Có thể nó làm đậm đà hơn hoặc nó sẽ bồi đắp những giá trị mới. Cuộc sống luôn vận động về phía tương lai.

Trong cái gọi là "Tết cổ truyền" chứa đựng tất cả những gì tích cực cũng như tiêu cực có trong Tết hôm nay. Cũng nhiều mê tín, dị đoan, cũng lợi dụng Tết để đút lót, tham nhũng, cũng phân chiếu trên chiếu dưới, cũng cờ bạc, rượu chè, cũng lợi dụng buôn may bán đắt... Hạn chế đi những tiêu cực, phát triển hệ giá trị mà Tết cổ truyền đã tích lũy, đó là con đường để chúng ta xây dựng một xã hội văn minh. Chúng ta đang không ngừng cố gắng trên con đường đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo ddk https://daidoanket.vn/tet-la-dip-doan-vien-10272905.html Copylink