Thursday, Nov 20, 12:11 PM

Thân thương cốm hộc quê nhà

Khi con nắng gắt của mùa hạ dần chuyển sang hanh vàng và ngọn gió heo may thổi nhè nhẹ, cũng là lúc Hà Nội bước vào thu.

Thân thương cốm hộc quê nhà
Thân thương cốm hộc quê nhà
Thu Hà Nội không chỉ có những con đường ngập lá vàng bay, ngây ngất hương hoa mà còn có cốm; cốm Vòng như nhà văn Vũ Bằng đã viết: "Cốm Vòng là thứ quà đặc biệt nhất trong mọi thứ quà Hà Nội. Đặc biệt vì mỗi khi thấy gió vàng hiu hắt trở về thì lại nhớ đến cốm..." (Món ngon Hà Nội).
Và cũng giống như mọi năm, bạn tôi đang sống ở Hà Nội lại gửi một ít cốm Vòng vào phương nam làm quà ăn lấy thảo.
Nhìn chiếc lá sen không còn tươi tắn do vận chuyển đường xa mặc dù đã được bỏ vào bao hút chân không, tôi lật đật giở ra và nhón tay lấy một ít hạt cốm cho vào miệng. Và hương cốm đưa tôi chạy dài theo miền ký ức về với thuở xa xưa. Tôi chợt nhớ về nơi tôi sinh ra lớn lên; quê mình cũng có cốm và ngoại cũng làm cốm hộc đó thôi.
Cốm hộc Bình Thuận không nổi tiếng như cốm Vòng Hà Nội hay cốm dẹp Trà Vinh nên chẳng mấy người biết tới. Nhưng với người dân Bình Thuận, cốm hộc không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là một nét truyền thống. Ngày tết, dù giàu hay nghèo, người dân quê tôi đều sắm cho nhà mình ít thì năm bảy hộc, nhiều thì vài chục hộc. Cốm hộc được gói trong giấy màu nằm trang trọng trên bàn thờ gia tiên, gởi làm quà cho người phương xa, hay đơn giản là được cắt thành những miếng nhỏ nằm trong khay bánh dùng để tiếp khách ngày xuân. Cốm hộc tuy bình dị, dân dã nhưng trọn vẹn hồn quê, thấm đượm ngọt ngào.
Hồi tôi còn bé. Cứ gần sắp tết, ngoại lại rang nếp làm cốm. Ngoại thường rang nếp trên một chảo gang rất lớn. Ngoại nói:
- Phải dùng chảo gang vì gang vừa dày lại giữ nhiệt, hạt nổ mới đều và không bị cháy. Nếp cũng phải dùng nếp phụng hay nếp hương thì cốm mới thơm ngon được.
Thân thương cốm hộc quê nhà - ảnh 1

Cốm hộc thơm hương của nếp, ngọt của đường, cay của gừng, chua của me của dứa hòa quyện vào nhau

Ảnh: Phanthietvn.com

Nhà chỉ có hai bà cháu, ngoại nói cho vui cửa vui nhà hơn là hướng dẫn tôi cách làm cốm. Nếp sau khi nở bung thành hạt nổ trắng tinh, ngoại cất vào bao chờ hỗn hợp gồm: đường, dứa, gừng và me được nấu xong. Những lúc như thế này, tôi thường vốc trộm vài nắm hạt nổ rồi cuốn vội trong áo mà chạy ra vườn. Hạt nổ còn nóng, giòn tan đủ sức để làm cho những đứa trẻ quê ngày ấy như tôi thèm thuồng mà nhai vội nhai vàng, sợ ngoại nhìn thấy lại la.
Sau khi hỗn hợp nước đường được nấu xong, ngoại sẽ rưới vào hạt nổ và trộn đều tay cho hỗn hợp bao lấy hạt nổ chờ ép thành hộc. Khuôn cốm là một hộc gỗ hình vuông hai bề mặt rỗng, có thêm một miếng gỗ rời dùng để ép cốm. Cốm hộc phải ép cho thật chặt nên ngoại thường dùng cây đòn dài, một đầu buộc vào gốc cột lấy thế mà ép xuống. Ngoại lại bảo tôi:
"Cốm ép chặt bao nhiêu thì sau này khi cắt nhỏ không bị vỡ vụn. Nhìn cũng đẹp hơn mà ăn cũng ngon hơn".
Cốm sau khi được nhấc ra khỏi hộc, ngoại đặt trên tấm thớt cắt gọt cho vuông vức, rồi đem ra đặt lên vỉ tre phơi một hai nắng cho khô. Nhưng với một đứa trẻ như tôi, thứ làm cho mình hào hứng nhất là tự tay cắt những bông hoa nhỏ dán vào hộc cốm. Và cũng chỉ đợi có thế, khi ngoại tôi vừa bọc xong những hộc cốm bằng giấy màu, tôi nhanh tay dán ngay như sợ ngoại giành mất phần mình.
Ngày tết, ngoại thường chọn vài hộc cốm để lên bàn thờ. Số còn lại, ngoại để dành ăn tết cũng như chờ con cháu về mang đi. Những ngày đầu năm khi con cháu về, ngoại lật đật cắt vài hộc cốm ra ăn. Cắn miếng cốm giòn tan ngoại làm, uống bát nước chè xanh ngoại nấu, nhìn nụ cười móm mém của ngoại mà tự nhiên bao nhiêu muộn phiền của năm cũ trôi qua một cách nhẹ nhàng. Cốm hộc thơm hương của nếp, ngọt của đường, cay của gừng, chua của me của dứa hòa quyện vào nhau; tựa như cuộc đời con người dù trải qua chua cay, đắng đót, ngọt bùi thì đều mong chờ cái tết đoàn viên. Khi những đứa con, đứa cháu lại quây quần bên nhau và bên ngoại.
Tôi rời xa Bình Thuận cũng đã gần hai mươi năm. Bây giờ không còn mấy ai tự làm cốm hộc mà đi mua cho tiện. Nhịp sống hối hả không cho phép người ta ngồi lại làm từng hộc cốm như thuở nào. Ngoại cũng thế. Tuổi cao sức yếu, ngoại không thể tự mình làm cốm. Nhưng có lẽ ngoại vẫn nhớ như chính bản thân mình đang nhớ. Nghĩ thôi, lòng tôi lại cảm thấy rưng rưng…
 
Thân thương cốm hộc quê nhà - ảnh 2
ng1932-qu1932c-vi1932t
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/thuong-nho-mien-trung/than-thuong-com-hoc-que-nha-1305554.html Copylink